Chí Trung: “Tôi chưa bao giờ xem phim Việt, kể cả phim của mình”

Google News

Đóng khá nhiều phim nhưng nghệ sĩ Chí Trung nói rằng, anh chưa bao giờ xem phim Việt, kể cả phim của chính mình.

Sụt 7kg từ khi làm Giám đốc
Dạo này nhìn anh có vẻ xanh xao và gầy đi thì phải?
- Tôi sụt 7kg kể từ khi làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Thế nên, Ngọc Huyền (bà xã của nghệ sĩ Chí Trung - PV) không thích tôi làm lãnh đạo. Từ ngày tôi nhậm chức Giám đốc Nhà hát, mọi thứ bị sao nhãng đi, từ sức khỏe, thời gian dành cho gia đình và một số thứ xyz không được như ý nên "nghệ sĩ Ngọc Huyền không thích điều này".
Bận rộn vậy mà sao anh vẫn có thời gian để tham gia các dự án bên ngoài, như với phim "Ghét thì yêu thôi" của đạo diễn Trịnh Lê Phong sắp ra mắt đây...
- Đài Truyền hình Việt Nam có hai đạo diễn mà tôi rất yêu mến và tin tưởng là Trịnh Lê Phong và Đỗ Thanh Hải. Với họ, chưa cần đọc kịch bản thì tôi cũng đã nhận lời vì tôi tin là các bạn ấy sẽ không mời tôi những cái vớ vẩn. Tiền cũng không cần bàn, trước nay đều thế. Nhưng ngược lại có rất nhiều đạo diễn mời, tôi đều yêu cầu cho xem kịch bản và xem xong thì “té” luôn.
Trước đó, tôi cũng tham gia đc các dự án phim dài 40 tập với vai ông trùm, tái hiện lại cuộc đời Năm Cam nhưng không giống như phim “Người phán xử”. Rất mừng là nó không thành công vì không ai biết đến.
Cụ thể với "Ghét thì yêu thôi", anh vào vai gì?
- Vai một ông có tên là Quang quác - tay buôn đồ giả cổ. Tôi tuy là giám đốc một nhà hát, cũng tử tế trong gia đình và sống tương đối tốt với anh em nghệ sĩ, nhưng không hiểu sao các đạo diễn phim ảnh cứ hay mời tôi vào những vai "khốn nạn" hay những vai chả tử tế gì. Chắc họ nhìn thấy điều không tử tế ở nơi tôi chăng? Cũng hơi buồn nhưng phải chấp nhận thôi. Ông Quang quác là vai phụ nhưng lại chi phối nhiều đến tuyến nhân vật chính. Thú vị là lần đầu tiên tôi đóng cặp với Vân Dung, dù hai anh em thân nhau ngoài đời và cùng nhà hát bao nhiêu năm nay. Nếu các bạn hỏi tôi nhận xét về vai diễn của mình thì tôi sẽ không bao giờ làm các bạn hài lòng, vì tôi chưa bao giờ xem phim Việt Nam, kể cả phim của mình.
Vì sao vậy?
- Vì tôi thấy nó vớ vẩn.
Anh nói thẳng như thế mà không sợ các đạo diễn - những người đã mời anh vào phim chạnh lòng sao, nhất là khi dù không thích nhưng anh vẫn nhận lời tham gia mà...
- Họ chạnh lòng nhiều lắm rồi nên chán chả thèm nghĩ nữa đâu. Có lẽ vì thế mà ít đạo diễn muốn mời tôi làm phim. Nhưng khi đã nhận lời thì nguyên tắc của tôi là vì thích đạo diễn, diễn viên đóng chung và không cần bàn đến cát-sê. Còn nếu kịch bản dở thì phải là tiền rất cao.
Cái gì số đông thích thì đó chính là nghệ thuật
Trấn Thành từng bị dư luận “ném đá” dữ dội vì phát ngôn "khán giả không thích xem tôi diễn thì hãy tắt ti vi đi". Bây giờ, một nghệ sĩ tên tuổi như Chí Trung lại nói rằng "phim Việt Nam vớ vẩn". Anh không sợ mình cũng sẽ bị khán giả tẩy chay, đồng nghiệp lên án sao?
- Xưa nay tôi vốn là người không biết dùng mỹ từ và nổi tiếng nói thẳng. Tôi nghĩ không vì thế mà nó làm tôi xấu hơn đi.
Tức là anh cũng không cần khán giả?
- Tôi không cần. Công việc của tôi là sân khấu, phim ảnh với tôi chỉ là cuộc dạo chơi, là người làm thuê thôi. Nếu bạn hỏi sân khấu thì lại khác nhé. Khi đóng phim, tôi làm với tâm thế vì yêu thích đạo diễn, diễn viên, thích câu chuyện đó nhưng tôi không giấu chuyện tôi không xem phim Việt Nam để được các đạo diễn mời mình. Những người mời tôi họ cũng hiểu tôi có lý do để không thích mà. Đóng là một chuyện thôi, ngoài ra nó còn là cách dựng nữa mà những thứ nó không phụ thuộc vào mình. Tôi cũng không thích tiết tấu trong phim Việt vì quen xem phim Mỹ rồi. Tôi học đạo diễn sân khấu cũng là qua phim Mỹ, để hướng về khán giả nhiều hơn. Những ai đã xem những vở kịch Lưu Quang Vũ do tôi dựng sẽ thấy, tôi làm bằng hơi thở của chính tôi. Nó có thể hay hoặc chưa hoàn toàn theo góc nhìn của mỗi người nhưng chắc chắn một điều là tôi đã hướng đến góc nhìn của khán giả.
Vì khán giả, anh có thể làm cả đêm nhạc Bolero?
