Quy định nào để tước danh hiệu nghệ sĩ?
Theo các quy định hiện hành, cụ thể tại khoản 1, điều 79 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng: “Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng văn bản đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án tử hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước”.
Ngoài ra, Điều 97 Luật Thi đua khen thưởng năm 2003, cá nhân được trao danh hiệu vinh dự của Nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu. Luật không quy định là vi phạm pháp luật ở mức độ xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nghệ sĩ bị tước danh hiệu, cụ thể:
1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước đó theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
2. Việc tước danh hiệu vinh dự Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định”.
Các luật và Nghị định trên cho thấy việc tước danh hiệu của một nghệ sĩ được phong tặng không đơn giản.
Cần sửa đổi?
Tính từ đợt 1 năm 1984 đến nay đã qua 9 lần Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT cho 1675 người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong số này, chưa có ai bị tước danh hiệu NSƯT.
Trường hợp hiếm hoi là NSND Mạnh Linh bị kết án tù do che giấu con phạm tội bị tước danh hiệu NSND năm 1996.
Đối với các NSƯT cũng từng nhiều lần dính vào ồn ào. Năm 2013, NSƯT Kim Tử Long có bị bắt vì tham gia đánh bạc khi tham dự một đám cưới. Tuy nhiên, sau đó nghệ sĩ Kim Tử Long cũng không bị tước danh hiệu vì vụ việc mới chỉ dừng lại ở khởi tố bị can để điều tra.
Năm 2019, dư luận cũng rộ lên việc NSƯT Kiều Thanh công khai là “người thứ ba” và có rất nhiều ý kiến cho rằng, Kiều Thanh đã vi phạm Luật hôn nhân gia đình và đòi cơ quan quản lý phải thu hồi danh hiệu nghệ sĩ ưu tú từng trao tặng cho nữ diễn viên này.
Trả lời dư luận, lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, nếu có những ồn ào, tố cáo, khiếu kiện đúng sự thật về nữ diễn viên này vi phạm Luật hôn nhân gia đình khi đang trong quá trình xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ thì Hội đồng xét trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú "sẽ dừng lại ngay".
Việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho diễn viên Kiều Thanh đã được thực hiện vào năm 2015.
Vì vậy, Bộ VHTTDL cho rằng chỉ thu hồi danh hiệu của nữ diễn viên này nếu có quyết định của tòa án là cô vi phạm pháp luật và Kiều Thanh bị kết án tù.
Gần đây là ồn ào xung quanh NSƯT Đức Hải. Tháng 6.2021, trên mạng xã hội nổ ra cuộc tranh cãi lớn khi trang Facebook chính chủ của NSƯT Đức Hải xuất hiện nội dung phản cảm.
Trước những việc này, dù NSƯT Đức Hải “đã liên hệ với Nhà trường và giải thích nội dung đăng lên Facebook của nghệ sĩ Đức Hải là do con nuôi của nghệ sĩ đưa lên, không liên quan đến nghệ sĩ” nhưng đến ngày 9.6.2021, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải. Dù bị mất chức nhưng không ai có ý kiến về việc thu hồi hay tước danh hiệu NSƯT của ông Đức Hải.
Nghệ sĩ, đặc biệt là NSƯT, NSND có vai trò quan trọng trong định hướng tư duy nghệ thuật của công chúng, để hướng tới các giá trị tốt đẹp và điều thiện. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu đã có những hành vi, ngôn từ phản cảm ngoài xã hội cũng như trong môi trường mạng xã hội. Điều này kéo đến sự lệch chuẩn trong nhận thức về văn hoá.
Đã đến lúc cần có những quy định mới trong việc thu hồi hay tước danh hiệu đã phong tặng cho các nghệ sĩ để buộc họ phải có trách nhiệm với những hành động, phát ngôn hàng ngày, đặc biệt trên mạng xã hội.
Một nghệ sĩ đánh mất hình ảnh trong công chúng thì những danh hiệu đi kèm cũng trở nên vô nghĩa và khi những người có danh hiệu NSƯT, NSND đã không coi trọng danh hiệu được phong tặng thì chính họ cũng nên tự trả lại các danh hiệu, đồng thời, cơ quan chức năng cũng nhanh chóng có giải pháp thu hồi.
Theo Bằng Linh/laodong.vn