Trước nhu cầu xã hội cũng như chuẩn bị cho việc Bộ luật Dân sự 2015 sắp có hiệu lực, trong đó có điều luật cho phép chuyển giới tính (CĐGT), Quốc hội đã giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Luật CĐGT. Những thông tin tại hội thảo: “Chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính phục vụ cho việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính” vừa được Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức sáng qua (24/5) tại Hà Nội càng cho thấy tính bức thiết của vấn đề.
|
Dù là “hoa hậu” nhưng HysaB cho biết cô phải làm rất nhiều nghề để sống, thậm chí cả hát đám ma. |
“Hoa hậu” đi hát đám ma
Tham dự hội thảo, Đào Tú Anh một người vừa CĐGT từ nam sang nữ cách đây 2 tháng kể, để thực hiện được mơ ước của mình, không chỉ “vật vã” tìm hiểu, phẫu thuật chuyển giới, điều trị hoocmon, Tú Anh còn gặp vô vàn rắc rối khác về tâm lý, sức khỏe, đặc biệt là khi đi xin việc.
Tú Anh cho hay đã đi rất nhiều nơi xin việc nhưng không nơi nào đón nhận vì lý do “không biết bố trí công việc nào cho những người nam không ra nam, nữ không ra nữ như em”.
Hoàn cảnh tương tự là HySa B, người được gọi là “Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2015”. HySa B rất “có duyên” với giải thưởng tại các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, trong đó có chương trình Việt Nam Idol.
Cũng qua các sự kiện này, HySa B biết đến các thuốc điều trị nội tiết và bắt đầu điều trị hoocmon từ năm 2015. Lần đầu điều trị hoocmon không gặp vấn đề gì, nhưng đến lần thứ hai HySa B bị áp xe vú, phù nề tay. Hỏi những người đi trước, được biết đó chỉ là những biến chứng nhỏ nên HySa B tiếp tục sử dụng.
HySa B cho biết, mỗi lần tiêm hoocmon, cảm giác rất khó chịu. Người thì mệt mỏi, lúc nào cũng ở trạng thái buồn ngủ, đói là phải ăn ngay, không thì không chịu được. Hiện HySa B chưa phẫu thuật CĐGT nhưng vẫn mong muốn được chuyển giới để được sống thật với mình.
HySa B chia sẻ: “Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi và một số người cùng hoàn cảnh phải làm rất nhiều nghề như hát đám ma, múa lửa và nhiều công việc “bên lề” tế nhị khác không tiện nói”.
Dù là “hoa hậu”, HySa B vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình xin việc, và càng khó có cơ hội vươn lên để có vị trí trong xã hội. “Tôi muốn làm những công việc bình thường như bao người khác với mong muốn xã hội sẽ có cái nhìn thiện cảm đối với những người như tôi”, HySa B bày tỏ.
Từ thực tế trên, những người chuyển giới dự hội thảo đều có chung mong muốn được sống thật với giới tính, con người của mình và được xã hội công nhận. Muốn vậy, theo họ, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng thảo luận cụ thể về những vấn đề này. Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng luật cần quy định rõ ràng hơn về vấn đề hộ tịch, tạo điều kiện cho những người CĐGT, không chuyển giới được công nhận… “Có không ít người đã CĐGT rồi nhưng gặp vô vàn “rào cản” về pháp lý, khiến họ sống dở, chết dở, không biết mình là ai”, một người phát biểu.
Nhu cầu bức thiết
TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, dù Luật chưa cho phép nhưng vẫn có rất nhiều người cố tình tìm sang nước ngoài phẫu thuật CĐGT. Cũng bởi luật không cho phép nên họ phải phẫu thuật ở những cơ sở “chui”, rủi ro rất cao. Cùng với đó là vô vàn ẩn họa khác từ việc tự mách nhau sử dụng thuốc nội tiết, hoocmon…
Không chỉ thế, sau khi CĐGT về Việt Nam, họ còn gặp khó khăn trong việc công nhận nhân thân, gặp những trở ngại trong hoạt động giao dịch hàng ngày. Cũng chính vì sử dụng các nguồn hoocmon “trôi nổi”, không đảm bảo, đã có trường hợp tử vong do sử dụng hoocmon không đúng liều. “Rồi sau khi CĐGT, nếu sinh con bằng phương pháp khoa học thì ai sẽ là bố, ai là mẹ; đi đứng, vệ sinh thế nào… cũng là những vấn đề phải quan tâm. Chính vì những lý do trên, việc xây dựng một đạo luật chuyên ngành là một nhu cầu vô cùng bức thiết”, ông Quang nói.
Nhưng để ban hành luật này là một vấn đề không đơn giản. TS Quang cho biết, hiện có rất nhiều luật liên quan đến vấn đề này (Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự…).
Như Luật Hôn nhân và Gia đình vẫn chưa cho phép hôn nhân đồng giới. Liên quan đến Luật Nghĩa vụ quân sự, hiện luật này mới quy định nam đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự, chứ không đề cập đến người chuyển giới. Pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam đối với người đồng tính, chuyển giới cũng chưa được quy định rõ.
Ông Quang đưa ra câu hỏi: “Chúng ta nên sửa một loạt các luật rồi chờ Luật CĐGT ra đời, hay xây dựng Luật CĐGT rồi mới tiến hành sửa đổi các văn bản pháp luật kia?”.
TS Quang cho hay Quốc hội đã thông qua và giao Bộ Y tế xây dựng Luật CĐGT. Theo lộ trình, dự án Luật sẽ xây dựng và trình Chính phủ vào năm 2018. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua cuối năm 2018 đầu năm 2019.
Trước mắt, Bộ Y tế sẽ phải nghiên cứu, giải trình về tính cấp thiết, mục tiêu của luật, những vấn đề xã hội nảy sinh, tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện công việc này. Bên cạnh đó, tính hợp hiến, hợp pháp của điều luật cũng phải xem xét tới.
Mời quý độc giả xem video 5 nạn nhân phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng (nguồn Youtube):
Theo Báo Pháp Luật