Đạo diễn Việt Tú: “Tôi là đạo diễn triệu đô từ lâu rồi”

Google News

Vở diễn thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” có kinh phí lên đến 500 tỷ đồng, nhiều người không khỏi tò mò mức thù lao mà đạo diễn Việt Tú nhận được là bao nhiêu?

Muốn khách nước ngoài đến xem thay vì mang vở diễn đi
Sau khi vở “Thuở ấy xứ Đoài” được công diễn, nhà thiết kế Đức Hùng - Trưởng đoàn diễn viên 1 Nhà hát Múa rối Thăng Long nói rằng, nếu không phải là Việt Tú thì sẽ không làm được ở thời điểm này. Anh nghĩ, lời khen đó là ở góc độ tài năng hay sự thuyết phục nhà đầu tư của anh?
- Thực ra, ở đây là câu chuyện cung gặp cầu, tôi nói ý tưởng và nó giống với mong muốn của nhà đầu tư đang chờ đợi. Tại thời điểm đó, có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư làm một sản phẩm văn hóa du lịch vì họ là người rất nhanh nhạy. Nhưng ông Đào Hồng Tuyển là người quyết tâm nhất để thực hiện bằng được việc đưa sân khấu thực cảnh vào vở diễn. Sự thuyết phục ở đây là thay vì sử dụng diễn viên thì tôi muốn khai thác yếu tố bản địa, đó là biến những người nông dân thành một phần cốt yếu trong câu chuyện. Đồng nghĩa với đó là thời gian và chi phí thực hiện tăng lên khá nhiều. Rất may mắn nhà đầu tư đã chấp nhận ý tưởng mạo hiểm này của tôi. Không có yếu tố đặc biệt này, vở diễn mất đi hẳn một nửa ý nghĩa. Làm được điều đó, tôi tin ngoài lợi nhuận thì nhà đầu tư sẽ có được sự ủng hộ của cả xã hội. Đây mới là điều thực sự vô giá!
Dao dien Viet Tu: “Toi la dao dien trieu do tu lau roi”
Đạo diễn Việt Tú (ảnh nhân vật cung cấp). 
500 tỷ đồng là số tiền quá lớn cho một vở diễn, vậy cát-sê của anh thế nào?
- Tôi không biết về số tiền đó và cũng không biết gồm những hạng mục gì, nhưng chỉ riêng nhà thủy đình đã tốn 10 tỷ, rồi chi phí xây dựng sân khấu, vận hành trong suốt hơn 1 năm cho hàng trăm con người như thế... Còn phần của tôi thì... dại gì mà nói (cười).
Như vở diễn “Hạn hán và cơn mưa”, đạo diễn Thủy Ea Sola sau đó đã đưa các nghệ sĩ là nông dân đi nước ngoài biểu diễn, anh có nghĩ mình sẽ làm điều tương tự với “Thuở ấy xứ Đoài”?
- Tôi cũng rất thích những gì mà Thủy Ea Sola đã làm vì thực sự rất đặc biệt. Nhưng với vở diễn này, tôi có một ước mơ khác hơn là làm sao thu hút được khách nước ngoài đến đây xem vở diễn, cũng giống như tôi từng làm mỗi khi nghe ở Paris, New York có vở hay là xách balo lên và đi. Còn đương nhiên nếu có cơ hội thì tôi cũng sẽ đưa họ đi, đó là sự trao đổi văn hóa toàn cầu mà.
Xu hướng doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm văn hóa ngày càng nhiều, coi đó là một cách quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, cũng có không ít đại gia chỉ coi đó là cuộc chơi để thể hiện mình là chính. Khi hợp tác với “chúa đảo” Tuần Châu, anh có e ngại chuyện này?
