Chỉ trong 3 năm, truyền hình thực tế Việt sản sinh rất nhiều cuộc thi riêng biệt về bolero: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng Bolero, Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca… Chưa kể, nhiều game show khác cũng sử dụng phần lớn các ca khúc nổi tiếng của bolero như Ban nhạc quyền năng, Thần tượng tương lai, Hát mãi ước mơ, Hãy nghe tôi hát…
Sự “sống lại” của bolero đã lan tỏa rộng rãi đến mọi ngóc ngách của đời sống thường nhật. Không chỉ có game show, nhiều đêm nhạc bolero cũng nở rộ ở khắp các thành phố lớn. Ca sĩ đều chạy theo trào lưu để hâm nóng tên tuổi.
Vậy, “sự trỗi dậy” của thể loại này đã tác động thế nào đến thị trường âm nhạc những năm qua? Những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của Bolero sẽ được mổ xẻ trong chuyên đề: Bùng nổ Bolero: Bước lùi của nhạc Việt?
Bùng nổ bolero sẽ dẫn đến bội thực?
Do tính chất đặc trưng của thể loại bolero là dễ nghe, dễ hiểu và dễ thuộc nên đối tượng phần lớn là khán giả đại chúng. Sau “phát pháo” đầu tiên giúp bolero “sống lại”, loại hình này bắt đầu giai đoạn hưng thịnh vì nhà nhà, người người đều nghe bolero, tạo thành trào lưu lan rộng trên khắp cả nước.
|
Quý Bình và Minh Luân đắt show ca hát sau cuộc thi Tình Bolero. |
Anh Hồng Sơn, biên tập âm nhạc, nhận định rằng bolero diễn tả tâm tư, tình cảm một cách da diết và bình dân nên ai cũng có thể cảm nhận và hát được. Thể loại âm nhạc này rất đặc trưng bởi nó dễ đi vào lòng người và tồn tại qua nhiều thế hệ.
Trong khi đó, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết bolero hay các loại hình âm nhạc khác đều giống nhau nhưng có thời gian bị lãng quên do hoàn cảnh tác động. Ông nói rằng, trước đây Nhà nước không cấp phép cho nhiều ca khúc nên người nghe, đặc biệt giới trẻ không được tiếp cận nhiều với bolero. Đến khi chính sách dần cởi mở, thể loại này lại bùng nổ.
|
Đàm Vĩnh Hưng tổ chức live show bolero ở cả Hà Nội và Sài Gòn. |
Danh ca Giao Linh cũng nhìn nhận sự bùng phát của bolero không quá bất ngờ. Theo “Nữ hoàng sầu muộn”, bolero đi sâu vào lòng khán giả Việt Nam từ lâu nay, giờ “sống dậy” là điều hợp tình.
Cùng chung quan điểm, Đàm Vĩnh Hưng nhận định: “Vòng xoay âm nhạc luôn thay đổi, cứ vài năm xoay theo chiều hướng mới. Có khi nhạc trẻ lên nhanh, rất mạnh bạo hoặc có thời gian nhạc hải ngoại chiếm lĩnh mọi diễn đàn. Nhưng sau thời kỳ đỉnh cao lại thoái trào. Bolero bùng nổ là chuyện thường tình”.
“Thế nhưng, tôi lo sợ rằng phong trào này sẽ sớm tàn. Vì bây giờ cái gì cũng bolero, nhà đài đua nhau phát chương trình có bolero rồi "đẻ" thêm nhiều cái mới như remix bolero chẳng hạn. Nhưng giá trị của nó không nằm ở sự đổi mới”, anh Hồng Sơn bày tỏ quan điểm.
Bolero phát triển sẽ khiến âm nhạc Việt Nam đi lùi?
Có không ít nhạc sĩ tên tuổi từng nhận định sự phát triển của bolero sẽ làm âm nhạc Việt Nam trì trệ. Thế nhưng, nhạc sĩ Vinh Sử khẳng định: “Bolero chỉ gây ồn ào chứ không làm ảnh hưởng thị trường. Âm nhạc không có tội gì cả, chỉ có con người làm ra cái này cái kia thôi”.
