Hai hôm nay, cộng đồng mạng khá ầm ĩ về mấy bức ảnh chụp Hoa hậu Đỗ Thị Hà khi về thăm Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nơi cô theo học. Hoa hậu ngồi ở một trong 2 ghế chủ tọa, ghế kia thuộc về thầy Hiệu trưởng, PGS.TS Phạm Hồng Chương. Nhiều người cho rằng, là sinh viên của trường, Đỗ Thị Hà “ngồi ghế trên như mẫu nghi thiên hạ” trong khi các thầy ngồi dưới là quá phận, là không biết trên dưới, là coi sắc đẹp hơn tri thức… Họ chê trách, mắng mỏ gay gắt cả hoa hậu lẫn nhà trường và cả phía tổ chức cuộc gặp mặt này.
|
Hoa hậu Đỗ Thị Hà trong buổi về thăm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. |
Vậy có quan trọng hóa, có nâng tầm sự việc lên quá mức không? Sao không nhìn một cách cởi mở, khoáng đạt hơn nhỉ? Đành rằng Đỗ Thị Hà là sinh viên của trường, so với các thầy là bề dưới, nhưng xét tính chất buổi gặp này, cô cũng là một vị khách danh dự, và là nhân vật trung tâm của sự kiện. Đương nhiên, chỗ ngồi của cô phải là chỗ nổi bật, để mọi người đều hướng mắt vào đó. Đừng quên là Hà không ngồi đó một mình, còn có thầy Hiệu trưởng ở vị trí chủ tọa, cũng là chủ nhà.
Hãy hình dung người được đón tiếp hôm đó không phải hoa hậu mà là một sinh viên xuất sắc vừa đoạt giải Nhất tại kỳ thi quốc tế uy tín, mọi người có “ném đá” nếu em ấy cũng được ngồi ở vị trí danh dự đó không? Tôi tin là ai cũng nghĩ sinh viên đó cần được tôn vinh. Tại sao hoa hậu lại không được như thế? Người chiến thắng cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia đâu chỉ có sắc đẹp mà còn hội tụ cả tri thức, trí thông minh và những phẩm chất khác, cô ấy xứng đáng được đón tiếp long trọng lắm chứ?
|
Hoa hậu chụp ảnh với các bạn sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Vả lại, tôi tin là các thầy chẳng ai chạnh lòng rằng mình ngồi ở vị trí cử tọa nhìn lên cô học trò của mình phía trên. Đối với họ, cô học trò vừa chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu ấy là niềm tự hào, là thành tích mà họ muốn chiêm ngưỡng, muốn khoe. Chẳng phải các loại cup, huy chương luôn được trưng bày ở nơi trang trọng và thu hút ánh nhìn nhất hay sao? Đỗ Thị Hà về trường, với các thầy, cũng giống như học trò chiếm được bảng vàng về làng vinh quy bái tổ, chẳng ai nghĩ rằng đón rước long trọng nghĩa là hạ thấp những bậc trưởng thượng trong làng.
Vâng, tôi đồng ý với một số bạn rằng nếu buổi gặp mặt được tổ chức khéo léo và tinh tế hơn thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra, ví dụ như bố trí ngồi theo kiểu bàn tròn, không ai “cao” hơn ai cả. Nhưng bàn ghế trong phòng tiếp khách của nhà trường vốn được sắp xếp cố định từ trước, có cần phải nhọc lòng thiết kế lại, hay đi thuê đi mượn loại bàn khác hay không?
Mà thầy trò họ gặp nhau, trò vui, thầy cũng phấn khởi, người trong cuộc không ai thấy vấn đề gì thì tại sao chúng ta phải bất bình hộ nhỉ? Đâu có gì đáng để làm ầm ĩ hay chỉ trích nặng lời!
Theo Lê Tâm/ VTC