Càng đạo càng nổi tiếng?
Đạo nhạc là cụm từ này được nhắc đến và xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trong suốt thời gian qua. Đạo nhạc, hiểu một cách nôm na đó là việc sử dụng, bắt chước sáng tác của người khác để đưa vào sáng tác của mình khi chưa có sự đồng ý của tác giả và nhận đó là tác phẩm của mình. Đạo nhạc có thể là đạo về ý tưởng hoặc lấy mẫu…
Không khó để bắt gặp tình trạng đạo nhạc trong làng nhạc Việt thời gian gần đây. Hàng loạt ca khúc đã bị tố đạo nhạc và đáng buồn, trong đó người ta đạo cả tác phẩm của những nhạc sĩ gạo cội.
Một trường hợp có thể coi là “cá biệt” khi liên tục bị tố đạo nhạc chính là chàng ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTP. Những ngày qua, MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng MTP đã tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ. Tranh cãi xung quanh MV này diễn ra khá gay gắt trên các diễn đàn mạng xã hội.
|
MV Chúng ta không thuộc về nhau dính nghi án đạo nhạc ca khúc We don’t talk any more của Charlie Puth và Selena Gomez. |
Chúng ta không thuộc về nhau bị tố đạo nhạc ca khúc We don’t talk any more của Charlie Puth và Selena Gomez, phần rap thì bị cho là bắt chước Fire của BTS. Ngoài ra, trang phục, phong cách hay cảnh quay trong MV cũng bị nhận xét là hao hao giống tác phẩm của một số nghệ sĩ nước ngoài khác.
Trong khi khán giả trong nước đang xôn xào vì thông tin ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau là sản phẩm đạo nhạc thì trên facebook, Heyder – cha đẻ bản remix We Don't Talk Anymore đã lên tiếng về việc này. Heyder chia sẻ đường link MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng MTP kèm chú thích: "Ca khúc Việt Nam này nghe khá giống bản remix của tôi". Ngược lại, Triple D - người hòa âm ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau cũng khẳng định bản phối là hoàn toàn do mình tạo ra, không hề có sự bắt chước ca khúc nào. Nhưng sự khẳng định của Triple D dường như vẫn không thể thuyết phục được công chúng.
Một điều không biết nên vui hay buồn là có những tác phẩm dù dính nghi án đạo nhái nhưng khán giả vẫn chấp nhận, thậm chí “phát cuồng”. Minh chứng rõ ràng nhất chính là MV Chúng ta không thuộc về nhau của sơn Tùng MTP. Vượt qua ồn ào, chỉ sau 2 ngày ra mắt MV này đã đạt gần 9 triệu lượt xem, một thành tích mà hiếm nghệ sĩ Việt nào có thể đạt được.
Lối đi nào cho nhạc Việt?
Hiện nay, việc kết luận của một sản phẩm âm nhạc có đạo nhạc hay không dường như là một bài toán khó mà giới chuyên môn hay cơ quản lý vẫn đang loay hoay tìm lời giải. Trường hợp này từng xảy ra đối với ca khúc Chắc ai đó đã về của Sơn Tùng MTP khi bị cho là đạo nhạc một ca khúc Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi xem xét và thẩm định thì việc kết luận ca khúc này có đạo nhái hay không dường như vẫn còn rất mơ hồ. Phải chăng đây chính là khe hở giúp nhiều nhạc sĩ có thể “lách luật”?
