Những ngày qua, câu chuyện nhạc sĩ Đỗ Hiếu tố ca sĩ Noo Phước Thịnh "hát nhạc đã hết hạn bản quyền" gây xôn xao mạng xã hội.
Cụ thể, nam nhạc sĩ yêu cầu phía Noo Phước Thịnh không được biểu diễn thu lợi nhuận từ 8 ca khúc mà anh từng sáng tác cho Noo Phước Thịnh trong gần 10 năm qua như: Mãi mãi bên nhau, Cause i love you, Như phút ban đầu, Gạt đi nước mắt... vì đã hết hợp đồng độc quyền.
Việc này làm dấy lên nhiều tranh cãi, trong đó không ít người mỉa mai nhạc sĩ Đỗ Hiếu "vòi tiền" ca sĩ Noo Phước Thịnh.
Luật sư Phan Vũ Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM) và luật sư Trần Văn Giới (Đoàn luật sư TPHCM) chia sẻ cùng phóng viên Dân trí xoay quanh quy định của pháp luật hiện hành.
Nhạc sĩ Đỗ Hiếu (trái) và ca sĩ Noo Phước Thịnh (Ảnh: Facebook nhân vật).
Bảo vệ quyền lợi sao lại thành "vòi tiền"?
Theo luật sư Trần Văn Giới, nếu không có điều kiện khác ràng buộc, chỉ đơn thuần là hợp đồng đã hết hạn bản quyền thì việc nhạc sĩ Đỗ Hiếu tố cáo và yêu cầu ca sĩ Noo Phước Thịnh không được biểu diễn ca khúc thu lợi nhuận khi đã hết hạn hợp đồng mà không gia hạn hoặc không xin phép tác giả là hành động "tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình", phù hợp với quy định pháp luật.
Luật sư Trần Văn Giới phân tích, theo quy định pháp luật hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ thì quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm 2 nội dung là quyền nhân thân và quyền tài sản.
Các quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm thì không được giao cho người khác, ngoại trừ quyền công bố tác phẩm hoặc quyền đặt tên cho tác phẩm. Đối với các quyền tài sản, trong đó nổi bật là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng thì tác giả có quyền chuyển giao cho người khác.
"Tôi không rõ như thế nào được xem là "vòi tiền". Đối với tôi, khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm thì việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp quy định pháp luật là việc làm chính đáng và cần thiết.
Khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luật ở Việt Nam cũng luôn đề cao việc xây dựng các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bởi khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ sẽ khuyến khích sự sáng tạo và từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội", luật sư Trần Văn Giới bày tỏ quan điểm.
Luật sư Phan Vũ Tuấn (trái) và luật sư Trần Văn Giới (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Luật sư Trần Văn Giới phân tích trong trường hợp phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhạc sĩ Đỗ Hiếu - với tư cách chủ thể quyền sở hữu trí tuệ - có thể áp dụng các biện pháp theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cụ thể: Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình…
Luật sư Phan Vũ Tuấn nói do thông tin vụ việc chưa rõ ràng cũng như chưa tiếp cận được hợp đồng giữa ca sĩ và nghệ sĩ, chưa có thông tin về việc sau khi kết thúc hợp đồng mà ca sĩ tiếp tục biểu diễn tác phẩm, nên anh chỉ có thể trả lời xoay quanh quy định của pháp luật hiện hành mà không có bất kỳ đánh giá nào về hành vi của các bên.
"Theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình", luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.
Anh nhấn mạnh căn cứ theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu quyền tác giả có thể ký hợp đồng độc quyền cho người khác biểu diễn tác phẩm của mình hoặc có thể thỏa thuận sử dụng từng lần.
Các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng do các bên thỏa thuận trên tinh thần thiện chí, tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, trong đó các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng trong một thời hạn nhất định hoặc tự động gia hạn hợp đồng…
Nhạc sĩ không hỏi không có nghĩa là mặc nhiên được "quên"
Về chủ đề tác quyền ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả của hàng loạt bản hit như Vầng trăng khóc, Nhật ký của mẹ… - vừa qua cũng khẳng định mỗi bài hát viết ra là tài sản của nhạc sĩ, là sự sáng tạo, chất xám của họ.
