Sau khi chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha vào tháng trước, Angela Ponce trở thành người chuyển giới đầu tiên tranh tài tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới. Tuy nhiên, nhiệm vụ của cô trong tương lai nhiều hơn và quan trọng hơn thế.
Cùng với chiếc vương miện trên đầu, Angela sẽ thách thức những chuẩn mực truyền thống về giới tính và sắc đẹp trong xã hội cũng như phá vỡ những rào cản mà theo cô là không thể chấp nhận được trong ngành thời trang hiện nay.
“Việc sở hữu âm đạo không làm nên một người phụ nữ. Bất chấp việc nhiều người không nhìn nhận nhưng tôi rõ ràng là phụ nữ”, Angela Ponce nói.
Angela sinh ra và lớn lên tại Pilas, một thị trấn nhỏ thuộc miền nam Tây Ban Nha. Cha của cô sở hữu một quán bar nhưng giờ đã giao lại quyền quản lý cho con trai lớn. Pilas là một nơi khá bảo thủ và theo như Angela mô tả là “chẳng có ai giống tôi ở đây”.
Khi đến trường, Angela được xếp vào nhóm cần chăm sóc đặc biệt cùng với những đứa trẻ có cha mẹ ly dị hay thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số Roma. Cha mẹ của cô đã đấu tranh cực kỳ mạnh mẽ để cô không bị phân biệt đối xử và kỳ thị, từ trường học cho đến hàng xóm xung quanh. Họ luôn là niềm động viên lớn nhất của Angela, một cô bé nhạy cảm bị mắc kẹt trong thân thể của một cậu con trai. Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã khuyến khích cô chơi đùa với những búp bê yêu thích của mình và tránh xa đội bóng đá của anh trai.
“Mọi rắc rối đều diễn ra ở bên ngoài căn nhà của tôi. Chúng xuất hiện ở trường và trên đường phố”, Angela nói. “Cha mẹ luôn ủng hộ tôi. Thế nhưng ngay từ khi sinh ra, tôi đã cảm thấy mình giống như là một nhân vật của công chúng và bất kỳ ai cũng có quyền bàn luận về mình”.
Cách đây 3 năm, Angela chuyển đến thủ đô Madrid để theo đuổi sự nghiệp người mẫu sau khi chiến thắng một cuộc thi nhan sắc tại địa phương. Trong khoảng thời gian này, cô tham gia vào dự án Daniela Foundation. Đây là một tổ chức được thành lập bởi một người phụ nữ Tây Ban Nha sau khi một ngôi trường không thừa nhận con của bà là một cô gái chuyển giới.
Nhiệm vụ của Angela là diễn thuyết tại nhiều trường học và gặp gỡ những gia đình có người thân là chuyển giới. Cô từng nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm từ một cô gái chuyển giới bày tỏ mong muốn tự vẫn vì đã quá mệt mỏi với áp lực xã hội.
Năm 16 tuổi, Angela bắt đầu quá trình chuyển đổi giới tính. Cô đã trải qua điều trị nội tiết và phẫu thuật thẩm mỹ tạo âm đạo như một cách “loại bỏ những gì cho tôi là một gánh nặng”. Mặc dù vậy, Angela khẳng định phẫu thuật thẩm mỹ là một lựa chọn mang tính cá nhân và không phải là điều kiện bắt buộc để trở thành phụ nữ.
“Có những người phụ nữ có dương vật và có những người đàn ông có âm đạo. Bởi vì điều quan trọng nhất chính là bạn nghĩ mình là nam hay nữ. Bạn cảm thấy thế nào thì chính là thế ấy”, Angela nói.
Thành công gần đây của Angela đã mang đến cho cô nhiều người hâm mộ nhưng cũng có không ít kẻ thù ghét mà hầu hết đều là phụ nữ.
“Điều gây ấn tượng nhất với tôi là có rất nhiều lời chỉ trích đến từ phụ nữ và thậm chí là những người giống tôi”, cô nói. “Tôi thấy kỳ lạ khi một số phụ nữ không chịu đựng được việc tôi đại diện cho quốc gia mình tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ với tư cách là một phụ nữ thực thụ”.
