Giải mã tâm lý tội phạm: Ngăn ngừa cái ác tại gia đình từ “trứng nước”

Google News

(Kiến Thức) - “Giải mã” là chương trình chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam đi sâu vào khía cạnh giải mã tâm lý tội phạm. Chương trình có thời lượng 15 phút phát sóng vào lúc 21h30 các tối thứ Ba, Năm hàng tuần trên kênh ANTV kể từ đầu tháng 2/2018.

Một cảnh trong câu chuyện chồng giết vợ. 
Nhiều vụ án kinh hoàng xảy ra trong gia đình
Năm 2017, nhiều án mạng kinh hoàng xảy ra trên khắp Việt Nam mà danh tính của hung thủ không ai khác chính là người bà, người chồng, người vợ hay “phi công trẻ” gây chấn động dư luận.
Ngày 26/12/2017, Công an thành phố Vũng Tàu đã phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhằm điều tra cái chết của bà Nguyễn Thị T.Q (SN 1977, ngụ tại phường 7, thành phố Vũng Tàu). Trước đó, chồng của nạn nhân là ông Nguyễn Phong Quang (SN 1968) đã tới cơ quan công an để đầu thú.
Vào khoảng 12 giờ ngày 16/12, khi đang đi nhặt rác thì anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1985, quê An Giang) đã phát hiện một chiếc ba lô màu xanh đen khá mới. Do thấy món đồ này khá nặng nên anh mở ra xem, và sau đó hốt hoảng khi thấy bên trong có chứa đầu người. Sau khi điều tra, cơ quan công an đã mời vợ nạn nhân là Hàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, ngụ Hậu Giang) về trụ sở làm việc. Đối tượng này đã khai nhận toàn bộ hành vi thú tính của mình.
Tháng 11/2017, cả nước chấn động trước thông tin nghi án bà nội sát hại cháu gái 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa. Ngày 27/11, một người nhặt phế liệu đã phát hiện bao tải đựng thi thể một bé gái sơ sinh ở bãi rác trung tâm thị xã thuộc thôn Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa và nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng. Trước đó, bà nội của nạn nhân là Phạm Thị Xuân, 65 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình đã dựng chuyện cháu bé bị bắt cóc hòng đánh lạc hướng điều tra. Tuy nhiên, sau khi bị công an tạm giữ bà Xuân lại thừa nhận toàn bộ hành vi sát hại cháu của mình. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi, ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình) để điều tra hành vi Giết người.
Qua mạng xã hội, Phạm Thanh Tùng (21 tuổi, quê Ninh Bình) quen người phụ nữ tên Hằng (Hà Nội). Ngày 31/10, Tùng đến khu chung cư cao cấp R. gặp nữ chủ nhà. Theo điều tra ban đầu, sau khi “quan hệ” và được chị Hằng cho 1 triệu đồng, Tùng bất ngờ siết cổ và dùng dao, kéo có sẵn trong phòng đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Trước khi bỏ đi, Tùng vào phòng ngủ lục túi xách của chị Hằng lấy 15 triệu đồng cùng hai chiếc điện thoại Vertu và iPhone 7. Trưa 1/11/2017, cảnh sát bắt được Tùng khi hắn xuất hiện tại khu vực Trường ĐH sư phạm TDTT Hà Nội ở huyện Chương Mỹ. Nghi phạm khai do nợ cá độ bóng đá 60 triệu đồng nên nảy sinh ý định giết nữ chủ để cướp tài sản.
“Giải mã” tìm căn nguyên gốc tích để ngăn ngừa tội phạm
Vì sao thời gian gần đây ngày càng có nhiều vụ án đau lòng xảy ra? Tại sao hung thủ lại dễ dàng ra tay sát hại dã man người khác tại các gia đình như vậy? Để lý giải phần nào câu hỏi này, một chương trình chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam đi sâu vào khía cạnh giải mã tâm lý tội phạm mang tên “Giải mã”.
