Khi tự sát có tính lây lan, việc mô tả chúng trên các sản phẩm giải trí mà không cảnh báo, cân nhắc kỹ đến mức độ ảnh hưởng hoàn toàn có thể làm người xem bắt chước theo.
Tối 29/4, MV mới nhất của Sơn Tùng M-TP biến mất khỏi nền tảng YouTube sau chưa đầy một ngày phát hành. Trước đó, video này đạt khoảng 8 triệu lượt xem cùng 600.000 lượt thích sau khoảng một ngày đăng tải.
Trước đó, There's No One At All vấp phải phản đối dữ dội bởi hình ảnh bạo lực, không dán nhãn cảnh báo độ tuổi. Trong đó, gây tranh cãi nhất là phân cảnh nam chính tự tử ở đoạn kết.
Được coi là một chất liệu đời thực, chuyện tự sát hay cảm giác tuyệt vọng, muốn chấm dứt cuộc sống từng được đề cập trong nhiều tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm giải trí.
Chủ đích của người sáng tác, người viết truyện, nhà sản xuất có thể đơn thuần chỉ là kể lại một câu chuyện người trong cuộc trải qua hay nêu lên một vấn đề chung trong xã hội.
|
Trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi báo cáo (report) MV mới của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vì cho rằng nội dung video cổ súy hành động tự sát.
|
Song, nếu không cẩn trọng và xem xét kỹ trong việc truyền đạt, diễn giải, mục đích muốn truyền tải thông điệp tích cực ban đầu hoàn toàn có thể đem lại tác dụng ngược với đối tượng chịu ảnh hưởng chính là khán giả.
Ranh giới giữa phản ánh và cổ súy vốn mong manh, nhất là khi tự sát có tính chất lây lan và bắt chước.
Mô tả quá chân thực
Đầu những năm 2000, MV Everytime của Britney Spears bị phản đối vì chứa một cảnh khiến người xem liên tưởng đến tự sát. Trong đó, nữ ca sĩ nằm trong bồn tắm, bên cạnh là những chai thuốc ngủ.
Cũng giống như Sơn Tùng M-TP, Britney là cái tên nổi tiếng nhất và có đông đảo lượng fan trẻ tuổi vào thời điểm đó.
Lên tiếng bảo vệ sản phẩm của mình, Britney cho hay phân cảnh cô qua đời trong MV là do tai nạn, không phải tự tử. Nữ ca sĩ tuyên bố thêm bản thân không cổ súy hành động tự vẫn và khuyến khích những người có mong muốn như vậy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp.
Sau cùng, Britney đã thay đổi lại cảnh trong video thành cô bị trượt chân và bạn trai đem đi cấp cứu.
|
"Công chúa nhạc pop" một thời phủ định cảnh cô cố tự vẫn trong MV ra mắt vào năm 2003. Ảnh: US Weekly.
|
Với các MV ca nhạc có chứa phân cảnh tự tử, để các chỉ trích, tranh luận lắng xuống, các ca sĩ thường chọn cách xóa đi tình tiết nhạy cảm và thay thế bằng khung cảnh khác.
Tuy nhiên, cũng có nghệ sĩ chọn giữ nguyên ý tưởng của mình.
Năm 2011, MV F**kin’ Perfect của nữ ca sĩ P!nk kể về câu chuyện của một cô gái bị cô lập, bắt nạt và làm trộm cướp trước khi trở thành một nghệ sĩ thành công.
Trong đó, cảnh nữ chính rạch tay kéo dài gần 30 giây được mô tả kỹ.
Bất chấp những phản đối, nữ ca sĩ vẫn khẳng định mục đích của bài hát là nhằm khuyến khích mọi người vượt qua nỗi đau và tiến lên phía trước.
"Tự tử là một vấn đề và chúng ta cần nói về nó. Các bạn có thể ngó lơ nó, chọn bỏ qua video của tôi nhưng điều đó không làm tự tử biến mất. Tôi không ủng hộ hành động tự vẫn mà ủng hộ những đứa trẻ lạc lõng ngoài kia", cô viết.
Trên thực tế, dù mục đích ban đầu là tốt đẹp, người hay ê-kip đứng đằng sau cần có cách xử lý khéo léo khi đề cập đến chi tiết tự tử trên phương tiện hay các sản phẩm truyền thông.
