Không phải vì Cate không có khả năng sắm váy mới và cũng chẳng vì các nhà thiết kế đã cạn kiệt ý tưởng tạo ra một chiếc váy dành cho cô tại Cannes 2018. Cô mặc váy cũ chỉ vì muốn truyền tải một thông điệp: Duy trì sự bền vững trong ngành thời trang. Đây là một chiến dịch lớn đã được nhiều tập đoàn dệt may và thời trang lớn trên thế giới phát động trong nhiều năm qua.
Ngành may mặc và thời trang là thủ phạm đứng thứ 2 gây ô nhiễm nguồn nước, và cũng ngốn lượng nước sạch ở mức khủng khiếp cùng với bao thứ hóa chất. Đơn cử, để sản xuất ra một chiếc quần jeans phải tốn đến 7.000 lít nước, tốn đến 2.700 lít nước cho 1 chiếc áo thun, và một chiếc váy cũng ngốn hàng ngàn lít nước cùng với việc thải ra bao nhiêu thứ hóa chất độc hại gây ô nhiễm.
|
Cate Blanchett mặc bộ váy cũ (đứng giữa hai nam giam khảo mặc vest) chụp ảnh cùng hội đồng giám khảo Cannes 2018. |
Chiếc váy cũ của Cate Blanchett đẹp hay không còn tùy cách nhìn của mỗi người, nhưng chắc chắn nó “đẹp” với thông điệp Cate muốn truyền tải. Cate là ngôi sao siêu hạng rồi, không cần phải đánh bóng mình bằng một chiếc váy mới đắt tiền cùng với các thứ trang sức thượng hạng quí tộc bước đi và diễn trên thảm đỏ cho các tay máy chụp ảnh liên hồi thì mới nổi tiếng.
Cate mặc váy cũ mà vẫn tạo ra sức hút. Trái ngược hoàn toàn với không ít người đẹp vô danh cố tình làm chiêu trò trên thảm đỏ để gây chú ý đối với các tay săn ảnh. Đó là một hoa hậu quí bà đến từ Trung Quốc dù biết qui định cấm chụp ảnh selfie trên thảm đỏ nhưng vẫn cố tình phớt lờ và vi phạm, rồi bị nghi là cố tình té ngã để lộ hàng vòng một nhằm gây chú ý. Đó là cuộc trình diễn những bộ váy đắt tiền, kì công của một người đẹp Việt nhưng các clip đăng tải trên mạng cho thấy không gây được cảm hứng gì nhiều cho các nhiếp ảnh gia tại hiện trường. “Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu”, cho dù những bộ váy áo của một số người đẹp đến Cannes có được dát bằng vàng đi nữa.
Ai cũng có quyền đến Liên hoan phim Cannes nhưng đến với tư cách nào mới là quan trọng. Đến chỉ để khoe những bộ váy áo đắt tiền trên thảm đỏ rồi thuê người chụp ảnh, sau đó post lên Facebook để lòe thì chẳng có giá trị gì. Cũng có trường hợp đến Cannes để tìm kiếm cơ hội làm ăn kinh doanh và song hành ăn mặc rình rang để chụp ảnh PR cho bản thân nhằm tạo hình ảnh.
Nếu không phải là người có chuyên môn và nổi tiếng được nể trọng khi bước trên tham đỏ Cannes, thì các chiêu trò hay váy áo kia chẳng có ý nghĩa gì.
Theo Thế Lâm/Lao động