Chương trình có thời lượng 15 phút phát sóng vào lúc 21h30 các tối thứ Ba, Năm hàng tuần trên kênh ANTV kể từ ngày 6/2/2018. Hiện tại kênh ANTV đang đã khá đầy đủ các nội dung về an ninh trật tự. Đa phần các chương trình cho người xem cái nhìn tổng thể về cách nhận biết tội phạm và hành vi phạm tội như chương trình “Nhận diện tội phạm”, hoặc cách ứng xử khi gặp các tình huống nguy hiểm như chương trình “Đối mặt với hiểm nguy”... với việc ra đời chương trình “Giải mã” tâm lý tội phạm hy vọng sẽ là mảnh ghép cần thiết và khá đầy đủ cho nội dung chuyên biệt phòng ngừa sớm, tìm đến nguyên căn gốc tích của hành vi phạm tội đến từ đâu?
Đây là lần đầu tại Việt Nam do Công ty Ninh An sản xuất đưa yếu tố điện ảnh vào chương trình chuyên biệt nội dung khoa giáo góp phần làm “mềm” những thông tin “gai góc”. “Giải mã” là chương trình chuyên biệt, phân tích tâm lý của con người trước - trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
“Giải mã” tâm lý tội phạm không hướng dẫn các tình huống mà tập trung vào tâm lý tội phạm. Tâm lý là nguyên căn, là nguồn cơ phạm tội của tội phạm. Tội phạm bao giờ cũng bắt đầu từ việc hình thành động cơ, nó nằm trong tâm lý chưa thể hiện ra ngoài bằng hành động. Và từ tâm lý mới dẫn đến hành động. Để từ đó có thể ngăn ngừa sớm hành vi phạm tội, ngăn ngừa ngay từ trong “trứng nước”. Đây chính là ý nghĩa khoa giáo của chương trình. Trong khi hình thức thể hiện là phim ngắn, kết hợp với cả chuyên gia chia sẻ trả lời phỏng vấn.
Theo đạo diễn Lê Hồng Quang, số đầu tiên là câu chuyện về người phụ nữ bị giết ở một chung cư cao cấp tại Hà Nội. Khi bắt đầu thực hiện, ê kíp phải tìm hiểu câu chuyện đời sống hàng ngày của đối tượng phạm tội và nạn nhân. Từ những hình dung đó, qua hồ sơ vụ án mới có thể dựng lên câu chuyện chân thực nhất của vụ án. Tuy nhiên, câu chuyện được dàn dựng ở đây không bênh vực bên nào mà hướng đến việc cảnh báo xã hội, ngăn ngừa những hành vi phạm tội tương tự. Các số khác là câu chuyện đau lòng như: chồng giết vợ, người thân giết con, cháu mình… Các nghệ sĩ, diễn viên, giáo viên, sinh viên các trường nghệ thuật sẽ tham gia đóng phim.
Chương trình sẽ “giải mã” 30% vụ án thời sự và có kết luận điều tra để việc tuyên truyền phòng chống tội phạm được “nóng hổi”. Mặc dù kể chuyện vụ án nhưng chương trình “Giải mã” thực hiện rất khéo. Những cảnh quá sex hay pha bạo lực chỉ mang tính hình tượng, mang tính văn học chứ không phải hình ảnh kích thích cái các của con người trỗi dậy. Còn nếu thực hiện câu chuyện thảm án thì chương trình sẽ dán nhãn cấm trẻ em dưới 18 tuổi xem.
Còn về vấn đề giải mã tâm lý tội phạm trong mỗi tập phim, Trung tá - Thạc sĩ Đào Trung Hiếu cho hay, khi đưa ra những nhận định về tâm lý tội phạm cho khán giả truyền hình, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ các tình huống của nhà làm phim, thậm chí xem hiện trường quay... Những phân tích được đưa ra cho khán giả là cả quá trình mà các chuyên gia đúc rút từ kinh nghiệm nhiều năm trong quá trình xét hỏi bị can. Nhiều vụ án na ná giống nhau nhưng thực tế, thân phận, môi trường, tâm lý phạm tội của hung thủ khác nhau. Người giải mã cũng có cơ sở và chọn cách thể hiện khác nhau mong muốn giúp khán giả hiểu rõ hơn động cơ, tâm lý của tội phạm. Những người dân đặc biệt là người trong gia đình có thể tránh những tình huống không hay có thể gây nguy hại cho mình và người thân.
PV