Trong 3 năm trở lại đây, khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ không còn thuộc quyền sở hữu của Donald Trump nữa thì đã có nhiều sự thay đổi về tiêu chí.
Ưu ái các cô gái da màu
Xem xét từ cách lựa chọn người chiến thắng trong 3 năm vừa qua (2015, 2016, 2017) từ 2 cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss USA) và Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), dễ dàng thấy được công ty IMG rất thích những cô gái gốc Phi với mái tóc xoăn tít.
Tiêu chí này cũng được các nước khác tiếp thu nhanh chóng như Brazil, Pháp, Venezuela.
Nếu cô hoa hậu đó có dòng máu lai châu Phi là một lợi thế vô cùng to lớn tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ gần đây.
Đó là lý do nhiều nước lần đầu có đại diện gốc Phi tham dự và bất ngờ đoạt giải cao như Flora Coquerel (á hậu 3 năm 2015 - Pháp), Ariana Miyamoto (Top 10 năm 2015, Nhật Bản), Shanaelle Petty (Top 16 năm 2017, Croatia)...
Trong 3 mùa Hoa hậu Hoàn vũ gần đây, số lượng thí sinh da màu gốc Phi chiếm 4 trong số 15 vị trí tứ kết (Pháp, Nhật Bản, Curaçao, Nam Phi) vào năm 2015.
|
H'Hen Niê rất tự tin khi trả lời ứng xử - Ảnh: Gia Tiến. |
Đến năm 2016, trong Top 13 đã có 5 hoa hậu gốc châu Phi (Haiti, Colombia, Kenya, Mỹ, Brazil) và được trao 2 danh hiệu á hậu.
Và năm 2017 thì con số này tăng lên đột biến, với 7 cô gái có nước da sẫm màu trong Top 16 (Jamaica, Venezuela, Brazil, Mỹ, Croatia, Ghana, Sri Lanka), kết thúc với sự lên ngôi của hoa hậu Nam Phi và Jamaica ở ngôi á hậu 2.
Ở khu vực châu Á, 3 nước nổi lên trong những năm vừa qua là Philippines, Thái Lan, và Indonesia cũng thành công nhờ những thí sinh gốc bản địa có nước da màu tối.
Điều tương tự cũng xảy ra với Hoa hậu Mỹ khi chứng kiến với sự đăng quang 2 năm liên tiếp 2016-2017 của đại diện của thủ đô Washington, D.C., là nơi có tỷ lệ người gốc Phi da đen cao nhất nước Mỹ, chiếm 50% dân số.
Các thí sinh da màu hoặc gốc Phi chiếm số áp đảo trong ở các vòng trong như năm 2016 với toàn bộ Top 3 (2 gốc Phi, 1 người lai da màu), và năm 2017 có đến 4/5 thí sinh vào Top 5, gồm 3 cô là Mỹ gốc Phi cùng 1 cô gốc Ấn Độ da sẫm.
Những điểm khác biệt của Hoa hậu H'Hen Niê như mái tóc tém, làn da nâu chắc chắn là ưu điểm để tạo ấn tượng đối với mọi người về vẻ đẹp đa dạng của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
|
H'Hen Niê ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - Ảnh: Gia Tiến. |
Và nếu muốn thành công, cô gái 26 tuổi này phải biết giữ phong độ hiện có như hiện tại, là luôn ổn định và tập trung hoàn thành các yêu cầu cũng như thử thách của ban tổ chức đề ra, ứng xử điềm đạm, chân thành với tất cả, nhưng trong hậu trường thì hoạt bát, hòa đồng với các thí sinh khác.
Đừng quá hiền lành, rụt rè, thu mình, thụ động, và lúc nào cũng làm theo sự chỉ đạo của người khác, đừng để mất bình tĩnh hay bị mất tự tin ở những phần thi quan trọng.
