Gia tộc nổi tiếng với những vai diễn vàng son
Được biết, nghệ sĩ Hai Núi - ông cố của nghệ sĩ Thanh Hằng, Thanh Ngân - là nghệ sĩ tiền phong trong ngành hát bội pha cải lương. Năm 1934, ông thành lập gánh hát Tân Hí Ban với lực lượng đào kép gồm đa phần là con cháu của ông như: Hề Tỵ - con trai lớn, đào mùi Chín Điệp - vợ của Hề Tỵ, Ba Tẹt - tức kép độc Thiện Tâm, nghệ sĩ Kim Anh - vợ của Ba Tẹt, Văn Long - danh ca vọng cổ từng là kép chánh - chồng của cô đào lẳng, mùi Tư Helène. Hề Tỵ chính là ông cậu Hai của Thanh Hằng, từng thủ vai hề trên sân khấu của Bầu Hề Lập. Bà Tư Hélène chính là bà ngoại của chị em Thanh Hằng. Bà ca diễn rất điệu nghệ, con gái của bà là nghệ sĩ Kim Hoa cũng là đào lẳng, mùi nổi tiếng, tức là mẹ của 4 nghệ sĩ: Thanh Hằng, Thanh Ngọc, Ngân Quỳnh và Thanh Ngân.
Tiếp nối thành tựu của gia tộc đã quá rực rỡ với những vai diễn vàng son, nghệ sĩ Thanh Hằng và các em gái trong nhà đều sở hữu giọng ca mạnh mẽ, có nội lực. Nghệ sĩ Thanh Hằng đa tài trong cách thể hiện, chị có thể diễn một cách xuất sắc tất cả các loại vai tuồng như đào mùi, đào lẳng mùi, đào độc, lẳng độc, vai mụ và cả vai hài. Nét duyên dáng độc đáo của chị khiến cho khán giả cười hả hê nhưng sau đó thấm thía chất sâu lắng qua từng lời ca của chị.
Nghệ sĩ thành công nhất gia đình được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân
Thành công nhất trong 4 chị em là nghệ sĩ Thanh Ngân. Cô từng bước thể hiện xuất sắc các vai chính trên sân khấu cải lương, mà trước đó là những nhân vật được các nghệ sĩ đi trước tạo dấu ấn. "Chính vì thế đầy thử thách nhưng cũng không kém gian nan vì bị so sánh. Nhưng với cách kể chuyện của thế hệ diễn viên trẻ, Thanh Ngân đã đưa vào các vai diễn để đời của các tiền bối góc nhìn của tuổi trẻ hôm nay để những vai như: Quỳnh Nga trong vở "Bên cầu dệt lụa", Dương Vân Nga trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga", Nguyệt trong vở "Tô Ánh Nguyệt", Lan trong vở "Lan và Điệp", Đào Xuân trong vở "Giấc mộng đêm xuân", Trang trong vở "Trà Hoa Nữ"… đều ghi dấu ấn riêng, được khán giả đón nhận" - NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.
Nghệ sĩ Ngân Quỳnh là em kế của nghệ sĩ Thanh Hằng, là chị của Thanh Ngọc và Thanh Ngân. "Năm 1997, chị Hai Thanh Hằng đoạt Giải Mai Vàng, tôi cũng đoạt giải ba Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình toàn quốc tại Hà Nội. Cả nhà theo nghệ thuật cải lương, chỉ riêng tôi rẽ sang ca nhạc rồi đóng phim. Phải nói, từ tấm gương của chị Hai Thanh Hằng mà mấy chị em phấn đấu theo nghề. Những thành tựu chị em đạt được đều xuất phát từ nỗ lực bản thân, với tâm nguyện phải sống sao cho xứng đáng là con nhà nòi" - nghệ sĩ Ngân Quỳnh từng bày tỏ với truyền thông.
"Nhiều khán giả vẫn thường nói tôi có chạnh lòng không khi trong bốn chị em, tôi không nổi tiếng, không theo hẳn con đường diễn viên sân khấu cải lương, nhất là có ganh tỵ khi em gái qua mặt nhận danh hiệu NSND. Tôi đã trả lời rất nhiều lần, hoàn toàn không có sự so sánh theo kiểu "sống lâu lên lão làng", mà mỗi người đều có phần số của riêng mình" - nghệ sĩ Ngân Quỳnh chia sẻ.
Nói về lối đi riêng so với các chị em trong gia đình, nghệ sĩ Ngân Quỳnh từng bày tỏ:
"Thật ra từ năm 16 tuổi, tôi đã đi theo đoàn cải lương Tiền Giang với nghệ danh Kim Hồng Hạnh. Tôi đã được học từ bà, từ mẹ những vai diễn phụ nữ kiên trung, chung thủy, và tôi mong muốn phát triển sự nghiệp. Nhìn gương phấn đấu của người đi trước, tôi luân chuyển qua nhiều đoàn cải lương khác nhau. Nếm trải nhiều gian truân trong nghề, mà mỗi khi có dịp ngồi tâm sự với các chị em trong nhà, thì hầu như ai cũng cực nhọc chứ không riêng gì tôi.
Do đó tôi nỗ lực không ngừng và luôn tự an ủi, mỗi người đều có duyên may riêng và sự phấn đấu nỗ lực của mỗi người sẽ được ghi nhận, nên khi chị Thanh Hằng đoạt HCV năm 1991, rồi Thanh Ngân được trao danh hiệu NSND, với tôi đó là niềm tự hào rất lớn cho gia đình mình" - nghệ sĩ Ngân Quỳnh chia sẻ.
Năm 2007, sau vai "máy bay bà già lái phi công trẻ" trong phim "Đam mê", nghệ sĩ Ngân Quỳnh có thêm một bước ngoặt mới trong sự nghiệp diễn xuất. Chị thực sự gắn bó với phim bằng nét diễn lôi cuốn, sinh động. Nhờ lối diễn có chiều sâu và tự nhiên, nghệ sĩ Ngân Quỳnh đã tạo sự chú ý qua nhiều loại vai trong các phim: "Lối sống sai lầm", "Cô gái xấu xí", "Bỗng dưng muốn khóc", "Gạo nếp gạo tẻ", "Về nhà đi con"…
Khi phim "Về nhà đi con" lên sóng, Ngân Quỳnh nhận được nhiều thiện cảm của khán giả, chị thừa nhận sau phim này giá cát-sê của mình được tăng lên nhiều bậc.
Nghệ sĩ Thanh Ngọc là đào chính của các đoàn hát tỉnh trước khi về đầu quân cho các đoàn cải lương tại TP HCM. Đa dạng trong diễn xuất, ngoài các vai bi thương, Thanh Ngọc còn diễn cải lương tuồng cổ.
Nói về truyền thống gia đình nghệ sĩ Thanh Hằng từng bày tỏ: "Tôi biết ơn gia tộc, mỗi khi nghĩ về bà ngoại, về các ông bà, chú bác trong gia đình, chúng tôi lại cảm thấy mình có trách nhiệm giữ gìn đạo của nghề. Nghệ thuật có thể làm cho con người thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, như lời bà ngoại tôi thường dạy: "Hướng người ta sống đẹp, sống tốt qua lời ca, tiếng hát là một việc làm phước báu của gia đình. Nên đã theo thì phải chắc, không làm hổ thẹn gia đình. Nếu không có mẹ tôi động viên, truyền kiến thức, kinh nghiệm thì sẽ không có sự nối nghiệp của 4 chị em. Những thành tựu trong nghề mà chị em tôi đạt được.
Theo Thủy Vũ/Dân Việt