|
NSƯT Chiều Xuân lần nào nghĩ về người mẹ chồng đã khuất cũng khóc. |
Phim "Sống chung với mẹ chồng" đang được quan tâm dù mới chiếu được vài tập. Nhưng có rất nhiều ý kiến cho rằng, đạo diễn đã làm quá đi khiến giới trẻ khi xem, nhiều khả năng sẽ sợ làm dâu. Chị nghĩ sao?
- Trước hết, đứng trên quan điểm làm nghề nhìn nhận tôi thấy bộ phim đã rất thành công. Với mặt bằng chung phim truyền hình hiện nay, để có một bộ phim được sự quan tâm của khán giả là rất khó. Bi kịch của 4 người trong gia đình bà Phương là một bi kịch của người lớn mãi không trưởng thành.
Bộ phim đã gạt kỹ năng sống cần thiết để cố tình làm quá đi. Nhưng đúng là không làm quá khán giả sẽ không để ý. Bà mẹ trong "Sống chung với mẹ chồng" là tổng hợp những tính cách mà bà mẹ chồng nào xem cũng thấy mình có tí chút.
Đứng trên phương diện khán giả xem phim, những câu chuyện đề cập tới mọi người cũng nên chú ý. Cuộc sốngkhông có kiến thức, tưởng mình đã làm rất tốt rồi, hoá ra lại chưa phù hợp với người khác. Xem phim, tôi cảm thấy rất buồn và mất nhiều năng lượng để suy nghĩ.
Tại sao lời thoại cứ choang choang, mẹ chồng nói con dâu cũng choang choang, con trai nói với mẹ ruột cũng choang choang, con dâu đối lại mẹ chồng cũng choang choang... Tôi cảm thấy mệt. Nếu cứ diễn ra như thế tới tập kết thúc, tôi nghĩ bộ phim sẽ phản tác dụng. Nhưng nếu thế thật nghĩa là phim đang phản ánh đúng bản chất của xã hội hiện nay, không ai chịu dừng lại suy nghĩ vấn đề gì mà cứ nghe được là phản ứng, rất vội vàng.
Tuy nhiên phim mới có vài tập, chúng ta chưa nên phán xét điều gì. Có thể vài tập đầu có sự gai góc để thu hút khán giả, nhân văn sẽ nằm đằng sau thì sao? Nên chúng ta chưa vội phán xét, nghĩ tiêu cực rằng bộ phim sẽ ảnh hưởng tới cái này cái kia... Chị Lan Hương đóng quá đạt. Chỉ có một diễn viên sân khấu xuất sắc như chị ấy mới có thể thoại hay và biến hoá nhân vật tuyệt vời như thế.
"Sống chung với mẹ chồng" trên phim là vậy, còn ngoài đời, 30 năm làm dâu chị có bị ức chế vì mẹ chồng không?
- Rất tiếc, mẹ chồng tôi đã mất! Nhưng mỗi lần nói về mẹ, tôi đều xúc động (khóc). Tôi thương mẹ vô cùng. Lúc con cái còn rất khó khăn chưa có điều kiện chăm sóc để ý nhiều đến bà, đến lúc có đôi chút mẹ tôi bệnh rồi ra đi.
Ngày tôi mới về làm dâu, cái gì cũng không biết. Bà chỉ dạy từng tí. Tết đầu tiên làm dâu, nấu cỗ ngày Tết bà hướng dẫn tôi tỉ mỉ. Lúc sinh bé Hồng Mi, chúng tôi cũng chưa có điều kiện nhiều, bà sắm hết đồ đạc quần áo cho bé. Tôi chỉ việc mang đi đẻ. Có người nói rằng không có điều kiện bà sắm cho gì mà chả được, nhưng cũng không hẳn thế đâu. Tôi tin tưởng mẹ tôi đi trước, từng nuôi chồng tôi lớn bà có đủ kinh nghiệm hơn tôi.
