Tôi ít xem truyền hình, gameshow càng không xem
Là người từng ngồi ghế giám khảo một vài chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, Tùng Dương nghĩ gì về nhận xét của nhạc sĩ Phú Quang: "Truyền hình Việt Nam đang làm náo loạn nhạc Việt"?
|
Ca sĩ Tùng Dương cho hay, vô tuyến truyền hình sẽ làm ảnh hưởng, lung lạc tới giá trị thế hệ con, cháu chúng ta. |
Điều dở là của các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế âm nhạc là lấy đó làm thước đo âm nhạc, mà không nhìn những tác phẩm được sáng tạo thực sự từ các nhạc sĩ.
Tôi không định kiến các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nhưng hình thức lại luôn dùng chiêu trò, scandal. Kết quả từ các gameshow, ví dụ tài năng thực sự lại luôn được nhà sản xuất xếp sau bởi những lý do khác, khiến kết quả cuộc thi không thuyết phục được khán giả. Đấy chính là lý do ảnh hưởng tới mặt tích cực của nền âm nhạc Việt.
Tôi nghĩ gameshow nào cũng có tính hai mặt. Cũng không thể phủ nhận có những gameshow có những tích cực, tạo ra những giải trí mới mẻ cho công chúng. Tất cả những gameshow khi mới phát sóng đều gây được tò mò, hứng thú cho công chúng bởi tính mới mẻ và giải trí. Thế nhưng, càng về cuối các gameshow càng đuối, gây thất vọng cho công chúng.
Tôi đồng tình với quan điểm của nhạc sĩ Phú Quang, đặc biệt là khi nhạc sĩ nói, có những bạn trẻ một nốt nhạc bẻ đôi không biết cũng ngồi làm giám khảo.
Hiện tại, tôi cũng ít xem truyền hình, các gameshow tôi càng không xem. Bởi tôi cũng từng là người tham gia gameshow nên tôi biết, có những điều này, điều kia và không tạo ra những giá trị giúp cho âm nhạc phát triển. Đồng thời gameshow cũng gây ra những xáo trộn nhất định trong thị trường âm nhạc.
|
Ca sĩ Tùng Dương cho biết, gameshow cũng chỉ là một chương trình, xu hướng xã hội hóa thay đổi hình thức biểu diễn, hình thức thi cử trong âm nhạc. |
Tùng Dương nghĩ tác động của các gameshow âm nhạc có tác động như thế nào tới thế hệ trẻ?
Một điều các bạn trẻ chưa nghĩ ra, để trở thành ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp thực sự, thì cần rất nhiều thứ, chứ không chỉ là nhờ xuất hiện trên các gameshow trên truyền hình là đã có thể nổi tiếng trở thành một ca sĩ thực thụ. Không phải vậy, đấy mới chỉ là bề nổi của con đường âm nhạc mà các bạn đang đi. Sâu bên trong, các bạn trẻ phải nên biết, phải có kiến thức âm nhạc, phải được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ thì cần có kinh nghiệm để thẩm thấu, trải nghiệm trong cuộc sống thì mới có thể phân biệt được đúng sai, hay dở khi ngồi ở vị trí giám khảo.
Tôi nghĩ gameshow cũng chỉ là một chương trình, xu hướng xã hội hóa thay đổi hình thức biểu diễn, hình thức thi cử trong âm nhạc. Và ở các cuộc thi đó, dường như họ đưa ra tiêu chí rất mù mờ đối với cuộc thi cũng như các thí sinh.
Hơn nữa cũng chia sẻ thật, tôi cam đoan những cuộc thi cử kiểu đó luôn có sự can thiệp của nhà sản xuất, không thể trong sáng hoàn toàn. Chính vì vậy mà có sự tiếc nuối cho người này, người kia không giành được quán quân.
