Chuyện chưa kể về việc phát hành bom tấn “Titanic”

Google News

Không có ai ngờ rằng trước ngày “Titanic” ra mắt, hãng phim hoàn toàn mất niềm tin vào tương lai của dự án điện ảnh này.
 

Chuyen chua ke ve viec phat hanh bom tan “Titanic”
Một cảnh kinh điển trong bộ phim Titanic. 
Hai thập kỷ sau khi đạo diễn gạo cội người Mỹ James Cameron ghi dấu ấn với bộ phim kinh điển “Titanic” - tác phẩm thành công nhất trong lịch sử điện ảnh (vào thời điểm đó), ông mới trải lòng về những vấn đề sau hậu trường từng đe dọa số phận của "bom tấn" này.
Trong một đoạn trích từ cuốn tiểu sử mới của Stephen Galloway, mang tên “Leading Lady: Sherry Lansing and the Making of A Hollywood Groundbreaker” (tạm dịch là: “Người dẫn đầu: Sherry Lansing và Nhà làm phim truyền cảm hứng ở Hollywood”), đạo diễn James Cameron tiết lộ rằng trước ngày “Titanic” ra mắt, hãng phim hoàn toàn mất niềm tin vào tương lai của dự án điện ảnh này.
"Các lãnh đạo kinh doanh của hãng phim Paramount hành động như thể họ vừa nhận được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối - rất nhiều khuôn mặt hời hợt và hành động thờ ơ khi nhắc đến việc phát hành phim", ông giải thích, "Mọi người đều nghĩ rằng họ sắp mất tiền, và mọi nỗ lực chỉ đơn giản là để bảo đảm rằng sự thất bại lần này không khiến tổng thể bộ máy bị tê liệt".
Do nhiều vấn đề phát sinh, như việc biên tập những hiệu ứng hình ảnh phức tạp, hay yêu cầu cắt bớt các cảnh để thời lượng phim ở mức dễ quản lý hơn, ngày phát hành “Titanic” buộc phải lùi lại so với dự kiến 1 tháng. Điều này càng khiến bộ phim trở thành tâm điểm chỉ trích của báo chí, từ việc bội chi ngân sách cho đến những thay đổi về thời gian phát hành.
Đạo diễn Cameron cho biết: "Chúng tôi giống những kẻ khờ dại nhất trong lịch sử Hollywood còn báo chí có trong tay những con dao dài, ngày càng được mài sắc khi bộ phim tiến tới gần ngày phát hành dự định". Theo ông, tình huống có lẽ sẽ trở nên căng thẳng nhất khi “Titanic” chính thức ra rạp. Vì thế, ông quyết định cách tốt nhất để đối phó với báo chí là lùi lại ngày phát hành, để "thoát khỏi sự cằn nhằn, chế giễu và để họ tự chuốc lấy thất bại". Cuối cùng, cái kết của câu chuyện đã nằm ngoài dự kiến.
"Không ai ngạc nhiên hơn tôi, bởi vì chưa có điều tương tự từng xảy ra như thế. Nhưng rõ ràng đó là chiến lược nảy ra giữa sức nóng của trận chiến. Chính những tuyệt vọng đã giúp mang tới các biện pháp liều lĩnh".
Bản thân James Cameron thừa nhận chính ông cũng từng cho rằng “Titanic” sẽ là dự án chấm dứt sự nghiệp làm phim của mình. "Không ai nghĩ rằng nó thậm chí có thể hòa vốn. Và lúc đó tôi khá nghiêng về giả định rằng mình sẽ không bao giờ làm phim nữa".
Trên thực tế, phim “Titanic” thu về 2,8 tỷ USD từ các phòng vé, và trở thành một trong những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Đây cũng chính là tác phẩm điện ảnh củng cố vị thế của James Cameron với tư cách một huyền thoại Hollywood.
Theo Tin tức