>>> Mời quý độc giả xem video giới thiệu phim "Thương nhớ ở ai". Nguồn Youtube: |
|
Sử dụng kỹ xảo đã trở thành xu thế tất yếu của điện ảnh thế giới. Những bom tấn đắt khách như Star Wars, King Kong, Transformers, Gravity, Inception, Life of Pi... đều gây ấn tượng với những màn kỹ xảo siêu việt, biến những cái không thể thành có thể.
Ở Việt Nam, kỹ xảo áp dụng trong điện ảnh và truyền hình cũng đi theo xu hướng tất yếu, nhưng vẫn còn thô sơ và nhiều hạn chế. Gần đây, những bộ phim về đề tài chiến tranh, nông thôn xưa đã bắt đầu sử dụng kỹ xảo xử lý bối cảnh.
Với phim Việt, quá trình dựng lại các bối cảnh như thật đòi hỏi thời gian và kinh phí rất lớn. Chúng ta không có phim trường. Sản xuất theo hướng di chuyển qua các bối cảnh, có phần nghiệp dư. Ngay cả trường hợp đã chọn bối cảnh nhưng phần lớn lại không toàn vẹn do yếu tố đô thị hoá, hiện đại hoá nên buộc phải xử lý kỹ xảo.
Vẫn có những chuyện cười ra nước mắt khi việc xử lý bối cảnh không kỹ, khi giữa khung cảnh cung đình lính tráng chạy rầm rập, xa xa lại là cột điện cao thế vời vợi. Hay phim lấy bối cảnh nông thôn những năm 40 thế kỷ trước, đường làng đã đổ bê tông, xe máy đi lại...
Theo chia sẻ của nhóm 3D Art, ê-kíp thực hiện hậu kỳ cho các phim Cuộc đời của Yến, Con mắt bão, Ý chí độc lập và mới đây nhất là Thương nhớ ở ai, kỹ xảo được coi là giải pháp tối ưu để tăng tính chân thực, nghệ thuật cho phim và cũng là phương án giảm giá thành sản xuất, nhưng phải làm thật kỹ, tránh những sai sót có tính lịch sử.
|
Một hình ảnh trong phim về đề tài chiến trang Con mắt bão. Ảnh: Chụp màn hình. |
Khó nhất là những cảnh cháy nổ, lũ cuốn
Theo ê-kíp hậu kỳ, với dòng phim lịch sử, cổ trang, về cơ bản bối cảnh không tồn tại. Giải pháp ở đây là phải dựng lại từ đầu. Diễn viên sẽ diễn trên phông xanh với tiền cảnh dàn dựng và hậu cảnh được thay bằng không gian đã phục dựng.
Với các bối cảnh chỉ dùng được một phần (các góc khác đã bị mai một đi nhiều do yếu tố đô thị hóa), giải pháp là quay trước, sau đó thay thế những yếu tố không phù hợp như nhà cửa, cột điện, dây diện…
Cảnh xử lý hậu kỳ khó nhất là là những cảnh cần dùng hiệu ứng đặc biệt như cháy nổ, đổ vỡ, lũ cuốn... Hay nói cách khác là các cảnh phải giả lập, mô phỏng vật lý. Cũng phức tạp không kém là khi phục dựng những không gian không còn tồn tại. Việc này vừa đòi hỏi tỉ mỉ về mặt kỹ thuật, vừa phải đúng với giai đoạn lịch sử đó.
|
Dựng bối cảnh cho phim Cuộc đời của Yến. |
Để thực hiện các cảnh này phải kết hợp rất nhiều phần mềm 3D và phần mềm xử lý hình ảnh. Cụ thể như trong phim Con mắt bão của đạo diễn Văn Lượng, ê-kíp đã phục dựng lại cả dãy phố Hải Phòng xưa, các cảnh cháy nổ phải làm mới, hoặc thêm nhiều hiệu ứng để cháy to hơn. Toàn bộ cảnh máy bay ném bom được làm bằng công nghệ 3D.
Xử lý hơn 2.000 cảnh cho phim Thương nhớ ở ai
Bộ phim Thương nhớ ở ai (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) là phim xử lý hậu kỳ suốt gần 3 năm. Ban đầu, khi tính toán lý thuyết, số cảnh ê-kíp cần thực hiện là 300 nhưng con số thực tế sau đó tăng lên rất nhiều, khoảng 2.000 cảnh.
Khung cảnh nông thôn xưa được đạo diễn gạn lọc từ 18 ngôi làng khác nhau, trải dài từ Hà Tĩnh trở ra. Công việc của ê-kíp là gộp chúng thành một làng, mỗi làng chỉ lấy một hoặc hai góc đẹp nhất.
"Chúng tôi phải làm thế nào để bối cảnh trong 18 ngôi làng đó đồng nhất. Và giải pháp là 18 ngôi làng đều nằm trong khung cảnh non nước đá vôi như kiểu Tràng An, Ninh Bình. Cho nên trong phim khán giả sẽ thấy thú vị khi Chùa Thầy được đặt trong cảnh Tràng An, nhà thờ đổ Nam Định, cầu đá Cự Trữ, làng quê Hà Tĩnh được đặt trong non nước Ninh Bình…", đại diện ê-kíp chia sẻ.
|
Trong Thương nhớ ở ai, đạo diễn nhập 18 ngôi làng làm một. Ảnh: Chụp màn hình. |
Ngoài ra, một số yếu tố hiện đại như nhà lầu phía xa, cột điện, dây điện, chảo thu sóng... đều phải thay hoặc xoá. Ê-kíp phim Thương nhớ ở ai tiết lộ thêm đạo diễn Lưu Trọng Ninh là người cầu toàn, hay sáng tạo thêm nhiều cảnh mới trong quá trình quay, nên họ cũng phải ứng biến theo.
Kỷ niệm hài hước và đáng nhớ nhất với nhóm hậu kỳ là buổi quay bối cảnh ở chùa Thầy. Toàn bộ cảnh phía sau thuỷ đình phải thay bằng cảnh núi đá vôi. Bài toán là phải căng một tấm phông xanh dài 50 m ngang qua hồ.
Do không có thuyền, ê-kíp đã mượn một chiếc thuyền đạp vịt để đi ra giữa hồ trong cái rét 9 độ C. Mới căng xong, 50 m phông lại bị gió kéo mạnh rơi xuống hồ. Cứ thế, ê-kíp lại ngồi thuyền ra căng phông.
"Việc lẫn các yếu tố hiện đại trong quá trình xử lý kỹ xảo là không tránh khỏi. Nhiều lúc đạo diễn, dựng phim, D.O.P đã duyệt nhưng xem lại vẫn phát hiện cột anten, nhà cao tầng ở phía xa... Và lúc đó anh em lại bắt tay vào sửa”, đại diện nhóm hậu kỳ phim Thương nhớ ở ai chia sẻ.
Theo Minh Đức/ Zing