Là "con gái rượu" của nhạc sĩ Vinh Sử, chị Bùi Vinh Diễm thân thiết với ba như một người bạn, một tri kỷ khó tìm.
"Trong những đứa con, tôi được ba thương nhất và tôi tự hào về điều đó. Có thể ba không phải là một người ba mẫu mực, lo lắng chu đáo cho vợ con. Vì ba rất yêu âm nhạc, hết lòng cống hiến cho âm nhạc nên lúc nào cũng thích ở một mình để có không gian riêng, thuận tiện cho việc sáng tác. Do đó, tôi hiểu và thông cảm cho ba", chị Diễm cho hay.
Thuở nhỏ, chị Diễm được nhạc sĩ Vinh Sử dạy dỗ, tâm sự nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Trong đó, sự quyết tâm, lòng kiên trì, trung thực chính là bài học lớn theo chị đến tận hôm nay. Không nói suông, tác giả bài hát Nhẫn cỏ cho em lấy cuộc đời mình làm minh chứng cho con noi theo.
Chị Diễm kể với VietNamNet: "Ngày xưa, ba được ông nội ưu ái mang 2-3 chỉ vàng đóng tiền cho đi học làm mộc nhưng ba không muốn nên không theo. Sau, vì quá mê nhạc, ba lén ông nội bán mất một căn nhà, lấy tiền tiếp cận với nghệ thuật. Ba lân la làm quen nhiều thầy để học hỏi về nhạc nhưng không được ai nhận làm học trò.
Đến khi còn lại vài chục đồng, ba mua hai gói thuốc rồi nhờ người quen gửi tặng cho thầy. May mắn, ba được thầy đồng ý nhận dạy. Được một thời gian, ba bắt đầu có những sáng tác nổi tiếng như Nhẫn cỏ cho em, Không giờ rồi,... Do đó, ba dạy tôi làm gì cũng phải quyết tâm, phải cố gắng kiên nhẫn làm cho được, như cách ba nhẫn nại đến với nghề".
Dẫu vậy, đời nhạc sĩ trải qua không ít những thăng trầm. Chị Diễm tiết lộ, có thời điểm nhạc sĩ Vinh Sử nghèo đến mức không có được một chiếc xe đạp để đi. Khi trở thành biên tập cho các chương trình Mưa bụi, tác giả Năm 17 tuổi bắt đầu ổn định cuộc sống. Cũng có lúc, ông "bỏ vài cây vàng đi quán bar làm ông vua một đêm".
Gắn liền với ký ức đó là khoảng thời gian chị Diễm được sống gần gũi bên nhạc sĩ. Chị Diễm tâm sự: "Tôi luôn là người chờ cửa ba về. Nhiều đêm ngủ quên nhưng hễ nghe ba gõ cửa gọi Diễm ơi là tôi liền bật dậy. Có đêm ba gọi điện báo 10h sẽ về, tôi ở nhà mua nước đá, hai lon bia ngồi chờ. Ba mua bò lúc lắc, tôi mướn sẵn một hai cuốn phim kiếm hiệp. Hai cha con vừa ngồi nhâm nhi vừa xem phim vui vẻ rồi ngủ. Đến khi tôi lập gia đình, ba buồn nhiều vì mất đi một tri kỷ".
Ngoài ra, chị Diễm còn nhớ mãi lần nhạc sĩ Vinh Sử tự tay làm bánh kem tặng sinh nhật con. "Ba hỏi người ta cách làm bánh kem rồi về làm thử cái bánh bông lan. Không biết bắt kem nên ba đục một lon sữa, viết tên tôi lên bánh rất ấn tượng. Tôi nhớ hoài lần sinh nhật đó và thương ba".
Như những đứa con khác, chị Diễm mong muốn được ở gần, chăm sóc ba nhưng nhạc sĩ từ chối: "Tôi mong sau khi ba về hưu sẽ được vui vẻ, quây quần bên ba nhưng ba chỉ muốn ở một mình. Có đôi lần tôi nói ba về ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng ba từ chối. Dù bệnh, ba vẫn muốn tự sinh hoạt, không phiền đến ai. Điều đó làm tôi tiếc nuối khi không thể thực hiện được nguyện vọng của mình".
Trong một lần qua thăm ba, chị Diễm thấy nhạc sĩ Vinh Sử ho nhiều nên muốn ba vào viện hút đờm, tránh nghẹt thở. Sau đó, nhạc sĩ bỗng dưng trở nặng, phát hiện viêm phổi. Lần cuối được gặp ba, chị Diễm nhận được câu nói: "Sống kiểu này, ba không muốn". Dù xót xa, nhưng chị Diễm vẫn nắm tay, an ủi, động viên nhạc sĩ Vinh Sử cố gắng chiến đấu với bệnh tật nhưng tác giả Yêu người chung vách lắc đầu.
Ngày 10/9, nhạc sĩ Vinh Sử qua đời sau 11 năm chống chọi với ung thư trực tràng, để lại cho đời một gia tài sáng tác đồ sộ. Với chị Vinh Diễm, các ca khúc của ông đều là một niềm tự hào: "Tôi quý gia tài các bài hát ba để lại. Các bài hát của ba sống mãi, với mọi lứa tuổi. Giờ ba mất rồi, nên khi nghe các thế hệ thể hiện các ca khúc đó, tôi như được an ủi và vơi đi phần nào nỗi nhớ ba".
Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944, được mệnh danh là "ông vua nhạc sến", sáng tác với nhiều bút danh như: Bồng Nga Nữ, Chế Huyền Trân, Cô Phượng, Diễm Nhi, Đức Vượng, Hàn Ni, Linh Ngân,.... Ông là tác giả của loạt nhạc phẩm nổi tiếng như: Gõ cửa trái tim, Vòng nhẫn cưới, Yêu người chung vách, Chuyến xe lam chiều...