Liên quan đến việc ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang ban hành văn bản buộc các phòng Karaoke trên địa bàn tỉnh cấm hát “Màu hoa đỏ” gây xôn xao dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi để làm rõ thực chất của vấn đề này.
|
Ông Nguyễn Đức Đảm trao đổi với báo chí về vụ việc liên quan đến bài hát "Màu hoa đỏ". |
Theo ông Nguyễn Đức Đảm, tháng 1/2017, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với một số ngành có liên quan tiến hành kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh Karaoke ở các huyện, thành, thị trong tỉnh.
Qua đó, phát hiện hầu hết các cơ sở này đều vi phạm về việc lưu hành, phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc; sân khấu chưa được cấp phép phê duyệt nội dung theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định 158/2013/NĐ của Chính phủ. Trong đó có nhiều bài hát chưa được phê duyệt nội dung, chưa được phép phổ biến, thậm chí, có ca khúc có nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam Cộng Hòa, nhà sản xuất ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong đó, bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến - một bài hát cách mạng nổi tiếng nhưng cũng bị một số người biểu diễn, nhà sản xuất ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Từ thực tế này, ngày 7/2/2017, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang ký ban hành công văn 120/SVHTTDL-TTr gửi đến các Phòng văn hóa - Thông tin các huyện, thành thị trong tỉnh thông báo đến các cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn trong 30 ngày phải gỡ bỏ 354 bài hát; trong đó bài “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến nằm trong số thứ tự 154/354.
Khi văn bản phát hành, dư luận phản ứng gây gắt thì ngày 16/3/2017, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang ký tiếp công văn số 288 nêu rõ nội dung của Công văn 120 đã ban hành trước đó.
Trong công văn mới này, Sở VHTT&DL Tiền Giang khẳng định: “Màu hoa đỏ’ của tác giả Thuận Yến là một ca khúc cách mạng, nổi tiếng đương nhiên được phép lưu hành, không nằm trong danh mục những tác phẩm âm nhạc phải được cấp phép lưu hành phổ biến của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình của một số người biểu diễn, nhà sản xuất phát hành tại các cơ sở Karaoke đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như: Không đóng tác quyền, không xin phép biểu diễn nên bị đưa vào danh mục trên”.
Do việc Sở ban hành văn bản chưa rõ gây “ngộ nhận, hiểu lầm” đối với nhiều người, tạo dư luận xôn xao, cho rằng Sở VHTT&DL Tiền Giang cấm lưu hành, phổ biến bài hát nổi tiếng này. Thực ra, Sở không hề cấm bài hát “Màu hoa đỏ” mà chỉ muốn chấn chỉnh những vấn đề như: hình ảnh minh họa cho nội dung bài hát không phù hợp, thậm chí, phản cảm tại phạm vi các phòng karaoke, ông Đảm cho biết.
Tuy nhiên, sau khi bị dư luận phản ứng về công văn nêu trên, ông Nguyễn Đức Đảm đã thành thật nhận lỗi, nhận khuyết điểm về mình và hứa sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm, phê bình, thậm chí, kỷ luật cá nhân ông cũng như các cán bộ tham mưu ban hành văn bản nêu trên.
Đối với gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến, ông Nguyễn Đức Đảm bày tỏ lời xin lỗi, hối tiếc khi cầm bút ký vào văn bản gây ngộ nhận và khiến dư luận bức xúc. Trước mắt, ông Nguyễn Đức Đảm làm văn bản giải trình gửi đến Tỉnh ủy - UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói rõ về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Đảm cho biết, ông từ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Tiền Giang được điều động sang làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khoảng 2 tháng nay. Sở VHTT &DL rất lớn, đa ngành, đa lĩnh vực. Dù công việc rất nặng nề nhưng ông đã nỗ lực hết mình, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn có một số việc chưa được như ý. Vụ việc xảy ra đáng tiếc vừa rồi, ông rất áy náy và thấy trách nhiệm của mình phải thể hiện cao hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo Nhật Trường/VOV News