- Doanh nghiệp bắt tay với nghệ thuật là xu hướng tất yếu của xã hội phát triển và được thế giới làm từ rất lâu rồi. Hiện chúng ta đã bước vào thời kỳ ăn ngon, mặc đẹp thì sự đầu tư cho văn hóa cũng được doanh nghiệp chú trọng hơn chứ nghệ sĩ lấy đâu ra tiền. Dù có thành công hay chưa thành công thì đó cũng là những viên gạch có giá trị đặt nền móng.
Khi làm dự án này, anh Tuyển hứa với tôi rằng “sẽ không can thiệp bất cứ điều gì vào sự sáng tạo của tôi nhưng em phải chịu trách nhiệm về điều đó”. Thực ra, chính cái đó mới là áp lực.
Sự bắt tay ấy, ngoài cái thấy rõ là tiền thì theo anh, nó còn mang đến sự thuận lợi gì cho nghệ sĩ?
- Nghệ sĩ là người nhìn ra ý tưởng sáng tạo còn nhà đầu tư nhìn ra được xu hướng. Hai thứ riêng rẽ nhưng lại liên quan rất mật thiết, nó bổ khuyết cho nhau mà một bên không thể làm được.
Không thể ngồi mà “tự sướng” với nhau được
Dao dien Viet Tu: “Toi la dao dien trieu do tu lau roi”-Hinh-2
Cảnh trong vở ““Thuở ấy xứ Đoài”. 
Dự án “Thuở ấy xứ Đoài” được coi là khá hoàn hảo khi hội tụ cả tiền và tài, nhưng cái cuối cùng vẫn là khán giả đón nhận ra sao. Ở góc độ đầu ra, anh nhìn thấy những tiềm năng như thế nào?
- Ban đầu, dự án đặt ra là thu hút khách du lịch, nhưng trong quá trình làm thì tôi mở rộng ra làm sao để già trẻ, gái trai đều xem được. Còn tiềm năng khai thác thì có lẽ phải để thời gian trả lời mới công bằng. Có khách hay không còn phụ thuộc vào sự vận hành của cả hệ thống. Nói thế thôi chứ không thể ngồi mà “tự sướng” với nhau được. Đến giờ, chưa ai bắt chỉnh sửa gì nên tôi khá tự tin về tiềm năng của tác phẩm. Tiềm lực của nhà đầu tư về hệ thống đã có sẵn trong tay thì việc đến với khán giả cũng nhanh hơn.
Vậy thử ví dụ ở “Tứ phủ” đi, nó thu lại kết quả thương mại thế nào sau 1 năm công diễn?
- Giá của “Tứ phủ” mềm hơn so với “Thuở ấy xứ Đoài” nên khách khá đều. Bằng thời điểm này năm ngoái, chỉ mươi mười lăm khách là mừng rồi, còn bây giờ năm bảy chục khách vẫn bị cho là buồn thiu. Tuy nhiên, với sản phẩm du lịch thì không ăn xổi được, như rối nước là 20 năm mới trở thành thứ để kinh doanh như thế. Khi làm nghệ thuật truyền thống, tôi hoạch định từ đầu là đầu tư dài hạn. Với “Tứ phủ”, tôi dành tài chính 2 năm để nuôi nó. Nếu ăn xổi từ đầu thì chắc vỡ trận lâu rồi.
Nhưng tôi nghe nói “Tứ phủ” có ngày khá vắng khách?
- Tôi làm một mình, kinh doanh nhỏ lẻ cho nên không thể nào mạnh bằng những hệ thống có sẵn được. Tự mình xây dựng hệ thống có cái hay là để kiểm soát theo cách riêng của mình, không thích bị tác động bởi cái khác. Khi đã cực đoan thì mình phải chấp nhận trả giá những thứ khác. Nhưng tôi hoạch định không phải theo kiểu nhảy thẳng vào cối xay gió, tuẫn tiết chói lòa lên rồi ra Đài hóa thân Hoàn vũ. Trong nghệ thuật, tôi là người khá tỉnh táo.
Từ “Tứ phủ” đến “Thuở ấy xứ Đoài”, anh có phải rút kinh nghiệm nhiều không?