Trước câu hỏi về việc bolero có cản trở sự phát triển của âm nhạc nước nhà hay không, tác giả Không giờ rồi kiên quyết bảo vệ quan điểm: “Làm gì mà cũ kỹ. Không bao giờ có chuyện hát bolero sẽ làm cũ kỹ bởi nhạc nào cũng có giá trị riêng của nó”.
Về phía danh ca Giao Linh, bà từ tốn nói rằng cứ để thời gian trả lời, bởi hiện tại bà vẫn thấy bolero có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, người nghe chưa thấy chán.
Trong khi đó, Mr. Đàm nhận định bolero không góp phần mang lại giá trị tích cực hay tiêu cực. “Vì đơn giản đây chỉ là trào lưu, không phải điều gì ghê gớm để thay đổi diện mạo âm nhạc Việt Nam”, anh nhấn mạnh quan điểm.
Vì thế, khi đứng trước câu hỏi bolero có làm nhạc Việt thụt lùi hay không, “Quý ông làng nhạc Việt” đưa ra lập luận: “Vẫn còn nhiều người đang tâm huyết với nhạc trẻ, họ làm theo cách của mình để thích nghi với thế giới như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Isaac, Vũ Cát Tường… Vì đâu phải ở Việt Nam ai cũng hát bolero!
Bolero tồn tại từ lâu nhưng giờ được yêu thích mạnh mẽ thì âm nhạc hiện đại phải xem lại mình đã làm gì để người ta quay lưng lại chưa? Mình đã làm gì để người ta phải tìm lại điều cũ để nghe?. Phải đặt ngược vấn đề, đừng có cái gì cũng đổ lỗi cho bolero là không đúng”.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đùa rằng bolero là "lũ hóa rồ". |
Giọng ca Chiếc vòng cầu hôn tâm sự với anh, bolero rất thiêng liêng, là tài sản quý giá của người xưa để lại cho nên nhạc trẻ ngày nay nên đừng vội đánh giá hay quy chụp. “Những người thường lên án bolero phải tự hỏi lại mình đã làm được gì để người nghe không bị bolero mê hoặc”, Mr. Đàm hùng hồn phát biểu.
Trước ý kiến cho rằng HLV The Voice cũng từng gây tranh cãi khi hát bolero, anh trả lời đanh thép: “Tôi là ca sĩ và tôi được quyền chọn hát những gì mình thích, không ai cấm tôi được cả. Nếu tôi lựa chọn sai, mọi người có quyền loại tôi khỏi cuộc chơi. Tôi chỉ là món hàng, tôi bán, ai vừa mắt vừa tai thì chọn, không thích thì mua thứ khác chứ đừng áp đặt hát bolero phải thế này hay thế kia. Hàng đầy ra đó, cả rổ cả thúng đó mọi người có quyền chọn mà”.
Không những vậy, danh ca Phương Dung từng cảm ơn Đàm Vĩnh Hưng vì anh là người đầu tiên xin cấp phép cho ca khúc bolero. Nói về vấn đề này, nam ca sĩ trải lòng: “Tôi tự thấy mình có đóng góp cho sự trở lại mạnh mẽ của bolero. Tôi cũng không chạy theo phong trào mà làm dự án rõ ràng, quy mô từ Dạ khúc cho tình nhân đến Sài Gòn Bolero và Hưng. Khi còn ở thời kỳ đỉnh cao của nhạc trẻ, tôi đã mạnh dạn bước qua bolero và trở thành người đi tiên phong, mà người đi đầu bao giờ vấp phải rào cản, để boleo vinh quang như ngày hôm nay là tôi có công đấy chứ”.
Khi bàn về sự lớn mạnh của bolero, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết ông không am hiểu thể loại này nên không phát biểu. Nhạc sĩ Nguyễn Cường ngồi cạnh dí dỏm tuyên bố: “Người ta nói bolero là lũ hóa rồ, nhưng sao hóa rồ được. Nếu hóa rồ thì may cho nhạc Việt Nam quá”.
Theo Kim Chi/Dân Việt