Mai táng lộ thiên ở đảo Bali
Ngôi làng Terunyan (thuộc đảo Bali) nằm bên bờ hồ Batur, quận Bangli (Indonesia) nổi tiếng về phong tục mai táng kỳ lạ đó là mai táng lộ thiên. Những người chết được đưa đến nghĩa trang bằng phương tiện đặc biệt, gọi là xuồng ba lá Pedau.
Sau khi tiến hành các nghi lễ, xác chết được đặt xuống huyệt sâu khoảng 20m nhưng không lấp đất. Xung quanh được dựng lên một hàng rào bằng tre nứa bao bọc như một chiếc lồng thô sơ và đơn giản. Thi hài người chết gần như phơi ra hoàn toàn trước mưa nắng gió sương.
Quá trình phân hủy diễn ra hoàn toàn tự nhiên nhưng không bốc mùi hôi thối. Người dân ở đây cho rằng nhờ cây thần có tên gọi Tarumenyan (một loài cây đặc hữu trong vùng, cùng họ với cây đa), ngay trong khu vực nghĩa trang.
Mộc táng
Tại Tây Tạng, người Nyingchi và Kangbei có tục lệ mai táng trẻ không may chết sớm bằng cách tắm rửa sạch và cho vào một chiếc hộp gỗ nhỏ, mang treo lên cây (mộc táng).
Bé trai được treo trên cao, còn bé gái được mắc ở phía dưới. Bố mẹ hay người nhà thường treo quan tài các bé lên những cây cao mọc trong rừng hay tại các ngã ba của con sông với niềm tin, linh hồn các bé sẽ dễ dàng bay tới thiên đàng và không quay về phá quấy, làm hại những đứa trẻ khác.
Chôn hai lần
Ở Melanesia, cư dân của quần đảo Trobriand chôn người chết đến hai lần. Đầu tiên, họ chôn những người chết xuống đất, sau một thời gian, họ lại đào lên và dùng xương để làm thành các vật dụng gia đình như thìa (muỗng), hay các đồ dùng khác.
Những cư dân này sẽ đặt những đồ dùng làm từ xương người chết trong các hang động đối diện với biển.
Họ tin rằng đây là một hành vi hiếu thảo, vì sau này khi con cái bạn hỏi về một người nào đó đã khuất, bạn chỉ cần nói rằng cha ông của chúng là một cái thìa và nhìn hướng ra biển. Như vậy người ta sẽ không có gì phải sợ hãi mỗi khi nhắc đến những người đã mất.
Thiên táng của người Tây Tạng
Thiên táng (điểu táng) là hình thức mai táng nổi tiếng "rùng rợn" của người Tây Tạng. Thay vì chôn cất người chết trong lòng đất, người Tây Tạng đưa thi thể lên núi làm mồi cho đàn kền kền đói. Hành trình đến nơi an táng bắt đầu lúc sáng sớm.
Các thành viên trong gia đình đi cùng để tụng kinh và chơi nhạc đám ma, nhưng phải giữ một khoảng cách nhất định với người chết. Thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống mặt đá, các rogyapa (người xử lý xác chết) hoặc những bậc thầy chôn cất sẽ đốt cây bách xù để tạo mùi thu hút đàn kền kền và bắt đầu công việc của mình với con dao sắc bén.
Từ tóc đến nội tạng, cuối cùng là các chi của người quá cố được bóc tách và ném cho đám kền kền đói xúm lại. Rogyapa tiếp tục đập dập bộ xương còn lại, sau đó trộn với bột lúa mạch để đàn chim dễ "tiêu thụ hơn".
Kiến táng ở Solomon
Quần đảo Solomon là một đảo quốc của người Melanesia, nằm ở phía Đông của đất nước Papua New Guinea.
Người Solomon có tục mai táng người chết khá độc đáo. Họ mang thi thể người quá cố tới nơi hoang vu, cho những đàn kiến ăn dần cho đến khi hết phần da thịt bên ngoài và chỉ còn trơ lại bộ xương.
Riêng phần hộp sọ sau đó sẽ được thu lượm và đặt trên một hòn đảo nhỏ Nusa Kunda, giống như một khu vực nghĩa trang.
Ngoài ra, mỗi làng thường sẽ có một miếu thờ riêng của mình và họ thường mai táng những thành viên trong làng ở những ngôi đền này. Hộp sọ mang lên đảo thường được đặt theo từng nhóm trong các ngôi mộ chung xây dựng bằng gỗ, đá và các tảng san hô
Tục cõng xác chết của người Xơ Đăng
Theo tập tục của người Xơ Đăng, khi cha mẹ chết, con trai là người phải cõng xác cha mẹ đi chôn để tỏ lòng hiếu thảo. Nếu chẳng may, người con chết trước thì sự thương tiếc của cha mẹ được thể hiện qua việc cõng xác con đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Xác sẽ được chôn trong một cánh rừng già phía tây của làng, nơi vẫn được xem là cánh rừng thiêng, cánh rừng ma của cả làng.
|
Thầy cúng trong đám tang của người Xơ Đăng. |
Trong trường hợp cha mẹ chết đi khi người con còn quá nhỏ, không đủ sức cõng cha mẹ đi chôn thì phải nhờ người khác có quan hệ huyết thống trong dòng họ cõng thay.
Người Xơ Đăng để cõng xác người chết đi chôn. Trong quan niệm tâm linh, người ta cho rằng điều đó sẽ giúp linh hồn người chết dễ siêu thoát hơn.
Không táng của người Bo
Một dãy gồm 113 cỗ quan tài treo có niên đại lên đến 1.200 năm tuổi đã được phát hiện trên bề mặt vách núi đá và bên trong các hang động gần làng Dương Lâm Kiều tại huyện Tỷ Quy, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Nơi đây trở thành một trong những tập hợp mộ táng trên vách đá lớn nhất từng được phát hiện ở Trung Quốc cho đến nay.
Những cỗ quan tài này là sản phẩm của người Bo, một dân tộc thiểu số cư trú rải rác dọc theo biên giới của tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam cách đây 3.000 năm. Người Bo đã biến mất cách đây 400 năm. Mỗi một cỗ quan tài được làm từ một thân cây rỗng, và được bảo vệ bởi một lớp vỏ bằng đồng lúc ban đầu.
Những cỗ quan tài treo cũng đã được tìm thấy tại Sagada, một đô thị trên đảo Luzon của Philippines, và chúng đã được tạo ra bởi một bộ lạc bản địa tên là Igorot.
Theo Dân việt