- Đúng vậy. Nhà hát Tuổi trẻ vừa làm đêm nhạc Lam Phương và tối 2/9 sẽ làm đêm thứ hai. Tôi tự thụt lùi để tiến lên vậy - nếu như theo cách hiểu của ai đó, rằng Bolero là sự thụt lùi. Hãy cho tôi nói dài một chút về Bolero. Bolero cũng như hài kịch không hề sai, đó là nhu cầu của khán giả. Nó chỉ sai trong định hình của từng cá nhân. Vì họ đang nói về cái họ không thích. Nhưng ở đây cần phải hiểu, bản chất của nghệ thuật là phục vụ khán giả. Khi số đông thích thì đó chính là nghệ thuật. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nghệ thuật là phục vụ cuộc sống. Đừng nghĩ đó là xấu, là sự thụt lùi. Chỉ có điều, trong quá trình phục vụ ấy thì nhân cách, tri thức, năng lực của nghệ sĩ đến đâu thì chúng ta sẽ đánh giá đến đó, dựa trên sản phẩm mà họ mang đến.
Thực tế mấy chục năm làm nghề cho tôi thấy, nghệ thuật là phục vụ khán giả, là tái tạo cuộc sống. Tuy nhiên, không phải cái gì liên quan đến nghệ thuật cũng là tác phẩm văn hóa, có cái chỉ là sản phẩm văn hóa thôi. Đầu tiên phải là sản phẩm văn hóa đã, nó như món ăn của công chúng vậy. Còn tác phẩm văn hóa chỉ được công nhận khi khán giả yêu mến, tôn vinh và có sức lan tỏa. Đừng đánh giá thấp khi cái gì đó được số đông yêu mến, vì khán giả bây giờ lãnh cảm lắm, để được họ yêu không dễ đâu. Tôi hay nói với diễn viên của mình rằng, khán giả đang hơn chúng ta rất nhiều lần. Các em không học hỏi, không cập nhật xu thế phát triển thì sao bằng họ được để mà phục vụ.
Cách tiêu diệt nghệ thuật nhanh nhất: Mời xem miễn phí
Vậy sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ ở thời anh làm giám đốc có điều gì khác với thời của NSND Lê Hùng hay của NSND Phạm Thị Thành trước đây?
- Tôi tập trung phục vụ cho thanh thiếu nhi, thổi một luồng hơi nóng cho diễn viên. Những đêm vắng nhất và đông nhất ở Nhà hát tôi không có chuyện mời khán giả đến xem để “làm màu”. Tôi muốn diễn viên của mình sống cùng với việc chỉ có một hai chục chiếc vé bán ra. Cách để tiêu diệt nghệ thuật nhanh nhất là mời khán giả. Nó cũng giống như việc nếu mình đi ăn mà ăn bằng tiền của chính mình thì sẽ thấy ngon hơn là được người khác mời vậy.
Vậy cái khác đó mang lại sự thay đổi gì?
- Chưa thay đổi gì cả. Nghe chán nhỉ? 2 với 2 trong toán học là 4 nhưng trong cuộc sống, nó không thể là 4 mà là xu thế phát triển của xã hội. Nhà hát Tuổi trẻ vẫn đang tồn tại nhưng chưa phát triển vì nó khó phát triển và có thể nói là không có tương lai. Trước mắt cứ làm tròn vai và sống hết mình với nó đã. Bạn sẽ hỏi, sao sân khấu TP HCM họ sống tốt thế? Thực ra, ở đó còn khổ hơn nhiều. Họ không có sân khấu, phải đi thuê, không có tiền đầu tư cơ bản. Lương nghệ sĩ chỉ 2 – 3 triệu đồng. Nói chung, đâu chỉ Việt Nam và cả thế giới cũng vậy thôi, tôi đi nhiều nơi lắm rồi. Broadway ư? Cả thế giới chỉ được một hai nhà hát như vậy, đừng nhìn vào đó mà tủi phận.
Đó cũng chính là lý do mà Nhà hát Tuổi trẻ đang có sự chuyển hướng sang việc tổ chức các đêm nhạc Bolero?
- Không phải là sự chuyển hướng gì cả mà chúng tôi đang đi theo dòng chảy chung thôi. Vì Nhà hát Tuổi trẻ có hai bộ phận là kịch và ca. Muốn mở khóa trong trái tim mọi người là ca chứ không phải kịch. Kịch là phải có sân khấu hình hộp, còn ca thì bất cứ khi nào bạn muốn cũng hát được và ngay cả khi không hát thì ca từ vẫn luôn ngân lên trong mỗi trái tim. Tôi hiểu điều đó nên muốn mở cái khóa ấy ra. Nhưng tôi không ngộ nhận đến mức một mình có thể làm được. Phải có tài trợ. Vừa rồi Nhà hát ký được một gói tài trợ 10 tỷ đồng cho hoạt động từ nay đến năm 2018 nhưng vẫn cần 30 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, tôi sẽ không đi xin mà chọn cách huy động nguồn lực xã hội hóa. Làm sao để ngẩng mặt nhìn trời xanh chứ đừng cúi xuống để tìm tiền.
Cảm ơn nghệ sĩ Chí Trung về cuộc trò chuyện!
Ngay sau khi bộ phim gây sốt “Người phán xử” kết thúc, khán giả truyền hình sẽ được thưởng thức một bộ phim mới lạ: “Ghét thì yêu thôi” của đạo diễn Trịnh Lê Phong. Kịch bản hấp dẫn, hiện đại, dàn diễn viên đầy ấn tượng kết hợp giữa những diễn viên trẻ và sự trở lại của những gương mặt gạo cội hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả những phút giây thú vị. Phim dài 28 tập sẽ lên sóng vào lúc 21h30 thứ Tư, thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ 6/9.
Theo Minh Nhật/Giadinh.net