Ví dụ như luôn kèm theo thông tin phòng chống, khuyên nhủ kèm nguồn tư vấn, tránh thi vị hóa chuyện tự tử… Nếu không, họ cũng có một phần trách nhiệm khi làm trầm trọng thêm vấn đề, bởi không ít tình huống đời thực đã đi ra từ phim ảnh.
|
11 năm sau khi ra mắt, cảnh cô gái rạch tay trong MV của P!nk vẫn được giữ nguyên. Ảnh: Billboard.
|
Tác dụng ngược
Năm 1974, cuốn sách Nỗi đau của chàng Werther ra mắt độc giả, miêu tả cảnh nhân vật chính dùng súng để chấm dứt cuộc đời mình. Không lâu sau đó, những vụ ra đi với cùng cách thức tương tự diễn ra ở châu Âu.
Từ đó, khái niệm “hiệu ứng Werther” ra đời, chỉ việc tự sát của một hoặc nhiều người có thể góp phần làm gia tăng hành vi tự sát ở những người khác, đặc biệt là những cá nhân đã có ý định hoặc nguy cơ tự làm hại chính mình.
Tới năm 1981, hai tháng sau khi một bộ phim của Đức được trình chiếu, trong đó mô tả chi tiết cách một chàng trai trẻ tự sát bằng cách lao mình vào xe lửa, số các vụ tự tử trên đường sắt tăng lên gấp đôi. Riêng tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15-19 tăng gấp 3.
Một ví dụ mới nhất là series 13 Reasons Why lên sóng vào năm 2017, kể về một thiếu nữ trung học tự đặt dấu kết cho cuộc đời mình vì bị bắt nạt ở trường và để lại 13 cuộn băng tương ứng với 13 lý do cô ra đi.
|
Ở Mỹ, 13 Reasons Why được dán nhãn TV-MA (không phù hợp người dưới 17 tuổi). Một số tập có cảnh báo nội dung nhạy cảm ở đầu phim. Ảnh: New Yorker.
|
Bên cạnh những lời khen của giới phê bình và khán giả về cách khai thác chân thực đời sống học đường, đông người khác chỉ trích bộ phim vì mô tả quá chi tiết về cái chết của nữ chính.
"Ngay từ khi bắt đầu, vì bộ phim truyền tải thẳng thắn những chủ đề khó chịu, nhạy cảm ở giới trẻ nên chúng tôi tin rằng bộ phim sẽ trở thành tác nhân mạnh mẽ cho sự thay đổi nhận thức", đại diện đơn vị sản xuất cho biết.
Theo kết quả nghiên cứu toàn cầu phối hợp với Trung tâm truyền thông và Phát triển con người của Đại học Northwestern (Mỹ) để tìm hiểu tác động của phim đến công chúng, hãng phát hành tuyên bố 13 Reasons Why có tác động tích cực đến suy nghĩ của khán giả và phụ huynh với các số liệu đi kèm.
Báo cáo nhấn mạnh 13 Reason Why giúp nhiều cha mẹ và con cái tuổi mới lớn cởi mở với nhau hơn. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, có tới 75% lượng khán giả trẻ cho rằng phim đã giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn.
Nhiều học sinh từng muốn tự tử tương tự nhân vật chính chia sẻ họ sẽ loại bỏ ý định tự làm đau bản thân. Có 50% người cảm thấy hành động và suy nghĩ của mình trong quá khứ đối với những người khác là sai trái. 75% người cho rằng họ sẽ phải thay đổi cách đối xử với các bạn cùng trang lứa.
Tuy nhiên, câu chuyện thực tế xảy ra vẫn là những ý kiến phản bác rõ ràng nhất.
Vài tuần sau khi bộ phim phát hành, lượng tìm kiếm từ khóa "làm thế nào để tự tử" (how to commit suicide) tăng 26%, "tự tử" (commit suicide) tăng 18% và "làm thế nào để tự sát" (how to kill yourself) tăng 9%, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine.
Tháng 6/2017, tại Peru, chàng thanh niên tên Franco Alonso Lazo Medrano chọn tự sát và để lại một vài băng ghi âm dành cho bạn bè, được cho là bắt chước theo tình tiết của bộ phim.
Trước đó 2 tháng, hai nữ sinh trung học Bella Herndon và Priscilla Chiu sinh sống tại California (Mỹ) cũng tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 15. Gia đình cho biết Bella và Priscilla đều đã xem 13 Reasons Why chỉ vài ngày trước khi tự sát.
Sau những chỉ trích kéo dài 2 năm, đơn vị cuối cùng quyết định cắt bỏ đoạn phim nhân vật chính tự sát vào tháng 7/2019.
Theo Hiền Thy/Zing