Sau khi lên sóng trên VTV vào tối ngày 8/9, phim “Ranh giới” lập tức đón nhận vô số lời khen ngợi từ phía khán giả. Nhiều người cho biết, họ thực sự xúc động trước câu chuyện y bác sĩ giành giật mạng sống cho các thai phụ mắc COVID-19 được điều trị tại khu K1, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).
“Ranh giới” do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Kiều Viết Phong thực hiện. Trong cuộc phỏng vấn với VTV, Tạ Quỳnh Tư tiết lộ những chuyện chưa kể khi làm phim. Anh cho biết, khi vào khu K1, anh xác định nằm trong diện bị nhiễm bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay từ đầu, anh cố gắng tác nghiệp càng nhiều càng tốt và trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất.
Đạo diễn phim “Ranh giới” kể về lần có nguy cơ nhiễm bệnh: “Khi quay một chị thai phụ to nặng cần chuyển sang phòng khác, giường bệnh khác để thở máy và nguồn oxy cung cấp mới, vì không đủ người khênh sang giường nên mọi người gọi tôi hỗ trợ.
Tình huống không may tôi bị rơi kính chống giọt bắn ra và bác sĩ bảo phải bỏ ngay. Nhưng kính mới thì không có, ra ngoài gọi xin thì phức tạp nên tôi nhanh ý mang kính ra xịt đầy cồn để khử khuẩn rồi lại đeo lại. Lúc biết có nguy cơ nhiễm bệnh tôi khá bình thản vì ngay từ đầu xác định có thể bị nhiễm”.
Trong một lần test, mẫu gộp của Tạ Quỳnh Tư dương tính, tên của nam đạo diễn và của 2 bác sĩ khác được bôi đậm hơn. Lúc đó, Tạ Quỳnh Tư chỉ sợ không thể hoàn thành công việc thì đã phải đi cách ly. Sau đó, khi test lại, Tạ Quỳnh Tư âm tính, không may 2 bác sĩ lại dương tính.
|
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Ảnh: Giao thông, VTV |
Khi thực hiện phim “Ranh giới”, Tạ Quỳnh Tư bị sốc bởi thực tế khác xa với những gì anh được xem, được nhìn. Anh nói: “Được chứng kiến những cái giây phút mà người bệnh nhân sợ không thở được và thèm thở, muốn thở thì nó mới khủng khiếp như thế nào. Người bình thường thở đã khó, thai phụ thở cho hai người còn khó gấp đôi.
Tôi sốc khi chứng kiến, nhìn tận mắt, thấy bệnh nhân chỉ trong tích tắc vừa nói chuyện, vừa được mình giơ tay động viên cố lên thì chỉ 2 phút sau ngoảnh lại đã nằm bất động và các bác sĩ đang phải dồn lực để nhấn tim cho thai phụ đấy...
...Điều khiến tôi sốc nữa khi bác sĩ lựa chọn cứu mẹ hay cứu con. Họ đã bàn bạc rất kỹ nhưng công việc buộc họ phải lựa chọn cứu một trong hai. Rồi từ đó mình thấy có những việc ta được lựa chọn nhưng có những cái ta không được lựa chọn.
Bác sĩ tâm sự ngày xưa nếu cứu chữa bệnh nhân theo phác đồ đấy, quy trình đấy phương thức đấy thì tự tin sẽ cứu được bệnh nhân nhưng đối với bệnh nhân thai phụ mắc COVID-19 thì niềm tin đấy không còn nữa, bản thân các bác sĩ nói nó cũng mong manh quá, không còn cho mình quyền quyết định cứu được hay không”.
Trên Giao thông, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ, khi quay lẫn khi làm hậu kỳ, anh có những lúc không thể kìm được cảm xúc. “Tôi đã luôn cố gắng để cảm xúc của mình không chạy theo những gì đang diễn ra. Mỗi khi có câu chuyện đau đớn xảy ra trước mắt, nếu thả cảm xúc theo là mình không làm được.
Nhưng đôi khi, lý trí vẫn phải chịu thua cảm xúc. Có những khoảnh khắc đau đớn quá, tôi không kìm được nước mắt nên phải bỏ máy quay xuống, bỏ lỡ một số khoảnh khắc đáng nhớ.
Sau khi làm hậu kỳ, xem lại những hình ảnh đã quay và trở thành khán giả, những cảm xúc ấy lại ùa trở về, làm cho tôi cảm thấy rất ngột ngạt và khó làm tiếp được. Lúc đó tôi buộc phải dừng lại, trấn an chính mình để hoàn thành bộ phim tốt nhất”.
Đồng hành cùng Tạ Quỳnh Tư trong những ngày ở K1, quay phim Kiều Viết Phong cho biết, anh đặc biệt ấn tượng với khoảnh khắc người cha già đến nhận di vật của cô con gái không may qua đời vì COVID-19.
Quay phim Viết Phong cho hay: “Người cha đến nhận hành lý và ký xác nhận con và cháu của mình không qua khỏi. Lúc đó có một bác sĩ đưa điện thoại, bật cái hình ảnh lúc người con của ông còn đang nằm trên giường bệnh. Tôi nhìn người bác sĩ cũng rưng nước mắt và người cha thì sững người nhưng tôi cảm nhận được tình đồng bào bác sĩ dành cho gia đình bệnh nhân”.
|
Quay phim Viết Phong. Ảnh: VTV |
|
Một cảnh trong phim "Ranh giới". Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Về việc phim công khai bí mật cá nhân, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ trên Pháp luật TP.HCM: “Tôi biết khi phim công chiếu, khán giả sẽ nói nhiều về quyền con người, bảo vệ hình ảnh bệnh nhân…
Trong Ranh giới, nếu mọi người xem sẽ thấy 90% nhân vật là bệnh nhân nặng, bất động, không nói được… thì ê-kíp sẽ không quay thẳng mặt mà quay xa, quay qua vai... Với những nhân vật xuất hiện thẳng, rõ mặt đều là những nhân vật còn nói chuyện được.
Tôi ở suốt trong bệnh viện, gặp bệnh nhân, tôi được nói chuyện, gặp gỡ họ hằng ngày. Tôi không muốn che mặt người ta xấu đi bao giờ. Tất cả bệnh nhân câu đầu tiên tôi gặp, đều giới thiệu mình làm gì, phim ra sao… họ đồng ý tôi mới quay.
Khi làm hậu kỳ để phát sóng, tôi cũng tiếp tục suy nghĩ việc nên che mặt hay không. Tôi có hỏi đội ngũ bác sĩ nên để hay che đi, các bác sĩ đều từ góc nhìn riêng tư về các gia đình. Đó là với COVID-19, bệnh nhân không được gặp người thân trước khi mất, nên hình ảnh về họ trước khi mất có thể là chút kỷ niệm cuối cùng.
Trong phim có cảnh một người bố muốn gặp người con gái lần cuối nhưng không thể gặp do dịch bệnh lây lan. Sau đó bác sĩ cho ông xem hình ảnh con những giây phút cuối cùng, đó là hình ảnh quý giá cuối cùng người cha được thấy về con… (trong phim Ranh giới, khoảnh khắc này từ phút 36 – PV)...
...Cho đến giờ, nhân vật trong phim tôi người còn, người đã ra đi. Nhân vật nào không đồng ý tôi sẽ không quay nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi họ… Đến giờ nhiều nhân vật qua điện thoại hỏi thăm, tôi biết họ đã về đoàn tụ gia đình”.
Xem clip đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ về hậu trường phim. Nguồn Vietnamnet
Thu Cúc (Tổng hợp)