Là một nhạc sĩ từng lên án rất mạnh mẽ về vấn đề đạo nhạc của làng nhạc Việt, nhạc sĩ Phó Đức Phương kiên quyết phản đối hành vi đạo nhạc và cho rằng: “Đạo nhạc là hành vi rất xấu cần sự lên án của tất cả mọi người. Đặc biệt là các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Văn hóa, Cục bản quyền tác giả, giới nghệ sĩ… sẽ phải là những người lên án đầu tiên. Ngoài ra, dư luận xã hội cũng phải lên án đối với hành vi này bởi nó là hành vi xấu, gây nguy hại cho cả một nền âm nhạc Việt”.
|
Nhạc sĩ Phó Đức Phương phản đối gay gắt hành vi đạo nhạc. |
Luật sư Lê Quang Vy – Luật sư thành viên của công ty luật Phuoc & Partners, một người yêu âm nhạc và có những hiểu biết về lĩnh vực này cho biết: “Đạo nhạc hay đạo văn (trộm nhạc hay trộm văn) là hành vi trình bày hay thể hiện toàn bộ hoặc một phần tác phẩm của người khác như là tác phẩm của chính mình.
Đây là hành vi xấu xa rất đáng lên án. Trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả theo luật pháp hiện hành, không có khái niệm về hành vi đạo nhạc mà chỉ có hành vi mạo danh tác giả, tức người không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, nhưng lại đứng tên tác giả trên tác phẩm đó. Nghị định 79/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật... cấm các hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan.
Thế nhưng như đã nói trên Luật SHTT hiện hành không có điều khoản nào quy định về hành vi đạo nhạc. Xem ra trước khi Hội Nhạc sĩ, hay các nhà chuyên môn âm nhạc đưa ra một khái niệm chuẩn về hành vi đạo nhạc để các nhà lập pháp có cơ sở điển chế vào luật pháp thì vấn đề hiện nay chỉ là ý thức, đạo đức của người sáng tác vậy”.
|
LS Lê Quang Vy: Đạo nhạc là hành vi xấu xa rất đáng lên án. |
Luật sư Quang Vy nhấn mạnh: “Trộm cắp là một hành vi xấu, mong những cái gọi là nhà sáng tác nhạc nói riêng và nhà sáng tạo nghệ thuật nói chung đang bị dư luận xã hội “ném đá” phải biết điều chỉnh lại dây thần kinh mắc cỡ cho đúng với một con người bình thường”.
Tuy nhiên, không thể vì một vài cá nhân mà đánh đồng tất cả những nghệ sĩ Việt bởi có nhiều những nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Vũ Cát Tường – một người thuộc thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ trẻ của làng nhạc Việt Nam đã từng trăn trở rằng:
“Hồi bắt đầu mới viết nhạc, mình cũng tìm hiểu về luật bản quyền, đến giờ mình nhớ trong đầu có một câu thôi mà làm mình luôn tỉnh táo: Chỉ cần mình viết một bài nào bất kì mà bài đó giống một bài khác nhiều hơn hoặc bằng 6 nốt nhạc thì được coi là ăn cắp bản quyền hay còn gọi là "đạo nhạc".
Thật rất buồn khi cảm thấy mọi giá trị đạo đức đều bị đảo lộn, cái gì cũng có thể dễ dàng đưa lên để giới trẻ noi theo. Người ta có thể bất chấp và xem thường mọi thứ để được trở thành tâm điểm và vẫn nghiễm nhiên sống vui vẻ... và được tôn vinh là ‘luôn cháy hết mình với âm nhạc và không bao giờ từ bỏ ước mơ’. Mình không hiểu nổi đây là gì?”.
Tuy nhiên, chính bản thân Cát Tường cũng bị dính nghi án đạo nhạc khi Vết mưa của cô được cho rằng có nhiều điểm tương đồng với bài nhạc Rain In The Park của nghệ sĩ Marika Takenchi (Nhật Bản)…???
Và, những người luôn đau đáu, tâm huyết với nghệ thuật với nền âm nhạc Việt đã đặt ra hàng loạt câu hỏi rằng: Nếu tình trạng đạo nhạc vẫn cứ tiếp tục xảy ra thì nền nhạc Việt sẽ đi về đâu? Bao giờ nhạc Việt mới theo kịp các nước trên thế giới? Và làm thế nào để chấm dứt tình trạng đạo nhạc?...
Theo Người Đưa Tin