- Có chứ! Đó là hạn chế tối đa các rào cản về ngôn ngữ, nghĩa là tăng tính action lên và giảm đi các hội thoại. Đầu tiên tôi cũng định làm các đoạn kịch trong vở diễn nhưng sau đó thì bỏ hết, thay vào đó là kể bằng âm thanh ánh sáng và hình thể nhiều để tăng tính cảm giác mà không bị hỏi nhiều là “đang nói cái gì vậy”. Cái này tôi “vấp” trong “Tứ phủ” rồi nên lần này rút kinh nghiệm sâu sắc. Trước là làm theo kiểu bên trong nhìn ra bên ngoài, nghĩa là quá học thuật. Còn bây giờ là làm để mọi người đều hiểu, là bên ngoài nhìn vào bên trong.
Vở diễn suôn sẻ nhờ vợ không đi xem
Anh từng tâm sự, khi làm vở diễn này, có nhiều lúc anh muốn bỏ cuộc. Đó là những lý do gì vậy?
- Nhiều lắm. Nhưng thách thức lớn nhất là về con người. Mình vừa muốn 140 người nông dân ấy làm các động tác thật đều nhưng cảm xúc phải thật thuần thành, nghĩa là yêu cầu những thứ rất tréo ngoe. Việc diễn ngoài trời và lý do thời tiết khiến vở diễn chỉ diễn ra theo mùa, chính ra không phải là thử thách vì cái đó đều đã nằm trong tính toán. Chúng tôi sẽ không làm mái che vì như thế sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc.
Suốt 1 năm ăn dầm nằm dề ở Sài Sơn, cuộc sống sinh hoạt của anh bị đảo lộn như thế thì cuộc sống gia đình của anh sẽ bị “liên đới” thế nào?
- Nghệ sĩ sẽ khó mà duy trì tác phẩm và làm tốt nếu bên cạnh thiếu đi sự đồng hành của gia đình. Một ngày của tôi không thể khép lại nhẹ nhàng nếu không được ăn bữa cơm trong gian bếp nhà. Nhìn bề ngoài của tôi trông nhố nhăng thế này thôi nhưng rất đề cao giá trị gia đình và truyền thống.
Thế vợ con anh khi xem xong vở diễn thì nói gì?
- Con thì bao giờ chả có suy nghĩ “bố hát con khen hay”. Còn vợ tôi thì không dám đi xem vì bảo “lần nào em đi xem là y rằng vở của anh gặp trục trặc”. Mà đúng thật, lần công diễn, cô ấy không đi xem nên show suôn sẻ hẳn (cười).
Có diễn viên triệu đô rồi, giờ có thêm đạo diễn triệu đô là anh. Anh nghĩ gì về danh xưng ấy?
- Tôi nghĩ, mình là đạo diễn triệu đô từ lâu rồi chứ có phải chờ đến vở diễn này đâu. Danh xưng thực ra không phải là mục đích của tôi nhưng dù sao nó cũng tuyệt vời mà.
Sau “Thuở ấy xứ Đoài” sẽ là một dự án nhiều triệu đô nữa chứ?
- Ôi, bạn sẽ không bao giờ có được câu trả lời của tôi cho đến khi bạn thấy nó hiện hữu, vì tôi rất sợ nói về những cái mình làm rồi cuối cùng không làm được. Có nhiều cái mình nói rồi làm nhưng không thể về đến đích, rồi mọi người hỏi là “anh ơi, anh không làm thứ mà anh nói à”. Thực sự là kinh khủng khiếp cho tôi nên thôi, thà mình không nói còn hơn là nói mà không làm. Tính tôi vốn duy tâm và thậm chí là mê tín nữa mà.
Cảm ơn đạo diễn Việt Tú về cuộc trò chuyện này!

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ: “Chúng ta muốn làm du lịch bằng văn hóa thì đầu tiên phải rất văn hóa, trong đó phải giữ được cái gốc đã. Văn hóa thì địa phương nhưng ngôn ngữ phải toàn cầu. Cái đó rất quan trọng vì nếu không định tính, định danh được thì không ai hiểu được. Và phải nhớ là đang có một đối tượng khán giả cao cấp, đó là khán giả toàn cầu”.

Theo Minh Nhật/Giadinh.net