- Món quà 8/3 nào ấn tượng, ý nghĩa nhất mà chị từng nhận được và nhớ mãi?
- Tôi rất yêu hoa, hay cắm hoa, trồng hoa và ngắm nghía tỉa tót hoa, đi qua cây hồng là phải ngửi. Hoa cũng là món quà mà mình nâng niu nhất.
Tuy nhiên bức tranh anh Trịnh Công Sơn vẽ Hồng Nhung là món quà 8/3 mà tôi nhớ nhất, sẽ giữ được lâu nhất. Khi được anh tặng đã thấy rưng rưng xúc động rồi, giờ đây mỗi khi ngắm lại tôi vẫn thấy cảm giác đó…
|
Hồng Nhung rạng rỡ trong buổi tập cho đêm nhạc tại Hà Nội. Ảnh: Media Max
|
- Hình tượng phụ nữ mà chị theo đuổi?
- Sự nữ tính, thời nay hiện đại nên nhiều khi phụ nữ vươn tới những thành công về sự nghiệp, về kinh tế. Khi càng đạt được nhiều người ta dễ quên mất cái quan trọng của phụ nữ là nữ tính.
Sự dịu dàng của phụ nữ cứ cho là vũ khí đi, giống sự mềm mại của cây tre. Nhiều khi qua một trận bão, cổ thụ có thể đổ, tróc rễ nhưng cây tre thì vẫn nguyên tươi tốt.
- Chị bắt đầu tập ballet như thế nào?
- Tôi học ballet khá muộn. Yoga bắt đầu năm 27 tuổi. Ballet phải 30 tuổi mới bắt đầu, song không được tập đều đặn.
Cái tuổi trên 50 không thể mềm dẻo như thời trẻ được nhưng cũng may mình tập yoga. Nên khi quyết định viết kịch bản đoạn ballet nhón chân giống hơi bay lên cùng mùi hương ngọc lan, tôi phải quay trở lại tập trong một tháng. Sáng 15 phút tập trên giày mũi cứng, tối trước khi đi ngủ tập mũi cứng 15 phút nữa.
Trước khi tập cũng phải giãn cơ ít nhất 15 phút chứ không thể tự động lên ngay một cái. Nếu không giãn cơ kỹ sẽ có những chấn thương nguy hiểm, hoặc sàn không được bằng phẳng, hoặc mình không thực sự cân bằng chỉ cần quẹo nhẹ thôi có thể bị gãy xương cổ chân, mà gãy xương đó sẽ mất 2 năm để hồi phục, với một người trên 50 tuổi phải lâu hơn.
Đây cũng là lần đầu Hồng Nhung biểu diễn kỹ năng này trên sân khấu. Mà xin hãy nhớ đây chỉ là trình độ nghiệp dư thôi. Được biểu diễn và để lại hình ảnh khá nữ tính, bay bổng đối với một người nghiệp dư yêu múa như tôi như thế là rất thỏa mãn rồi.
|
Hồng Nhung không ngại thực hiện những động tác khó khi tham gia Chị đẹp
|
- Một game show như Chị đẹp đạp gió rẽ sóng giúp chị khám phá thêm điều điều gì mới mẻ ở bản thân?
- Tất cả kỹ năng Hồng Nhung trình diễn ở Chị đẹp là mình từng có. Ngoài ra mình thực sự yêu cái đẹp, yêu những nghệ thuật khác nữa.
Rất yêu mỹ thuật nhưng khổ quá là đã tập vẽ rất nhiều mà không vẽ được, tôi vẽ cực kỳ xấu trong khi ông nội là họa sĩ thuộc lứa đầu của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tôi rất tự hào về điều đó.
May sao đến thế hệ của chắt là Tép lại cực giỏi vẽ. Em học vẽ từ năm 4 tuổi. Tuổi đó thường không ngồi tập trung được nhưng thay vì 25 phút quy định thì em say mê ngồi 2-3 lớp liên tục. Sau này ở Pháp em được học lớp vẽ cho trẻ em ở bảo tàng d'Orsay (Paris)... Thôi cũng gọi là "đền đạn" cho mẹ.
Tôi luôn luôn học cái mới. Có thể mình không giỏi nhưng vẫn học bởi thích. Khi hướng đến việc tạo ra cái đẹp phần nào đời sống sẽ ý nghĩa hơn, bởi cái đẹp đó không chỉ riêng cho mình mà phần nào tạo được cảm hứng cả cho những người xung quanh.
|
Không thể thiếu bản song ca Vì ta cần nhau của Hồng Nhung và Quang Dũng tối 8/3
|
- Chị ít nhắc tới mẹ, việc thiếu vắng vai trò của người mẹ hình như cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc đời và sự nghiệp hết sức viên mãn của chị?
- Hoàn cảnh cha mẹ ly hôn cũng là điều đặc biệt so với thời những năm 70-80 của thế kỷ trước. Tôi sống với cha nên ảnh hưởng từ cha và bà nội nhiều. Bà nội cũng cực nhỏ bé, mình rất giống bà nội. Mình không được xinh như mẹ.
Mẹ là phụ nữ Hà Nội gốc Huế môi đỏ má hồng, còn mình lại đen đủi gầy gò… Bà nội cực kỳ kỹ tính. Thời đó ở Hà Nội nhà nào cũng nghèo nhưng như câu “đói cho sạch rách cho thơm”, bao giờ mọi thứ trong nhà bà cũng sạch sẽ tươm tất.
Áo cánh của bà bao giờ cũng trắng tinh và bà tự may cho cháu Bống những bộ lanh cũng trắng tinh rất đẹp. Vì thế Hồng Nhung lúc mới vào nghề ai cũng trêu là điệu. Và tôi công nhận là tôi điệu. Bởi đó là một trong những đặc tính của phụ nữ, tội gì mà không điệu.
Khi gặp anh Trịnh Công Sơn, anh cũng rất "điệu", cũng rất vị nghệ thuật và yêu cái đẹp. Vậy nên Hồng Nhung càng có cảm hứng để làm đẹp mỗi ngày. Phụ nữ ngày nay rất quan trọng điều đó, người ta làm đẹp mỗi khi thức dậy cũng tạo ra cảm hứng sống cho một ngày. Làm việc cũng thấy đỡ vất vả hơn khi mình cảm thấy là mình đẹp.
|
Chị cũng sẽ khoe với khán giả sáng tác mới.
|
- Chị giáo dục con cái thế nào về sự nữ tính cũng như bình đẳng giới?
- Thời này các con đến trường đã được giáo dục đầy đủ về bình đẳng giới. Các con cũng có nhiều thông tin - có thể nói là khủng hoảng thừa. Vấn đề là các con chọn lọc cái gì. May mà Tôm và Tép đều khá chín chắn so với tuổi.
Đến bây giờ, một cách tự nhiên các em hiểu được những giá trị đúng trong cuộc đời nói nôm na biết thế nào là tốt - xấu, đúng - sai. Chắc chắn không có sự phân chia hoặc thấy trọng nam khinh nữ như thời xưa nữa.
Theo N.M.Hà/Tiền Phong