>>> Mời quý độc giả xem video “H’hen Niê mang “Bánh Mì” đến Miss Universe. Nguồn Youtube/vtc:
Mới đây, Hoa hậu H’hen Niê đã quyết định chọn bộ trang phục mang tên “Bánh Mì” làm quốc phục tại cuộc thi Miss Universe 2018 (Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới) thay vì 2 thiết kế “Ngũ hổ” và “Phố cổ”. So với bản gốc, bộ quốc phục “Bánh Mì” phiên bản mới đã thay đổi một số chi tiết.
Nếu phiên bản gốc là bộ quần áo bó sát màu đỏ kín cổng cao tường thì bản mới là váy cúp ngực màu da. Thiết mới cũng không còn các thông điệp như “10K”, “ăn là nghiền” hay bông tai hình bánh mì. Những chiếc "bánh mì" cũng được trau chuốt hơn.
|
Bộ trang phục "Bánh Mì" bản gốc. Ảnh: Fanpage |
|
Phiên bản mới của thiết kế "Bánh Mì". Ảnh: Fanpage |
Khi mới được công bố lọt vào vòng “nộp hồ sơ”, “Bánh Mì” bản gốc ngay lập tức bị chê “kém sang”, như “hàng chợ”. Bản mới dù bớt rườm rà hơn nhưng vẫn gây tranh cãi khi chính thức trở thành quốc phục của đại diện Việt Nam trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Phần đông ý kiến cho rằng bộ trang phục “Bánh Mì” mới chỉ đáp ứng tiêu chí độc lạ của một bộ quốc phục, nhưng nếu xét đến yếu tố đại diện cho văn hóa Việt Nam thì “Bánh Mì” chưa thể làm tốt vai trò này.
Bánh mì là món ăn rất phổ biến ở nhiều nước. Nếu mang đến cuộc thi nhan sắc quốc tế, bánh mì được cho là quá bình dân. Nhiều người cho rằng bộ trang phục lấy cảm hứng từ bánh mì có thể sẽ phù hợp hơn với các cuộc thi ẩm thực hay quảng bá du lịch Việt Nam.
Ngoài việc không thể đại diện cho văn hóa Việt Nam, “Bánh Mì” còn bị chê dìm hàng người mặc. Nhiều ý kiến bày tỏ, dù H’hen Niê có vóc dáng quyến rũ cũng trở nên kém thu hút giữa những chiếc “bánh mì”, “rổ rá”.
|
Người hâm mộ chê trang phục H'hen Niê mang đi chinh chiến đấu trường nhan sắc quốc tế. |
Nhìn lại các bộ quốc phục từng giành chiến thắng tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới đều hội tụ yếu tố độc lạ nhưng vẫn đậm nét văn hóa của các quốc gia. Lấy ví dụ, năm ngoái, đại diện Nhật Bản về nhất với thiết kế có thể biến thành 2 trang phục khác nhau từ trang phục nữ ninja thành kimono.
Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2016, đại diện Myanmar mang đến cuộc thi bộ phục quốc tái hiện bộ môn múa rối đặc trưng của quốc gia này trên nền phong cảnh của đất nước Myanmar. Bộ trang phục đã giúp đại diện Myanmar giành giải quốc phục.
|
Quốc phục của đại diện Nhật Bản tại cuộc thi năm 2017. Ảnh: Missosology |
|
Đại diện Myanmar giành giải quốc phục đẹp nhất ở mùa giải năm 2016. Ảnh: Reuter |
Năm 2015, giành chiến thắng phần thi quốc phục là người đẹp đến từ Thái Lan với bộ trang phục được lấy cảm hứng từ xe tuk tuk. Thiết kế được đánh giá tôn lên vẻ đẹp của người mặc đồng thời có sự sáng tạo, mang tính dân tộc.
Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2014, một đại diện khác của Đông Nam Á là Indonesia cũng đoạt giải quốc phục đẹp nhất. Thiết kế mà người đẹp Indonesia mang đi chinh chiến là bộ trang phục tái hiện hình ảnh đền Borobudur nổi tiếng của quốc gia này.
|
Người đẹp Thái Lan với bộ quốc phục lấy cảm hứng từ xe tuk tuk. Ảnh: Bangkok Post |
Dường như
H’hen Niê lựa chọn “Bánh Mì” vì yếu tố độc lạ mà đa phần các thiết kế từng giành giải quốc phục tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới đều có. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ, quan trọng hơn bộ trang phục cần thể hiện được nét văn hóa đặc sắc của quốc gia.
Đông đảo người hâm mộ lo lắng quốc phục của H’hen Niê sẽ khó có thể giúp cô gây ấn tượng và giành chiến thắng. Chưa kể, các đối thủ của H’hen Niê năm nay cũng rất chú trọng vào phần thi trang phục dân tộc.
Thu Cúc