Cảm động nhất là lúc tôi sinh, nói thật, ngày đó làm gì có băng vệ sinh dành cho phụ nữ sau sinh như bây giờ, toàn dùng vải xô. Thế mà gia đình ngoại tôi bận, mẹ chồng cần mẫn giặt cho tôi hết, rồi bà nấu cháo móng giò, đun nước lá mít tắm cho tôi... Hành động của bà khiến tôi cảm động vô cùng.
Có một lần, trong câu chuyện của mẹ chồng tôi với một người bà con, người đó cứ nói rằng tôi trông rất giống mẹ chồng. Trong câu chuyện vui vui ấy, mẹ tôi bảo có phúc lắm mới có được cô con dâu giống mình. Bất chợt tôi nghe thấy, một cảm xúc khó tả mà một người con gái còn đầy bỡ ngỡ đi làm dâu như tôi nghe được. Tôi bỗng nghĩ rằng cả cuộc đời này tôi biết ơn bà không hết. Tôi biết, tôi đã có một mẹ chồng tử tế và tinh tế.
Nói như chị, hôn nhân của chị với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hạnh phúc tới ngày hôm nay, hai người yêu nhau thôi chưa đủ, mẹ chồng có vai trò quan trọng không kém?
- Đúng vậy, gia đình chồng tôi quá tốt. Tôi cũng chưa bao giờ để chồng tôi bị lôi vào mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cả. Bố mẹ và các anh em chồng đều rất tử tế và thông cảm với tôi. Công việc của một nghệ sĩ giờ giấc thất thường. Có nhiều hôm giỗ chạp, tôi không giúp được gì nhưng đến giờ ăn cỗ, mọi người đều vui vẻ gọi điện cho tôi tranh thủ giờ nghỉ quay để về. Nhưng vì thế, tôi tâm niệm rằng, nhà chồng đối tốt với tôi một, tôi phải đối lại gấp 3.
Có một điều nữa, bố mẹ đẻ tôi chưa bao giờ nói xấu thông gia. Lúc nào ông bà cũng khen ông bà thông gia hết lời trước mặt tôi. Thế nên, khi có một chút hiểu chưa đúng về mẹ chồng, tôi không bảo thủ mà tự nhủ rằng, có khi mình sai rồi vì đến bố mẹ đẻ mình còn khen bà hết lời, sao tôi lại có ý nghĩ 'xấu' nhỉ. Cứ như thế, mối quan hệ của tôi với bố mẹ đơn giản hơn rất nhiều. Không chấp vặt.
Mẹ chồng chị đã đi xa, quãng thời gian làm dâu, chị có thấy hối tiếc điều gì chưa làm với mẹ chồng không?
- Có chứ, mẹ chồng đối đãi với tôi rất tử tế, vun vén cho gia đình nhỏ của chúng tôi lúc khó khăn. Đến lúc chúng tôi kha khá, mẹ lại đổ bệnh. Nhưng chính lúc đổ bệnh, tôi và anh chị em trong nhà chăm sóc bà rất tận tình. Tôi chăm bà như chăm mẹ đẻ, một cách tự nhiên không gò ép. Thế nên, tôi chỉ mong bà còn sống để đền đáp được ân tình bà dành cho chúng tôi.
Theo chị, nút mở trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là gì để không có sự căng thẳng quá khi sống chung?
- Quan điểm của tôi, mẹ chồng nên là người mở lòng trước. Khi một người con dâu bỡ ngỡ mới bước vào gia đình mình người mẹ quan trọng lắm. Người mẹ mở lòng đón nhận một cách chân tình, chỉ bảo một cách thực lòng không con dâu nào lại không cảm động và mở lòng cả. Chỉ một câu thôi cho nút mở này "nghe và hiểu". Trước hết, chúng ta phải biết lắng nghe, nghe xong mới hiểu vấn đề để chúng ta từ từ giải quyết. Còn nếu khi nghe xong vẫn không hiểu nhau, tốt nhất, chúng ta nên tách nhau ra. Có nghĩa là ở riêng, đừng chịu đựng nhau để rồi mối quan hệ rạn nứt đẩy đi xa, cả gia đình đều khổ.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Theo T.Lê/ Vietnamnet