Tân Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 vừa đăng quang đã gây tranh cãi dư luận khi trình bày ấp úng tên của 7/12 huyện đảo của Tổ quốc dù tên gọi, tiêu chí mục đích cuộc thi liên quan đến biển đảo và theo Ban tổ chức, mục đích cuộc thi là: "Lựa chọn đại diện người phụ nữ mang vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam quảng bá và truyền thông hình ảnh biển đảo tham gia các cuộc thi sắc đẹp ở đấu trường quốc tế. Giúp thế giới hiểu hơn về con người, đất nước và tài nguyên du lịch biển đảo của Việt Nam".
Điều đáng nói, nội dung và tên gọi thì Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu không khác nhiều một số cuộc thi sắc đẹp diễn ra thời gian qua như: Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Biển Việt Nam hay Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu...
|
Lê Âu Ngân Anh - nhan sắc gây tranh cãi trong cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017. |
Chỉ tính trong vài tháng cuối năm 2017, showbiz Việt đã chứng kiến màn "loạn" danh hiệu Hoa hậu từ: Hoa hậu Đại dương, Nữ hoàng Sắc đẹp toàn cầu, Hoa hậu Hoàn cầu, Hoa hậu Sắc đẹp hoàn mỹ toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Hòa bình Châu Á, Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới, Hoa hậu Doanh nhân Việt toàn cầu... Toàn danh hiệu thoạt nghe rất "to tát", dễ được hình dung như tầm cỡ quốc tế.
Chính NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn khi mới nhận nhiệm vụ quản lý Cục này đã thừa nhận với báo chí: "Đúng là giờ có quá nhiều cuộc thi hoa hậu na ná nhau và tôi cũng không thể nhớ hết hay quản lý hết".
Sau khi xảy ra những lùm xùm từ cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có công văn yêu cầu ban tổ chức báo cáo sự việc, hủy danh hiệu Hoa hậu của người đẹp Lê Âu Ngân Anh nhưng hàng loạt cuộc thi vẫn diễn ra trong và ngoài nước.
|
Tân Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018. |
Tính riêng những cuộc thi sắc đẹp có tên gọi liên quan đến biển đã nhiễu loạn, lẫn lộn. Chuyện người đẹp từng thi Hoa hậu Đại dương không đoạt thành tích lại thi Hoa hậu Biển là điều bình thường.
Như trường hợp của thí sinh Ngọc Lụa - gương mặt từng gây "bão" với câu trả lời có phần ngây ngô trong đêm chung kết Hoa hậu Đại dương 2017: "Nếu hôm nay em may mắn trở thành tân Hoa hậu Đại dương 2017 thì đầu tiên em sẽ trở về nhà ôm cha mẹ mình một cái. Việc tiếp theo là em sẽ đi vòng vòng xóm của em dạy mấy đứa nhỏ cách nhặt rác thế nào, dạy những đứa bé đó cách bảo vệ môi trường không được xả rác bừa bãi. Em cũng sẽ kêu các bạn đồng trang lứa chung tay bảo vệ môi trường". Sau khi cuộc thi kết thúc, cô quyết định thi tiếp Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018.
Ngoài Ngọc Lụa, một thí sinh khác bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 là Nguyễn Băng Tâm cũng thứ sức tiếp ở Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu. Vậy nên câu hỏi dư luận đặt ra cấp thiết là: Tại sao những cuộc thi có tên gọi na ná nhau lại được cấp phép tràn lan như thế? Ai là người phải chịu trách nhiệm sau mọi ồn ào, "thảm họa", sai phạm từ các cuộc thi mọc lên nhan nhản?
|
Kim Ngọc (trái) thất bại ở Hoa hậu Đại dương đã đăng quang Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu. |
Trao đổi cùng chúng tôi, một chuyên gia sắc đẹp kiêm giám đốc một công ty chuyên đào tạo, tổ chức các cuộc thi sắc đẹp (xin giấu tên - PV) nhận định: "Việc cấp phép là do đơn vị quản lý như Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Với một cuộc thi sắc đẹp không có giấy phép thì sẽ bị phạt, người đăng quang bị hủy danh hiệu. Nhìn lại những cuộc thi như Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu... đều là các cuộc thi có cấp phép. Thông thường, cứ đúng quy trình, quy định sẽ được cấp phép. Theo chúng tôi, cơ quan quản lý cần có những quy chế chặt chẽ hơn nữa để dẹp bớt những cuộc thi tên gọi, tiêu chí na ná nhau".
Giám đốc công ty này phân tích thêm, tuy Việt Nam đang "nhan nhản" danh hiệu hoa hậu nhưng những danh hiệu được công nhận đạt chuẩn đi thi quốc tế lại vô cùng ít ỏi. Có thể kể tên những cuộc thi mà người đăng quang ngôi vị hoa hậu, á hậu sẽ được dự thi quốc tế là: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa khôi Áo dài Việt Nam... còn chủ yếu những danh hiệu đang gây "nhiều loạn", dù được ghép với những mỹ từ như quốc tế, toàn cầu, hoàn cầu... thì đều ở cấp "ao làng".
Lý giải sức hút của các danh hiệu khiến những cô gái trẻ đổ xô vào cuộc chạy đua như hết thi Hoa hậu Đại dương lại sang Hoa hậu Biển, chuyên gia sắc đẹp này cho biết: "Ở Việt Nam, những người đẹp đăng quang ngôi vị hoa hậu, nhất là từ các cuộc thi quy mô nhỏ thường chọn con đường dấn thân showbiz để có cơ hội đổi đời chóng vánh. Danh hiệu, vương miện được coi như một thứ "bùa hộ mệnh" để họ hái ra tiền, thậm chí để... lấy chồng đại gia. Còn những công ty tư nhân đứng ra xin cấp phép, tổ chức thì hướng đến lợi ích kinh tế, họ thậm chí còn lách luật, dựa vào những điểm chưa thật rõ ràng trong quy chế, quy định của cơ quan chức năng để trục lợi.
Ngôi vị hoa hậu ngày càng bị "nhân bản", bị rẻ rúng không chỉ gây nhiễu loạn giá trị mà còn khiến những người đẹp xứng đáng cảm thấy bị tổn thương, khiến công chúng cảm thấy nhàm chán, xem thường hoặc ác cảm chung với tất cả các cuộc thi sắc đẹp".
Vừa qua, Kim Ngọc - người đẹp Tiền Giang được xướng tên là đương kim Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 một lần nữa khiến khán giả "ngã ngửa" bởi cô chính là thí sinh từng "bại trận" trước Lê Âu Ngân Anh trong cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017. Vì tên gọi, tính chất cho tới mục đích của Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu và Hoa hậu Đại dương có nhiều tương đồng nên người chiến thắng ở hai cuộc thi này cùng khâu lùm xùm trong tổ chức cũng bị dư luận chỉ trích.
Trong khi Lê Âu Ngân Anh gây tranh cãi với nhan sắc được cho là phẫu thuật thẩm mỹ quá đà thì Kim Ngọc bị chê trách ở màn trả lời ứng xử ấp úng, không kể tên đủ các huyện đảo của Tổ quốc ở một cuộc thi về biển.
Thiếu sót này phần nào phản ánh sự lỏng lẻo, dễ dãi trong các cuộc thi nhan sắc khiến không những thí sinh dự thi thiếu phông nền kiến thức vẫn đăng quang mà ban tổ chức cũng bị dư luận đặt câu hỏi về sự chuyên nghiệp, nghiêm khắc.
Theo T.Nam/Giadinh.net