Cuộc sống đơn giản của nữ diễn viên 30 năm chỉ thấy tiếng không thấy mặt

Google News

Diễn viên lồng tiếng Ý Nhi – người nổi danh trong giới lồng tiếng với hơn 30 năm chuyên trị các vai diễn cho các hoa đán phim TVB - trải lòng về nghề chỉ thấy tiếng mà không thấy mặt.

Vốn xuất thân là một cô giáo dạy thể dục, Ý Nhi bắt đầu chạm ngõ với nghề từ năm 1987, khi tình cờ đọc được mẩu tin đăng tuyển diễn viên lồng tiếng phim cho trung tâm Băng từ và Điện ảnh TP.HCM.
Từ ý nghĩ ban đầu đăng ký chỉ vì tò mò, có ai ngờ đến nay chị đã gắn bó với nghề được hơn 30 năm. Suốt ngần ấy thời gian, nữ diễn viên cũng kịp gây dấu ấn các dạng vai nữ cá tính, mạnh mẽ hay hình tượng madamme, cảnh sát trong các bộ phim hình sự, điều tra phá án nổi tiếng của Hong Kong.
Cuoc song don gian cua nu dien vien 30 nam chi thay tieng khong thay mat
Diễn viên lồng tiếng Ý Nhi. 
Thực tế cho thấy phim TVB vài năm trở lại đây đã bước vào giai đoạn thoái trào, song điều may mắn là thế hệ các diễn viên lồng tiếng kỳ cựu vẫn còn làm nghề gần như đầy đủ. Theo Ý Nhi, ngoài lý do đam mê, một yếu tố khác là bởi “nghề này không bạc”, thu nhập tuy không quá cao nhưng cũng đủ để những người như chị cảm thấy thoải mái.
Chia sẻ về quá trình lồng tiếng, nữ diễn viên cho biết do đặc trưng về ngữ điệu tiếng Quảng Đông, câu thoại trong phim TVB thường phải nói nhanh nhưng đặc biệt rõ chữ. Muốn thế người diễn viên lồng tiếng cần phải thường xuyên tập luyện để có được hơi thở tốt.
Quá trình lồng tiếng cũng không hề đơn giản, trước khi nói phải hít thở thật sâu để chuyển hơi vào trong phổi, sau đó nhẹ nhàng đẩy hơi ra, từ từ điều tiết âm lượng để đảm bảo câu nói ra không bị dính, mà vẫn đảm bảo tròn vành rõ chữ.
Cuoc song don gian cua nu dien vien 30 nam chi thay tieng khong thay mat-Hinh-2
Ý Nhi và các thành viên trong tổ lồng tiếng phim TVB trước đây. 
Đặc thù làm việc bằng giọng nói thế nên người lồng tiếng cũng quý trọng giọng nói ngang với ca sĩ. Ý Nhi cũng như bao diễn viên lồng tiếng khác cũng tự đặt ra các quy tắc cho riêng mình để bảo vệ giọng: không uống rượu bia, nước đá, hút thuốc lá, cố gắng chăm sóc thanh quản thật tốt. Khi đã lỡ không may viêm họng thì phải ngậm kẹo, uống nước chanh ấm, hay súc nước muối... Đặc biệt, phải giữ tâm trạng thoải mái, không tức giận, có như thế khi nhập vai mới thực sự bắt nhịp kịp với tâm lý nhân vật.
Yêu nghề là thế, Ý Nhi cũng tỏ vẻ chạnh lòng khi được hỏi về tình hình công việc của chị và các diễn viên lồng tiếng thế hệ đời đầu hiện nay. Cùng khóa đào tạo với Ý Nhi có hàng trăm học viên nhưng đến nay số người làm nghề cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Từ phim Việt Nam đến phim nước ngoài, họ thay phiên nhau lồng tiếng và vô tình chất giọng của mỗi người cũng trở nên quen thuộc với đông đảo khán giả.
“Chỉ mới một năm trước tôi và các đồng nghiệp vẫn còn có phim làm đều đặn. Mỗi người có hôm lồng 20-30 tập phim, chạy qua lại giữa 3-4 phòng thu là chuyện bình thường. Nhưng gần một năm trở lại đây, một số các diễn viên trẻ mới nổi phá giá, sẵn sàng hạ cát xê xuống thấp để nhận được nhiều phim, điều này khiến các diễn viên thế hệ lớn tuổi chúng tôi gặp nhiều khó khăn”, Ý Nhi tâm sự.
Điều đáng buồn hơn cả khi trong số ấy có không ít từng là học trò do chính tay Ý Nhi đào tạo. Nhận thấy không thích nghi được, chị đành tự rút lui và chỉ khi ai chủ động ngỏ ý mời thì mới nhận lời. Dù ít xuất hiện hơn trước nhưng Ý Nhi cho biết đến hiện tại chị vẫn chưa có ý định từ bỏ nghề.
Trước câu hỏi từ người viết có nên chăng cần một giải thưởng vinh danh cho giới lồng tiếng? Ý Nhi bày tỏ chị cũng như bao nhiêu diễn viên lồng tiếng khác đã xác định theo nghề này thì phải chấp nhận thu mình lại, đứng sau mọi danh tiếng, hào nhoáng của những ngôi sao, miễn sao nghe đến giọng khán giả nhận ra cũng đã hãnh diện lắm rồi.
Cuoc song don gian cua nu dien vien 30 nam chi thay tieng khong thay mat-Hinh-3
Không còn cơ hội tham gia nhiều phim, Ý Nhi tìm đến yoga, thể dục để tận hưởng thú vui an nhàn khi về già. 
“Một lần cùng nhóm bạn đi Vũng Tàu, cậu tài xế chở chúng tôi gần về đến nơi rồi mới hỏi nhỏ tôi: 'Cô cho con hỏi, cái giọng của cô nghe quen quá, có phải có làm phim không? Tối nào con cũng nghe giọng cô trên phim hết'. Chỉ cần những điều nhỏ nhoi ấy thôi mà đủ để khiến mình cảm thấy ấm lòng”, Ý Nhi chia sẻ
Về cuộc sống cá nhân, sau cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, năm 2011 Ý Nhi kết hôn cùng người bạn thời đại học. Đời sống của đôi vợ chồng già khá thoải mái, mỗi ngày xong công việc thì anh chở chị hẹn bạn bè café, tập thể dục hay thỉnh thoảng tham gia các chuyến từ thiện.
Ý Nhi bảo cuộc sống tuy không giàu có bằng ai nhưng nhìn chung cũng đủ ăn đủ mặc, gia đình hạnh phúc nên chị không dám đòi hỏi gì hơn.
Theo VietNamnet