Bởi vậy, nhạc sĩ có quyền làm bất cứ điều gì với tài sản đó, gồm bán, tặng trong 2-3 năm hoặc mãi mãi. Việc thường xuyên xảy ra nhất là nhạc sĩ bán độc quyền bài hát cho ca sĩ. Việc độc quyền thường sẽ giới hạn trong thời gian 2 năm, 3 năm, 5 năm... bao gồm độc quyền biểu diễn, thu âm, ghi hình…
"Việc mua độc quyền ca khúc là bình thường và thường xuyên xảy ra. Khi hết hạn độc quyền, ca sĩ A vẫn được quyền hát bài hát đó và duy trì việc kinh doanh bài hát đó trên các nền tảng nhạc số nhưng họ nên duy trì việc trả tác quyền cho nhạc sĩ", Nguyễn Văn Chung nêu ý kiến.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (Ảnh: Facebook nhân vật).
Theo tác giả Nhật ký của mẹ, việc trả tác quyền cho nhạc sĩ tùy thuộc vào mối quan hệ thân thiết và thỏa thuận giữa hai bên, nghĩa là nhạc sĩ có quyền yêu cầu hoặc không yêu cầu, đòi hay không đòi nhưng khi muốn, nhạc sĩ có thể yêu cầu ca sĩ trả tiền tác quyền.
"Phải có mới là đúng, nhưng thường nhạc sĩ sẽ không đòi. Bài hát thành công là thành công cho cả nhạc sĩ và ca sĩ. Họ (nhạc sĩ) không hỏi, không có nghĩa là mặc nhiên được quên. Nhạc sĩ có quyền hỏi thêm tiền tác quyền duy trì mỗi năm khi hợp đồng đã hết hạn", Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Về phía mình, Nguyễn Văn Chung khẳng định anh không đòi hỏi việc trả bản quyền sau khi hết hạn hợp đồng. Đơn cử như bản hit Vầng trăng khóc góp phần làm nên tên tuổi của Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc đã hết độc quyền từ lâu nhưng anh không đòi hỏi.
Tuy nhiên, Nguyễn Văn Chung khẳng định nhạc sĩ cần sự tôn trọng. "Đối tác thì nên công bằng và đúng luật. Việc đòi tiền tác quyền là việc đương nhiên", nhạc sĩ Nhật ký của mẹ khẳng định.
Tóm tắt diễn biến sự việc:
Cuối tháng 10 vừa qua, nhạc sĩ Đỗ Hiếu đăng thông báo "cấm" ca sĩ Noo Phước Thịnh khai thác, sử dụng 8 ca khúc hit do anh sáng tác kể từ ngày 28/10/2023, đồng thời tháo bỏ triệt để trên các nền tảng.
Theo phía nhạc sĩ, sau khi hết thời hạn độc quyền các ca khúc, phía Noo Phước Thịnh không tiến hành gia hạn hợp đồng hay thương lượng, thỏa thuận lại về chi phí quyền tác giả mà nhiều năm qua chỉ liên hệ xin phép biểu diễn cho những chương trình lớn, bỏ qua nhiều đêm diễn nhỏ ở các tụ điểm như bar, club, lounge...
Bên cạnh đó, nam nhạc sĩ bức xúc vì cho rằng phía ca sĩ Noo Phước Thịnh còn kinh doanh các tác phẩm này trên một số nền tảng trực tuyến không nằm trong thỏa thuận ban đầu mà không thông báo với tác giả.
Tối 2/11, Noo Phước Thịnh cũng chính thức lên tiếng về ồn ào này. Nam ca sĩ khẳng định không "hát chùa", những chương trình anh biểu diễn đều do phía đơn vị tổ chức đóng tác quyền các ca khúc thông qua VCPMC - Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Nam ca sĩ khẳng định Trung tâm này đã được các nhạc sĩ, trong đó có Đỗ Hiếu, ủy quyền để nhận tiền tác quyền và anh cũng trả tác quyền cho các nhạc sĩ khác thông qua Trung tâm trong mỗi lần biểu diễn.
Theo Khánh My/ Dân Trí