Cục NTBD nói xin lỗi
Ngày 19/5, sau khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó chủ yếu là sáng tác nhạc đỏ nổi tiếng như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Ca ngợi Hồ Chí Minh, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Tiến quân ca...đã nhận được nhiều ý kiến tranh cãi từ dư luận.
Ngay sau đó, đúng như lời ĐBQH Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với Đất Việt bên lề hành lang Quốc hội, sáng ngày 23/5, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD đã lên tiếng xin lỗi và xin nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, qua cuộc trao đổi giữa Đất Việt với ĐBQH Phạm Tất Thắng, vẫn còn có những vấn đề sau vụ việc này cần phải được nhìn nhận rõ hơn.
Người Việt ai cũng biết "Tiến quân ca"
Dẫn ví dụ tiêu biểu là bài hát "Tiến quân ca", được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác và phổ biến từ trước cách mạng tháng 8 thành công, theo ông Phạm Tất Thắng, bài hát không chỉ được nhân dân ghi nhận mà còn được Hiến pháp ghi nhận là bài hát thiêng liêng của cả nước, được sử dụng làm Quốc ca. Hiến pháp là đạo Luật quan trọng nhất, khi đã ghi nhận trong Hiến pháp thì không cần một văn bản giải thích nào.
|
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trao đổi bên hành lang Quốc hội |
Giả sử có cần đi nữa, việc giải thích đó là quá chậm, quá muộn vì Hiến pháp của chúng ta, kể cả Hiến pháp 2013 cũng đã có hiệu lực 4 năm nay, chưa kể các Hiến pháp khác.
''Rõ ràng dù bất cứ góc độ nào, giải thích hay không giải thích thì việc có quyết định phổ biến rộng rãi 300 bài hát, trong đó có bài hát "Tiến quân ca" là việc khó lý giải, khó chấp nhận" - ông Thắng khẳng định.
Theo đại biểu Ủy ban Văn hóa, Thiếu Niên và Nhi đồng của Quốc hội, 300 bài hát này phần lớn là của các nhạc sĩ cách mạng, mà những nhạc sĩ đó ngoài việc được phong danh hiệu cao quý nhạc sỹ cách mạng, thì nhiều nhạc sỹ còn nhận được giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, cho chính bài hát đó. Và tất nhiên, thẩm định nhà nước sẽ cao hơn nhiều một giấy phép hành chính của Cục NTBD. Vụ việc này không phải lần đầu, hàng loạt vụ việc trước đó, dư luận đã lùm xùm và lần này là đỉnh điểm, nên phải giải quyết triệt để vấn đề này.
Về giải thích trước đó của Bộ VHTT-DL về sự nhầm lẫn từ ngữ và việc số hóa danh mục bài hát, ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng, giải thích này là không thuyết phục.
''Cập nhật là việc làm thường xuyên, bài "Tiến quân ca" ra đời từ trước cách mạng tháng 8, vì sao bây giờ mới cập nhật? Hay như bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng", một niềm vui của dân tộc Việt Nam, tại sao mấy chục năm nay mới cập nhật?
Những bài hát vốn dĩ đã có sức sống ở trong nhân dân, trong đời sống chính trị - xã hội của người dân Việt Nam suốt bao nhiêu năm vừa qua nên không cần một quyết định hành chính như vậy.
Còn chuyện ứng dụng công nghệ thông tin, đây là thao tác kỹ thuật của cơ quan quản lý, đó là việc của cơ quan chuyên môn, không cần phải công bố. Và cũng không sai khi nói rằng đây là quyết định "thừa giấy vẽ voi", việc làm không cần thiết", ĐBQH Phạm Tất Thắng nhận định.
Cần chỉ rõ "vùng cấm", xóa bỏ giấy phép con
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ĐBQH Phạm Tất Thắng, rõ ràng những bài hát chúng ta hạn chế, cấm lưu hành sẽ ít hơn nhiều so với các bài hát được phổ biến, lưu hành rộng rãi.
Về nguyên tắc người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, nên cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần nêu "vùng cấm", ngoài "vùng cấm" thì được sử dụng, biểu diễn một cách thoải mái.
Thậm chí, cách làm này sẽ tránh được một hậu quả, là mỗi chương trình biểu diễn, chương trình nghệ thuật lại phải xin phép, khi đó lại xuất hiện cơ chế xin - cho, lại hình thành giấy phép con.
|
Ca khúc Tiến quân ca đã sống cùng dân tộc Việt Nam 70 năm qua.
|
Ông Thẳng nói thẳng, vừa qua trong dư luận xã hội xuất hiện một số ý kiến, về việc liệu các giấy phép con có liên quan đến lợi ích hay không?.
"Theo tôi, không loại trừ nguyên nhân có một lợi ích cụ thể, muốn thể hiện uy quyền trong lĩnh vực quản lý, cứ phải xin - cho mới thể hiện được vai trò của mình.
Tôi cho rằng vai trò của Cục NTBD không phải là hạn chế, phổ biến những bài hát nào đó, mà chỉ là hạn chế, phổ biến các bài hát có vấn đề, không phù hợp thuần phong mỹ tục, đưa luôn vùng cấm", ĐBQH này nêu rõ.
Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: "Cục NTBD nên rút kinh nghiệm về cách thức làm việc, nhân dịp này, xem lại quy trình quản lý, quy định đó đã phù hợp hay chưa, nếu chưa phù hợp thì nên nhân dịp này mà sửa đổi quy định chức năng nhiệm vụ về quy trình cấp phép cho phù hợp, để không diễn ra vụ việc tương tự trong tương lai''.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến, trong đó, yêu cầu Bộ VHTT-DL phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.
Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Theo Châu An/Đất Việt