Mới đây, Trấn Thành gây chú ý với phát ngôn về ý nghĩa tên nhân vật trong phim Mai - tác phẩm điện ảnh do anh sản xuất, đạo diễn.
Cụ thể, khi đọc được bài đăng khen ngợi phim, Trấn Thành để lại bình luận cảm ơn tác giả và nói thêm: "Kế bên Mai là Bình Minh và Dương. Đều là ánh sáng của đời Mai. Nhưng Bình Minh sẽ tươi sáng. Còn bên kia là Trùng Dương, nghĩa là ánh dương nhưng sẽ chùng xuống!".
|
Trấn Thành gây chú ý với phát ngôn về tên nhân vật Trùng Dương trong phim "Mai" (Ảnh: Chụp màn hình).
|
Đoạn chia sẻ của Trấn Thành nhận nhiều tranh cãi. Khán giả cho rằng nam đạo diễn có cách giải thích sai lệch về mặt ngôn ngữ, "ép nghĩa vào câu chữ". Cũng có ý kiến cho rằng có thể Trấn Thành nhầm lẫn, hoặc cố tình "chơi chữ đồng âm".
Trong từ điển Hán - Nôm, chữ "trùng" có 8 nghĩa, trong đó không có nghĩa nào là "chùng xuống" như Trấn Thành giải thích.
Khán giả bình luận: "Nói đến trùng dương, chúng ta hay nhắc nhiều nhất đến bài hát Hội trùng dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Trùng dương nghĩa là biển cả bao la mới đúng".
Một số ý kiến khác cũng cho rằng: "Chữ "dương" Trấn Thành giải thích theo nghĩa Hán Việt, còn chữ "trùng" lại nói theo nghĩa thuần Việt thì không hợp lý"; "Với cách giải thích này của Trấn Thành thì tên nhân vật là Chùng Dương mới đúng"; "Chẳng ai nói "Chùng Dương" là ánh dương bị chùng xuống cả, làm gì có khái niệm đó mà bảo "chơi chữ" ở đây?"...
|
Thời gian qua, Trấn Thành trở thành tâm điểm khi ra mắt phim "Mai" (Ảnh: Facebook nhân vật).
|
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Phạm Văn Tình - nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết về mặt chữ, "trùng" và "chùng" là 2 từ hoàn toàn khác nhau. Về mặt nghĩa, cách lý giải của Trấn Thành cũng không chính xác.
"Theo tôi, Trấn Thành nhầm lẫn rất lớn. Phát ngôn của Trấn Thành sai về mặt chính tả, sai cả về mặt ý nghĩa âm tiết. Chính tả phải phản ánh chính âm, còn ở đây chính tả lại không phản ánh chính âm.
Theo từ điển, "trùng" có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là tầng tầng lớp lớp (trùng trùng điệp điệp), "dương" là biển. Trùng dương nghĩa là biển cả mênh mông chứ không phải nói về ánh mặt trời.
Giải thích "trùng" theo nghĩa "chùng xuống" cũng hoàn toàn sai. "Chùng" là từ thuần Việt, chỉ trạng thái không được kéo căng, ví dụ như chúng ta hay nói "dây đàn bị chùng". Còn "trùng" là từ Hán - Việt", PGS.TS Phạm Văn Tình nói.
Cùng quan điểm với PGS.TS Phạm Văn Tình, nhà văn Hoài Hương - Hội viên Hội nhà văn Việt Nam - cho biết "trùng dương" theo nghĩa Hán - Việt là diễn tả biển lớn, dùng trong ngữ cảnh ám chỉ sự nghìn trùng xa cách, khoảng cách lớn, bao la như nhiều đại dương tầng tầng lớp lớp.
Tuy nhiên, nhà văn Hoài Hương cho rằng Trấn Thành chỉ đang nhầm lẫn nhỏ, sự việc không đáng bị dân mạng "mổ xẻ", chỉ trích nặng nề.
"Trấn Thành bị nhầm từ "trùng" với "chùng" vì 2 từ này khi phát âm có phần giống nhau. Có thể Trấn Thành khá tự tin nên không biết bạn ấy đang nói sai, nhưng thực ra phát ngôn này cũng trong ngữ cảnh văn nói, thuận miệng nhấn cùng vần với nhau.
Bối cảnh Trấn Thành nói ra câu nói đó cũng chỉ là trong một bình luận trên Facebook. Nếu Trấn Thành tuyên bố "trùng dương là ánh dương chùng xuống" một cách trịnh trọng giữa đông đảo khán giả hay trên truyền hình, talkshow, thì đó sẽ là câu chuyện khác. Còn đây, chúng ta có thể hiểu nhẹ nhàng chỉ là sự bông đùa, chơi chữ đồng âm vui vẻ", nhà văn Hoài Hương đưa ra quan điểm.
Nhà văn Hoài Hương cho biết thêm, chữ "trùng" trong tiếng Hán cũng có nghĩa chỉ "sâu bọ, côn trùng". Trong phim, nhân vật Trùng Dương có biệt danh là Sâu. Theo quan điểm của bà Hương, đạo diễn Trấn Thành đang vận dụng lối chơi chữ, chọn chữ cái có nhiều ý nghĩa để đặt tên cho nhân vật.
Theo Bích Phương/Dân Trí