Nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh của mình
Đề cập đến việc đưa ra các giải pháp nhằm chấn chỉnh lại văn hóa ứng xử của nghệ sĩ đang trở nên "báo động", NSND Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho rằng, chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa "chợ búa" trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng.
Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Lời nói, ngôn ngữ vốn là "cái vỏ vật chất của tư duy" nên hiện tượng "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang đáng báo động.
Theo NSND Quốc Chiêm, là những "chiến sĩ" trên mặt trận văn hóa tư tưởng, người nghệ sĩ chân chính có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng. Bằng tài năng, tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc, non sông, những tác phẩm của họ có thể ví như những ngọn đuốc "soi đường cho quốc dân đi". Để phát huy truyền thống vẻ vang của nền văn nghệ cách mạng mà các nghệ sĩ đi trước đã dày công xây dựng cũng như khắc phục những khuyết tật, hạn chế trong đời sống nghệ thuật thời gian qua, nhất là những hành vi "lệch chuẩn" của một số nghệ sĩ, các cơ quan ban ngành, những người có trách nhiệm cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những nhiệm vụ cấp thiết.
|
Nghệ sĩ Đức Hải từng bị cách chức và bị tẩy chay vì những phát ngôn "vạ miệng" trên mạng xã hội. Ảnh: TL.
|
Cụ thể, mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lí, nhu cầu của công chúng.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của một người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội; gương mẫu thực hiện tốt các bộ Quy tắc ứng xử mà thành phố Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn – Bộ VHTTDL đã ban hành.
Thêm vào đó, các bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở trung ương và địa phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ. Làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Nghệ sĩ không nên "bán rẻ" mình cho mạng xã hội
Nghệ sĩ Ngọc Dương - Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng: "Thời buổi công nghệ số, rất thuận tiện cho việc lan tỏa, quảng bá hình ảnh của người nghệ sĩ nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Vào những thập kỷ trước, khi công nghệ còn lạc hậu thì những phát ngôn của nghệ sĩ có thể chỉ vài người biết nhưng hôm nay với sự lan tỏa chóng mặt của mạng xã hội thì chỉ cần phát ngôn một câu thôi cũng có thể hàng triệu người biết đến. Vì vậy phát ngôn thiếu chuẩn mực không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng đến đồng nghiệp, rộng hơn là ảnh hưởng đến cả một nền nghệ thuật nước nhà. Có khi cũng chỉ vì một câu nói thôi khiến sự nghiệp nghệ sĩ tiêu tan.
Có nhiều cách để có được dấu ấn trong lòng khán giả. Thay vì những phát ngôn bừa bãi, thiếu chuẩn mực để tạo scandal thì nghệ sĩ nên trau dồi nghề nghiệp, hãy dùng lương tâm và tài năng để chinh phục khán giả và bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng. Qua nhiều phương tiện truyền thông ta thấy nhiều nghệ sĩ cố tính có những phát ngôn gây sốc thiếu chuẩn để được công chúng chú ý đến nhằm tăng lượng tương tác và mục đích cuối cùng của hành động này là chỉ để kiếm tiền, bất chấp danh dự, nhân phẩm, lòng tự trọng của người sĩ".
|
Trấn Thành và Hương Giang dính dáng đến rất nhiều vụ việc ồn ào trên mạng xã hội. Ảnh: TL.
|
NSND Quốc Chiêm cũng cho rằng: "Trong bối cảnh Internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, hiện có khoảng 70% người dân Việt Nam sử dụng Internet, đây là cơ hội lớn để nghệ sĩ quảng bá, chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân và các sự kiện nghệ thuật nhằm tăng cường khả năng tương tác, kết nối với những người yêu nghệ thuật. Để có bản lĩnh nghệ thuật trong không gian mạng, hơn ai hết, nghệ sĩ - những "người của công chúng" phải có những kiến thức về công nghệ thông tin, làm chủ thông tin, hiểu biết pháp luật, tuân thủ những quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng; phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin, hình ảnh với công chúng.
Người nghệ sĩ phải lường trước được kết quả, hậu quả và phải chịu trách nhiệm trước dư luận, công chúng và pháp luật về những hành vi, suy nghĩ của mình. Phải có tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải nhanh chóng cải chính thông tin sai và xin lỗi công chúng cũng như đối tượng bị tổn thương; tránh vòng vo, đổ lỗi cho người khác; nhanh chóng gây dựng lại niềm tin nơi khán giả", NSND Quốc Chiêm nói.
Theo NSND Quốc Chiêm, sự phát triển của mạng xã hội mở ra không gian nghệ thuật mới để nghệ sĩ đưa tác phẩm của mình đến gần hơn, nhanh hơn với công chúng. Bên cạnh những cơ hội lại là những hiểm nguy có thể hủy hoại thanh danh, sự nghiệp mà người nghệ sĩ cả đời gây dựng nếu như vô tình hay hữu ý vi phạm những chuẩn mực, quy tắc chung của cộng đồng, đi ngược lại giá trị, tôn chỉ, mục đích cao quý của nghệ thuật.
Vì thế để tránh những hiện tượng đáng tiếc xảy ra, các cơ quan ban ngành cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc định hướng, kiểm soát, thẩm định thông tin; có những phản hồi, cảnh báo cho người "đưa tin" và người tiếp nhận về những nguy cơ mất an toàn thông tin; kịp thời gỡ bỏ những thông tin xấu độc trên môi trường mạng, tránh những cuộc "khủng hoảng thông tin", những lượng "rác" lớn trên không gian mạng đến từ những hành vi thiếu văn hóa, kém văn minh của một số người dùng, trong đó có nghệ sĩ.
Sớm ban hành những cơ chế trách nhiệm và quyền hạn của nghệ sĩ
Để hoạt động xã hội và nghệ thuật diễn ra thuận lợi, an toàn... theo NSND Quốc Chiêm, trên cơ sở đảm bảo quyền tự do, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật kỷ cương, phát huy hiệu quả ảnh hưởng của nghệ sĩ, sức cảm hóa của nghệ thuật với công chúng, các cơ quan ban ngành có trách nhiệm cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách quy định về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của nghệ sĩ trong tham gia các hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động quyên góp, làm từ thiện; nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ tham gia kinh doanh thương mại điện tử...
Đồng thời không ngừng quan tâm, tạo điều kiện về vật chất lẫn tinh thần, đảm bảo những điều kiện cần thiết để người nghệ sĩ yên tâm công tác, giữ được tình yêu nghệ thuật để có những tác phẩm xứng tầm, góp phần hình thành những con người mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
"Lao động nghệ thuật là một hành trình, một nghề vô cùng "nghiệt ngã" đòi khỏi sự khổ luyện của người nghệ sĩ để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho con người và xã hội. Sức ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng là ở những tác phẩm đỉnh cao, ở sự nghiêm túc, cẩn trọng, hết mình với nghệ thuật. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển, tài năng, phẩm chất của người nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nghệ thuật phải hướng đến số đông quần chúng, vì lợi ích chung của cộng đồng; không thể mượn danh nghệ thuật, uy tín của nghệ sĩ để vụ lợi. Mỗi nghệ sĩ cần vượt qua những "lằn ranh", giới hạn chật hẹp của cuộc sống cá nhân, suy nghĩ về những vấn đề lớn của vận nước, về những phận người để có những tác phẩm, vở diễn xứng tầm với niềm tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân", NSND Quốc Chiêm nhấn mạnh.
Theo Hà Tùng Long / Dân Việt