Ngày 5/11, trong buổi họp báo của Công ty Sen Vàng, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên kể cô đã ký vào tờ giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng từ phía bà Thùy Trang, nhưng lại không nhận bất cứ khoản tiền nào từ bà này.
Liên quan vụ bà Đặng Thùy Trang kiện Hoa hậu Thùy Tiên ra tòa, yêu cầu cô trả cho bà gần 2,4 tỷ đồng (bao gồm 1,5 tỷ đồng tiền nợ và 932 triệu đồng tiền bồi thường). Đồng thời, bà Đặng Thùy Trang buộc Thùy Tiên phải cải chính thông tin, đăng thông báo xin lỗi công khai trên ba trang báo. Thùy Tiên lần đầu tiên lên tiếng, khẳng định cô không nợ tiền bất cứ ai, không nhận tiền từ ông Nguyễn Quan Trọng và bà Đặng Thùy Trang. "Tôi không nhận tiền đầu tư từ bất cứ đâu", Thùy Tiên cho hay.
Theo Nguyễn Thúc Thùy Tiên, bà Đặng Thùy Trang cho rằng cô là người có tiềm năng, cô cần có tiền đầu tư. Do đó, bà Trang tiếp cận Thùy Tiên và tìm kiếm người hỗ trợ cho hoa hậu. Từ đó, dẫn đến việc ký giấy nợ.
"Tôi không nhận được sự hỗ trợ nào, sau đó tôi nhận ra mình bị "gài", sự việc không chỉ xảy ra với một mình tôi mà còn nhiều người khác, những cô gái trẻ mong muốn đi thi để đổi đời..." Thùy Tiên khẳng định và cho biết đây là vụ việc rủi ro cho sự nghiệp của cô nhưng Thùy Tiên đang đấu tranh cho chính cô và những cô gái tương tự.
Thùy Tiên bày tỏ việc cô không muốn cô gái nào gặp phải sự việc trên. "Tôi có sai và có điểm bất lợi nhưng tôi không quan trong việc thắng hay thua kiện. Tuy nhiên, tôi khẳng định trong vụ này tôi bị lừa", Nguyễn Thúc Thùy Tiên khóc, cho hay.
Về vấn đề ký giấy vay nợ của bà Trang, Thùy Tiên cho rằng cô ký vì bà Đặng Thùy Trang bảo sẽ giúp đỡ, hỗ trợ cho cô đi thi cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2017. Tuy nhiên, sau đó cô nhận ra mình không nhận được sự hỗ trợ, đầu tư nào cả.
"Việc kiện tụng là bước đi rủi ro trong nghề nghiệp của tôi, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh để các bạn trẻ không gặp phải những câu chuyện tương tự", Thùy Tiên khóc và cho biết hiện TAND quận Gò Vấp đã thụ lý vụ án này và cô tin vào phán quyết của tòa án.
|
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên tại buổi họp báo ngày 5/11. Ảnh: Dương Trang.
|
Trước đó, theo đơn khởi kiện của bà Đặng Thùy Trang, năm 2017, hoa hậu Thùy Tiên đề nghị vay 1,5 tỷ đồng để thi Hoa khôi Nam Bộ. Cô từng viết giấy vay tiền, cam kết trả sau khi thắng giải.
Thời điểm này, chồng bà Trang vừa bán ôtô, nên bà Trang đã trực tiếp giao tiền mặt cho bà Tiên. Khi cho Thùy Tiên Vay tiền, bà Trang đã nhờ ông Nguyễn Quan Trọng đứng ra ký biên bản xác nhận nợ với tư cách là bên cho bà Tiên vay, còn Trang là người làm chứng. Lúc này, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã ký, ghi rõ nhận đủ tiền.
Tuy nhiên, sau khi giành vương miện, Thùy Tiên quỵt tiền. Đến tháng 4/2019, Thùy Tiên hẹn bà Trang ra quán cà phê ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) để trả tiền, với điều kiện đưa ra bản gốc giấy vay nợ. Tại đây, Thùy Tiên đã xé giấy vay nợ.
Sau đó, Hoa hậu Thùy Tiên tố cáo bà Trang ra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Bà Trang nói qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác minh không đủ cơ sở xác định có dấu hiệu tội phạm.
Ngoài ra, bà Trang cho rằng việc Thùy Tiên đưa ra các thông tin bịa đặt trên báo, cố tình tố giác hành vi mà bà không thực hiện là nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của bà.
Thời điểm xảy ra sự việc, bà Đặng Thùy Trang vừa sinh con, do đó các thông tin của Thùy Tiên đưa ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bà, gây ra thiệt hại cho bà về thù lao, các khoản bồi thường khi phải chấm dứt các hợp đồng với đối tác.
Từ đó, bà Trang yêu cầu tòa án buộc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên trả cho bà gần 2,4 tỷ đồng (bao gồm 1,5 tỷ đồng tiền nợ và 932 triệu đồng tiền bồi thường). Đồng thời, bà Đặng Thùy Trang buộc Thùy Tiên phải cải chính thông tin, đăng thông báo xin lỗi công khai trên ba trang báo.
Hôm 4/11, TAND quận Gò Vấp cũng đã thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chấm dứt hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân giữa hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và bị đơn là bà Đặng Thùy Trang.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.
Theo Dương Quỳnh Trang/Zing