Vào tháng Chạp – tháng cuối cùng trong năm âm lịch, chúng ta hay được nghe đi nghe lại câu “tháng củ mật, cẩn thận tài sản”. Thoạt đầu, nhiều người nghĩ củ mật là tên của một loại củ rất quý giá đến mức người ta phải trông ngày trông đêm, đề phòng mất trộm. Nhưng thực ra, chẳng có loại củ nào tên là củ mật trên đời cả.
|
Thực ra, "củ mật" không phải là một loại củ... |
Củ mật thực chất là từ Hán Việt, trong đó "Củ" có nghĩa là đốc trách, xem xét. Người xưa thường nói "củ sát" - tức là kiểm soát theo cách nói ngày nay. Còn "mật" được dùng trong "cẩn mật", ý chỉ sự kín đáo, không để lộ. Vậy, "củ mật" ở đây mang nghĩa "củ sát cẩn mật" - kiểm soát cẩn thận.
Tháng Chạp là tháng mà nhiều người quan niệm rằng hay gặp xui xẻo, dễ mất mát tiền của, hay bị “tai bay vạ gió”. Cũng chính vì lý do đó, các cụ thường gọi tháng Chạp là “tháng củ mật”. Ngày xưa, đến tháng này, quan lại các cấp thường hay nhắc nhở người dân phải cẩn thận đề phòng, các tuần đinh phải tăng cường kiểm soát cẩn mật để ngăn ngừa đạo chích.
Nguyên nhân cũng vì đây là tháng dễ xảy ra mất trộm nhất. Tháng Chạp là tháng sát Tết, ai cũng bận bù đầu, phải đi lại thường xuyên, thức khuya dậy sớm... nên thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, và đặc biệt là cực kỳ buồn ngủ.
Vậy nên, hầu hết cứ xong việc đặt lưng là ngủ say, nhiều khi ngồi còn ngủ gật, cửa nẻo đôi khi quên khóa, xe quên cho vào nhà, đồ đạc, quần áo phơi phóng quên cất dọn... Thêm nữa, nhu cầu mua sắm, hội họp bạn bè ngày giáp Tết tăng, thường xuyên mang nhiều tiền trong người. Vì vậy, nếu lơ là một chút sẽ tạo cơ hội “ngàn vàng” cho đạo chích lộng hành, việc mất tiền, mất của rất dễ xảy ra. Thêm nữa, ngay cả đạo chích tháng này cũng hoạt động “hết công suất” để có một cái Tết no ấm, đầy đủ nên việc mất trộm sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Tháng Chạp thời tiết hanh khô dễ xảy ra cháy nổ trong khi đun nấu, chất lửa sưởi ấm... Vì thế, người xưa hay gọi tháng Chạp là tháng “củ mật” để nhắc mọi người đề phòng cẩn thận chứ không phải vì tháng giáp Tết này ngọt ngào hay ngon lành gì đâu nhé!
Theo Khỏe & Đẹp