Có lẽ quãng thời gian làm việc cho ekip Star Wars: The Last Jedi và Bright đã khiến Ngô Thanh Vân vỡ lẽ ra nhiều điều. Vì vậy, chuyện Hai Phượng trở nên “Hollywood hóa" hơn là dễ hiểu.
Ngay sau buổi công chiếu, hàng loạt những lời có cánh dành cho Hai Phượng liên tục được update trên mạng xã hội càng làm phần khán giả còn lại thêm háo hức. Lần này, Ngô Thanh Vân đã thực sự khẳng định được vị thế của một “đả nữ” không chỉ trên đất Việt mà còn ở trường quốc tế.
|
Siêu mẫu Xuân Lan nhận xét về Hai Phượng. |
|
Jun Phạm dành một bài review cực dài cho "Hai Phượng".
|
Diễn xuất “rùng mình” của Hai Phượng
Hai Phượng không phải vai diễn hành động đầu tiên, nhưng chắc chắn sẽ là vai hành động ấn tượng nhất của Ngô Thanh Vân.
Lần này, đả nữ đã trau chuốt cho bản thân từ dáng đi đến ánh mắt, từ thái độ đến giọng điệu... Vẫn là dáng đi hai hàng quen thuộc trong Dòng Máu Anh Hùng và Bẫy Rồng, nhưng lần này lại thực sự tự nhiên, như thể sinh ra Ngô Thanh Vân đã là như vậy.
|
Ngô Thanh Vân trong Dòng Máu Anh Hùng. |
Với Hai Phượng, khán giả phải rùng mình với ba lần nữ chính nhìn trực diện máy quay: Khi nghe tên đòi trả thù gọi mình là “con chó đẻ”, khi nhớ lại bài học từ cha rồi vùng dậy xử đẹp kẻ bắt cóc con gái mình và cảnh cuối cùng trước khi phim kết thúc.
Phải nói, ở Hai Phượng, Ngô Thanh Vân đã tạo nên một tượng đài lớn cho danh hiệu “đả nữ” mà sau này khó có nữ diễn viên nào vượt qua.
Suốt bộ phim, ekip không cho phép khán giả dừng sự hồi hộp và gay cấn một phút nào. Khi chỉ vừa kịp thở nhẹ một tiếng vì đến bữa cơm gia đình ấy là bình yên rồi, thì bọn trả thù lại tới. Khi tưởng Hai Phượng hoàn lương vì đi cầm món đồ quý nhất đời mình để lấy tiền cho bé Mai (Mai Cát Vi) mua cá thì con bé lại bị bắt cóc.
Còn sau đó, tất cả mọi thứ gấp rút theo từng bước chân của Hai Phượng đi tìm lại đứa con bé bỏng. Có lẽ không chỉ diễn xuất, mà đến nhịp phim, Ngô Thanh Vân cùng ekip cũng học tập triệt để điện ảnh Hollywood.
|
Hai mẹ con Hai Phượng |
Công lớn của quay phim và đạo diễn hình ảnh
Nếu chỉ khen diễn xuất của Ngô Thanh Vân hay các diễn viên khác thì chắc chắn là thiếu sót lớn của một khán giả. Bởi để làm nên một Hai Phượng lấy đến ít nhất 3 tràng pháo tay của suất công chiếu, hẳn là không thể quên được công sức của đạo diễn hình ảnh và đội ngũ quay phim.
Những cảnh quay không thừa, không thiếu, đồng thời liên tục có những cảnh quay cận tăng được tính chân thực mà hiếm có phim Việt Nam nào (cả điện ảnh lẫn truyền hình) dám làm.
Mặt khác, việc lựa chọn đạo cụ đa phần là dao, rìu, rựa… đậm chất Việt Nam còn khiến sự nguy hiểm tăng lên nhiều phần. Khi máy quay lia nhanh theo từng đường dao lao đi, khán giả thực sự thấy tim mình nhảy khỏi lồng ngực vì chỉ cần lệch 1 li thôi là sẽ có người bỏ mạng.
Sự kết hợp màu sắc trong Hai Phượng
Một yếu tố khiến khán giả phải thực sự nhớ về Hai Phượng, đó là sự kết hợp màu sắc và ánh sáng của bộ phim. Toàn bộ phim phần lớn được quay trong bóng tối, chỉ có hai luồng sáng tím và xanh. Việc này đã buộc khán giả phải căng mình lên nếu muốn nhìn rõ từng pha đánh đấm rất chuẩn của các diễn viên.
Mặt khác, sự kết hợp tím – xanh tạo ra một cảm giác u buồn rõ rệt. Nỗi buồn đó không chỉ là của Mai khi bị ghẻ lạnh và cười chê là đứa con hoang, mà còn của Hai Phượng khi tưởng như mất đi điều quý giá nhất cuộc đời là đứa con gái.
|
Hình ảnh những đứa trẻ con bị bắt cóc cũng được đặt trong gam màu tím - xanh chủ đạo |
Đến ít phút cuối cùng của bộ phim, khi bé Mai đã trở về và xin được học võ để bảo vệ bản thân và người xung quanh, khi mọi người không còn nhìn Hai Phượng là “thứ giặc cái theo trai bỏ nhà, con đàn bà chửa hoang”, thì bình yên mới thực sự trở về với hai mẹ con.
Màu trắng ấy như tượng trưng cho một sự khởi đầu mới của cả hai mẹ con sau hành trình giành giật sự sống trở về.
Nhưng vẫn tồn tại những điểm chưa chỉn chu
Phải nói khi xem Hai Phượng, khán giả chắc chắn sẽ có cảm giác đang xem một bộ phim Hollywood, không chỉ bởi những pha đánh đấm tuyệt kĩ, những góc máy được lựa chọn cẩn trọng mà còn bởi người ta thấy bóng dáng của Taken ở đâu đây.
Vẫn là câu chuyện của một vị phụ huynh tưởng đơn thuần nhưng thực chất lại là một “sát thủ” trên con đường đi tìm lại đứa con của mình.
|
Liam Neeson trong series Taken. |
Mặt khác, chuyện xây dựng nên một bà mẹ “anh hùng” trong Hai Phượng có phần hơi… quá đà. Dù sao, Hai Phượng vẫn chỉ là một người phụ nữ, sức khỏe cũng có giới hạn, nhưng liên tiếp trong phim nhân vật lại chỉ ngất đi đúng một lần sau khi đứng trước cửa tử.
Trong khi đó, tất cả những đối thủ của cô lại lần lượt gục ngã. Đến tay máu mặt như Trực (Phạm Anh Khoa) còn thở hồng hộc sau khi đánh nhau với Hai Phượng, còn bà mẹ mất con chỉ cần rút cái tua vít ra là sức khỏe lại như cũ, lại đánh nhau thêm được mấy hiệp "long trời lở đất".
Một chi tiết khác khiến khán giả khá trăn trở, đó là ở Lương (Phan Thanh Nhiên). Suốt phim, Lương luôn gây ấn tượng là trùm cuối của đường dây bắt cóc (mấy lần làm lỡ thời gian cứu con của Hai Phượng, tự nhiên biết Hai Phượng bị thả ở sông để đến cứu nhưng lại không chịu đến sớm hơn để tóm gọn ổ bắt cóc…). Tuy nhiên, cái kết dành cho nhân vật này khiến khán giả không khỏi bất ngờ.
Có thể nói Hai Phượng thực sự là kết thúc đẹp cho hình tượng "đả nữ" màn ảnh của Ngô Thanh Vân. Bộ phim cũng là lời hứa hẹn của Ngô Thanh Vân trên con đường đưa phim hành động Việt ra thế giới.