Tây Ban Nha có 70% dân số theo đạo Công giáo La Mã nhưng đây lại là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trên thế giới về các vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới) và bình đẳng giới tính.
Năm 2004, Tây Ban Nha hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Hai năm sau, cựu Thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero ký thông qua đạo luật cho phép người chuyển giới thay đổi giấy tờ nhân thân. Tháng 6 năm nay, tân Thủ tướng Pedro Sánchez đã bổ nhiệm 11 phụ nữ làm người đứng đầu 17 bộ của chính phủ. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các nước phương Tây.
“Nếu so sánh với nhiều quốc gia khác, tôi cảm thấy rất may mắn khi được sinh ra ở Tây Ban Nha”, Angela nói.
Angela cho biết trong mấy tháng qua cô đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn và chỉ trích từ những phụ nữ nước ngoài thông qua mạng xã hội. Họ tin rằng cô sở hữu nhiều ưu thế đến từ phẫu thuật thẩm mỹ và điều này là không công bằng cho những thí sinh khác tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới sắp diễn ra.
Bên cạnh việc cắt bỏ cơ quan sinh dục, Angela khẳng định sự can thiệp về mặt da thịt duy nhất còn lại mà cô đã trải qua là phóng to ngực sau khi điều trị nội tiết tố.
“Tôi đồng ý với nhận định tất cả các cô gái sẽ không thi đấu trong điều kiện bình đẳng. Bởi vì bản thân tôi đã phải nỗ lực gấp đôi để có thể làm được điều đó. Và bởi vì tôi đã không nhận được sự chúc phúc từ tự nhiên”, Angela nói. “Khuôn mặt này là của tôi. Nó chưa từng bị thay đổi cho dù bạn có thích hay không. Cái eo của tôi cũng vậy”.
“Cơ thể phụ nữ luôn thuộc về họ. Rất nhiều người đã chỉnh sửa mũi và xương gò má để cảm thấy tốt hơn. Vậy điều đó khác gì so với việc có thêm một âm đạo và phóng to ngực?”, cô nói thêm.
Angela còn than phiền về những gì mà cô miêu tả là “sự đạo đức giả của những nhãn hàng thời trang danh tiếng”. Họ đã từ chối thẳng thừng sau khi phát hiện cô là một người chuyển giới.
“Có những thương hiệu luôn vui mừng khi bạn mua và mặc quần áo của họ nhưng lại chẳng bao giờ cho phép bạn xuất hiện trên sàn diễn”, cô nói. “Thật kỳ lạ khi người ta vẫn thường nói rằng thế giới thời trang là nơi hay thiết lập xu hướng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sở hữu những cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ trên toàn cầu trong gần hai thập niên. Năm 2005, ông bán bản quyền của sự kiện này cho WME-IMG sau khi NBC hủy hợp đồng truyền hình với ông.
Trong nhiệm kỳ của ông Trump, các quy tắc của cuộc thi đã được thay đổi nhằm cho phép các thí sinh là người chuyển giới được tham gia. Đây là kết quả từ một chiến dịch kháng nghị thành công được phát động bởi Jenna Talackova, một mỹ nhân chuyển giới người Canada từng bị cấm tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Canada.
Guillermo Escobar, chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha, thừa nhận rằng chiến thắng của Angela với tư cách là phụ nữ chuyển giới đã giúp sự kiện này thu hút thêm nhiều sự chú ý nhưng nhấn mạnh cô trong mắt của ban giám khảo chi đơn thuần “là một người phụ nữ tuyệt vời”.
“Cô ấy là người tiên phong đã gửi đi một thông điệp về bình đẳng và sự tôn trọng. Thế nhưng hy vọng của tôi là trong tương lai chúng ta sẽ có thêm nhiều thí sinh như cô ấy nhưng khi ấy điều này đã chẳng quan trọng nữa”, ông nói.
Theo Một Thế Giới