Từ tiêu chí mong manh đó, khiến những người nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc có thể chưa tin tưởng vào những gameshow đang phát triển như hiện nay. Các nghệ sĩ làm nghệ thuật thực sự luôn hoài nghi về cuộc thi đó. Tôi nói điều này có thể sẽ lại bị “ném đá” nhưng tôi chấp nhận và nghĩ cũng đã đến lúc mình cần lên tiếng.
Nhà sản xuất chương trình nên "có tâm"
Như Tùng Dương vừa chia sẻ, tất cả những gameshow khi mới phát sóng đều gây hứng thú cho công chúng thế nhưng, càng về cuối lại càng đuối gây thất vọng cho công chúng. Nghiệm ra các gameshow, đã và đang phát sóng điều đó quả không sai?
Chính xác. Bởi các gameshow về cuối đã không theo số đông khán giả. Không còn sự hấp dẫn, bởi đó chỉ là các chiêu trò, chứ không phải chỉ có âm nhạc. Trong khi đã là chiêu trò cũng chỉ lần 1 khán giả còn đồng tình, ủng hộ và tò mò, nhưng chiêu trò nhiều hơn nữa khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.
Nhìn lại các gameshow âm nhạc, không có chương trình nào đạt được giá trị về chân, thiện, mỹ.
Tôi nghĩ truyền hình với ngày xưa là phương tiện hữu hiệu để chúng ta cập nhật thông tin. Nhưng bây giờ, tôi lo ngại khi truyền hình sẽ làm ảnh hưởng, lung lạc tới giá trị thế hệ con, cháu chúng ta. Những ca khúc, giai điệu nhạt nhẽo, ca từ khó hiểu, không có ý nghĩa, nội dung tác phẩm ít có tư tưởng, tính nhân văn…vẫn được xuất hiện trên truyền hình, vẫn được quảng bá, PR một cách hồn nhiên, vô tư.
Có thể điều này sẽ không nhìn thấy nhãn tiền ngay, kết quả của tác hại tới thế hệ trẻ. Nhưng theo năm tháng, cách chúng ta cứ hồn nhiên phát sóng, đưa sự lệch lạc âm nhạc thì vô hình chung các thế hệ con, cháu chúng ta sẽ ngấm dần dần và vô thức nghĩ rằng đó là chuẩn mực của âm nhạc. Thẩm mỹ âm nhạc đó là đúng đắn.
Điều đó khiến tôi rất sợ, khi mà tôi cũng đã có con, tôi lo ngại cho cặp mắt, đôi tai của cháu. Và chắc chắn tôi sẽ không để con mình xem những chương trình đó, thậm chí cấm con xem tivi, hoặc chỉ được phép xem những chương trình nào đáng xem.
Theo Tùng Dương các nhà sản xuất tổ chức chương trình cũng như Đài THVN nên có giải pháp như thế nào?
Theo tôi, nhà sản xuất cũng như Đài THVN nên có tâm một chút, có trách nhiệm để tổ chức các gameshow sạch. Chứ đừng nên lợi dụng các scandal, những hớ hênh trong ăn mặc, lời nói hay phía sau hậu trường của các thí sinh để thu hút của khán giả, gây ‘”bão” trong dư luận. Đó là điều không nên.
Nói như thế, nếu năm nay tiếp tục được mời làm giám khảo một gameshow nào đó, Tùng Dương liệu có nhận lời?
Năm nay, kế hoạch âm nhạc của tôi khá dày đặc, nên cũng chưa thể nói được có nên nhận lời hay không nhận lời nếu được mời. Tuy nhiên, nếu như được mời, tôi cũng sẽ chọn lọc chương trình gameshow. Vì, tôi không muốn, ngồi ở vị trí giám khảo, gây dựng điều tích cực nhưng vẫn thua bởi điều tiêu cực. Hay ngồi đó mà không có quyền quyết định cho những tài năng, thực chất của thí sinh đó.
Xin cám ơn Tùng Dương!
Theo Thanh Hà/Dân Việt