Họa sĩ Phạm Minh Đức (thường gọi Đức Phạm) là người sống trong nghề body painting hàng chục năm. Anh sinh năm 1977 ở Hải Phòng, là một trong những họa sĩ ngoài Bắc dám đưa nghệ thuật trình diễn body painting đến gần với khán giả trong nước nhiều hơn.
Mặc dù rất bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian chia sẻ về cái nghề cầm cây cọ vẽ để thỏa trí tưởng tượng, đam mê và sáng tạo nghệ thuật trên cơ thể người mẫu nữ khỏa thân. Nói về ranh giới giữa nghệ thuật và khoe thân trong body painting rất mong manh, họa sĩ Đức Phạm đưa ra quan điểm: “Nghệ thuật body painting ở Việt Nam bị phụ thuộc ở khái niệm, giáo dục văn hóa mình tạo nên rào cản”. Anh làm việc với các người mẫu, diễn viên, phần lớn họ đến với nghề body painting một cách tình nguyện từ đam mê. Anh không ngại thừa nhận, với các họa sĩ Việt làm cái nghề này, làm việc cùng mẫu Tây dễ hơn mẫu Việt vì quan điểm của họ rất rõ ràng.
Giữa những băn khoăn về mối quan hệ giữa người họa sĩ và mẫu nude, Đức Phạm không ngần ngại chia sẻ: “Tôi thường có thời gian làm quen với các bạn mẫu nữ trước khi bắt tay vào hợp tác chung một dự án. Chuyện cám dỗ kia chỉ là thứ yếu. Làm việc nghệ thuật phải khác”.
Anh cho biết thêm, là họa sĩ nên khi vẽ khỏa thân nghệ thuật hay thiên về tính nghiên cứu. “Thường vẽ xong mới có chút gì đó rung rinh. Lúc làm việc thì tập trung” – anh tâm sự.
Với Đức Phạm, anh và mẫu nữ luôn thống nhất về quan điểm khi hợp tác. “Quan điểm của tôi rất rõ ràng. Làm việc là làm việc, hẹn hò là hẹn hò” – họa sĩ lên tiếng. Anh kể, trong giới thường bạn bè chỉ nói chuyện về nghệ thuật chứ không nói về giới. Nếu nói về giới, anh sẽ đứng lên đi về. Anh không ngại chuyện va vấp giữa nam và nữ bởi khi đã làm việc là bị cuốn vào, quên đi chuyện giới tính. Làm việc lâu năm trong nghề, đứng trước những thân hình gợi cảm gần như khỏa thân trước mặt nhưng một người họa sĩ luôn biết cách hướng đến yếu tố sáng tạo. Câu nói “Quen rồi” là lời họa sĩ Đức Phạm thường nói khi ai đó hỏi anh có bị hấp dẫn về giới tính trước một mẫu nude.
“Các bạn mẫu nữ nước ngoài rất hiểu về tính nghệ thuật. Tôi không thấy các bạn mẫu nữ có điều gì ẩn khuất. Thông thường tôi không phải thuyết phục người mẫu tham gia vào dự án vì các bạn ấy nghe tên tuổi sẽ biết. Chưa thấy lần nào tôi phải gạ ai, đa số tôi bị gạ ngược lại” – Đức Phạm kể.
Họa sĩ người Hải Phòng cho hay, từ thời xa xưa của loài người hay vẽ lên người để đánh dấu bộ tộc, xua đuổi thú dữ hoặc một cái gì đó trở thành một tín hiệu, sau này phát triển thêm thành xăm (tattoo). Thời hiện đại, vẽ trên người trở thành một môn nghệ thuật hơn. Khi được hỏi về cái khó của một họa sĩ body painting như anh, Đức Phạm thẳng thắn: "Bản thân tôi chuyên về vẽ body painting trực tiếp, tức là vẽ trình diễn trước mặt mọi người chứ không phải vẽ kín trong studio. Với tôi, không có khó khăn gì lắm".
Khi được hỏi về chuyện cát-sê trả cho người mẫu, họa sĩ Đức Phạm chia sẻ: "Thường cát-sê không phải vấn đề quan trọng với những mẫu nữ body painting. Họ phần lớn là tự nguyện nhận làm mẫu. Các đối tác tổ chức sự kiện sẽ trực tiếp chi trả thù lao cho người mẫu. Tùy theo mức độ về đạo cụ của sự kiện mà đưa ra mức cát-sê khác nhau".