Nhưng tại sao CIA lại dấn thân vào một hoạt động được cho là đi ngược lại chính Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ và quy mô của chương trình tra tấn kể trên rộng lớn đến đâu?
Sự thất bại của ngành tình báo
Nhìn lại bối cảnh nước Mỹ sau vụ 11/9, người dân Mỹ hoảng loạn vì cơn ác mộng khủng bố, họ lo sợ vì biết quá ít về những nguy cơ từ mạng lưới Al Qaeda.
Họ thậm chí còn đặt ra giả thuyết rằng rất có thể Al Qaeda có một chi nhánh đang hoạt động tại Mỹ và bất kỳ lúc nào cũng có thể triển khai các vụ tấn công khủng bố tiếp theo và không loại trừ tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Giới chức Washington không biết nhiều về Al Qaeda, cũng như năng lực và ý đồ của chúng. Chính sự thiếu hiểu biết này khiến người ta thường nghĩ tới những kịch bản tồi tệ nhất.
Vì vậy, thu thập thông tin tình báo một cách nhanh chóng nhất trở thành một ưu tiên tối thượng cho an ninh quốc gia Mỹ thời điểm đó. Người dân Mỹ đang ngóng chờ bộ máy an ninh đồ sộ và chuyên nghiệp bậc nhất hành động đáp trả chủ nghĩa khủng bố.
Điều này đã dẫn tới sự cho phép tiến hành việc tra tấn tù nhân vì đây là biện pháp giúp thu được thông tin một cách nhanh chóng, hay ít nhất đó là cách để kéo dài thời gian trong khi tìm kiếm những phương pháp khác. Nói đúng hơn, tra tấn tù nhân thể hiện sự bế tắc của hệ thống tình báo Mỹ sau khi đã không ngăn chặn thành công âm mưu khủng bố của Al Qaeda.
Giới chức Nhà Trắng có thể không chắc việc tra tấn tù nhân có thể phát huy hiệu quả, nhưng họ cũng cảm thấy rằng không có quyền bỏ qua lựa chọn này.
Trong khi đó, giới chức an ninh Mỹ lựa chọn phương pháp tra tấn vì họ đã hứng chịu một thất bại to lớn về mặt tình báo. Sử dụng công cụ tra tấn, do vậy, không phải là một phần của nỗ lực tình báo, mà là sự phản ứng trước sự thất bại của tình báo.
Sự thất bại này bắt nguồn từ một loạt các tính toán sai lầm của CIA trong suốt thời gian dài. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, người ta tin rằng Mỹ không cần phải có nhiều nỗ lực thu thập nhiều thông tin tình báo, trong khi những chuyên gia về Trung Đông của Mỹ đã không hiểu rằng Al Qaeda đã cơ bản trở thành lực lượng khác hẳn thời điểm mà Mỹ hợp tác để đối phó với Liên Xô.
Quy mô lớn và chuyên nghiệp
Trong số rất nhiều những phát hiện của cuộc điều tra do Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ tiến hành về việc CIA sử dụng tra tấn như một công cụ, có một chi tiết rất quan trọng, đó là: CIA đã ủy nhiệm hoạt động “thẩm vấn tăng cường” của mình cho các đơn vị nước ngoài.
Nói cách khác, CIA đã chuyên nghiệp hóa hoạt động tra tấn bằng cách hình thành nên một mạng lưới các trung tâm thẩm vấn ở nhiều nơi trên thế giới.
Chương trình tra tấn của CIA thậm chí còn quy mô hơn những gì vừa được Ủy ban Tình báo Thượng viện công bố. CIA vận hành một danh sách đen các cơ sở giam giữ mật và các nhà tù tra tấn rộng lớn trên khắp thế giới. CIA còn sử dụng một mạng lưới các quốc gia giúp tổ chức tình báo này bắt giữ, vận chuyển và tra tấn tù nhân.
Mạng lưới này nằm trong chương trình truy bắt nghi can khủng bố quy mô lớn với sự tham gia của 54 quốc gia, trong đó có: Australia, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các nước Bắc Phi, Trung Đông, vùng Vịnh, Đông Nam Á… Tuy nhiên, không phải tất cả các nước này đều tham gia trực tiếp vào chương trình tra tấn của CIA.
|
Những nơi CIA đặt các trung tâm thẩm vấn trên thế giới. |
Trong đó, Ba Lan được nhắc tới như là một trong những mắt xích quan trọng của mạng lưới trên toàn thế giới của CIA, nơi các nghi can của Al Qaeda bị giam giữ, thẩm vấn bằng các kỹ thuật mà những nhóm nhân quyền coi là sự tra tấn. Tài liệu của Tòa án Nhân quyền châu Âu tiết lộ CIA đã điều hành một cơ sở mật gần làng Stare Kiejkuty, đông bắc Ba Lan.
Giới thạo tin cho hay Ba Lan dường như đã buộc phải chấp nhận sự tồn tại của nhà tù này để giữ mối quan hệ với Washington, mặc dù họ biết điều đó có thể dẫn tới những cáo buộc về pháp lý.
Sau khi Thượng viện Mỹ công bố báo cáo về chương trình tra tấn của CIA, cựu Tổng thống Ba Lan Kwasniewski đã lên tiếng thừa nhận có một nhà tù của CIA tồn tại ở quốc gia này, nhưng không quên nhấn mạnh dưới áp lực của Vacsava chiến dịch mật đã bị đình chỉ. Nhà tù này được cho là đã hoạt động từ tháng 12/2002 tới mùa thu năm 2003.
Để làm căn cứ hợp tác với Mỹ, Ba Lan đã đề nghị ký một biên bản ghi nhớ về vai trò và trách nhiệm của CIA đối với cơ sở này, song cơ quan tình báo Mỹ đã từ chối.
Một lần, chính phủ Ba Lan từ chối chấp nhận chuyển những tù nhân mới, trong đó có Khalid Sheikh Mohammed (người đã bị CIA tra tấn tới 183 lần), nhưng sau đó đã phải thay đổi quyết định khi đại sứ Mỹ tại nước này can thiệp. Vài tháng sau CIA đã chuyển cho Ba Lan nhiều triệu USD.
Ngoài Ba Lan, để thực hiện được chương trình tra tấn bí mật, CIA đã thu hút một số quốc gia tham gia vào các hoạt động bí mật này. Trong danh sách đen của CIA còn có các trung tâm tại Vịnh Guantanamo, Cuba, Afghanistan (4 cơ sở), ở châu Âu có Romania, Lithuania và châu Á có Thái Lan.
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít những thông tin tiết lộ về chương trình quy mô và mờ ám của CIA mà nhiều người tin rằng điều này chưa phản ánh hết về quy mô và mức độ khủng khiếp trên thực tế của chương trình mờ ám trên, bởi chắc chắn công luận không bao giờ có thể biết hết được về hoạt động ngầm của CIA.
Theo Thái Nguyễn/Báo tin tức