Đề cao trí tuệ và nhân cách
Nhiều khán giả cũng thấy những thí sinh đoạt giải cao tại cuộc thi Hoa hậu Mỹ hay Hoa hậu Hoàn vũ ngày càng "già" (26-27 tuổi), chiều cao không nổi bật (từ 1m68 đến 1m72), hình thể lẫn khuôn mặt cũng không phải là ưa nhìn nhất, trình diễn không nổi bật...
Tất cả đều khác xa với thời của Donald Trump với những cô hoa hậu bốc lửa, gợi cảm Latin, đẹp sắc sảo, cùng tính cách bá đạo, và lối trình diễn điêu luyện.
Với tiêu chí "Confidently Beautiful" (Đẹp một cách tự tin), ban tổ chức, ban giám khảo chú trọng vào việc chọn ra những cô gái có thể truyền cảm hứng, đặc biệt là trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ thông qua trí tuệ, nhân cách, và các giá trị nhân văn.
Các cuộc thi hoa hậu ngày nay không còn quan trọng về khuôn mặt, số đo hình thể, hay kỹ năng như trước đây nữa; mà phần lý lịch, các hoạt động trước khi đăng quang nhiều năm của thí sinh sẽ là thước đo để đánh giá.
Đó là cả quá trình cống hiến cho xã hội, làm những việc ý nghĩa cho cộng đồng (phục vụ trong quân đội, nghiên cứu khoa học, học chuyên ngành bác sĩ...).
Và những gì về cuộc đời về một cô gái nghèo từng đi làm người giúp việc, làm những công việc tay chân để nuôi dưỡng ước mơ được đi học cao hơn, phá vỡ những hủ tục lạc hậu của H'Hen Niê là câu chuyện đầy xúc động, cũng như làm nguồn cảm hứng để nhiều người khâm phục.
Việc cô dùng số tiền để dành, thậm chí là vay mượn để trang trải cho việc đi thi hoa hậu cũng là một tấm gương về nghị lực, dám theo đuổi ước mơ, và thực hiện một cách nghiêm túc.
Bao giờ danh hiệu cao xướng tên thí sinh Việt?
Trong khi các quốc gia láng giềng trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia những năm gần đây liên tiếp đạt thứ hạng cao tại đấu trường Hoa hậu Hoàn vũ, trở thành những cường quốc hoa hậu mới nổi của thế giới, thì Việt Nam vẫn kém duyên ở cuộc thi này, có thành tích kém nhất so với 4 cuộc thi hoa hậu khác còn lại trong hệ thống Grand Slam.
Đại diện Việt Nam chỉ duy nhất vào được Top 15 tứ kết hồi năm 2008, với Thùy Lâm thi trên sân nhà.
Nếu Philippines và Thái Lan có lịch sử tham dự lâu đời từ thập niên 1950-1960, thì Indonesia chỉ mới chính thức tham dự liên tục từ năm 2005 (cùng thời điểm bắt đầu với Việt Nam vào năm 2004).
Điểm chung ở họ là có cuộc thi cấp quốc gia tổ chức hàng năm, trước đó mỗi tỉnh thành đều có cuộc thi cấp địa phương ròng rã trong một năm trời.
Đêm chung kết được đầu tư công phu, hoành tráng và ban tổ chức mời cả đương kim Hoa hậu Hoàn vũ với thành viên chủ chốt của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đến tham gia, góp ý trong việc muốn chọn ai là người chiến thắng để thi đấu quốc tế.
Còn Việt Nam, trong 14 năm (2004-2017) đã bỏ thi 4 lần (2006, 2007, 2010, 2014), và chỉ mới tổ chức có 3 cuộc thi cấp quốc gia tuyển chọn đại diện chính thức (năm 2008, 2015, và 2018); còn lại là cho á hậu thay phiên đi thi, hoặc bốc người từ những cuộc thi khác.
Theo DONALD NGUYỄN/Tuổi trẻ