Những hình khắc lạ mà người dân đồn thổi nằm trên địa bàn hai xã Lao Chải và Chế Cu Nha. Mặc dù khoảng cách giữa hai địa điểm này là khá xa, nhưng những hình khắc là tương đối giống nhau...
Đi tìm hình khắc bí ẩn
Mặc dù đã từ rất lâu, người dân trên địa bàn xã Lao Chải và Chế Cu Nha đồn đại về những hình khắc bí ẩn khắc trên đá, nhưng trong nhiều tư liệu của các cơ quan chức năng địa phương lại không thấy nói gì về việc này.
Một cán bộ Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải xác nhận: "Chúng tôi đã nghe nói đến những hình vẽ này, nhưng chưa tổ chức được cuộc khảo sát chính thức nào nhằm nghiên cứu, đánh giá giá lịch sử và giá trị của những hình khắc đó. Năm 2013, Bảo tàng tỉnh Yên Bái cũng phối hợp với huyện tổ chức đoàn khảo sát. Tuy nhiên, đoàn vừa đến xã Lao Chải thì phải quay trở lại vì trời mưa, đường trơn, không thể tiếp cận khu vực có những hình khắc lạ".
Người duy nhất ở Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải đã từng tiếp cận những hình lạ lạ ở Lao Chải và Chế Cu Nha là ông Nguyễn Văn Trúc. Ông là người thường đi chiếu bóng ở các xã khó khăn phục vụ bà con dân bản nên nghe được nhiều chuyện ly kỳ huyền bí mà người dân kể lại, trong đó có câu chuyện và những lời đồn thổi về những hình khắc kỳ lạ trên các phiến đá. Rồi cái sự tò mò về những lời đồn thổi đó thôi thúc ông băng ngàn lội suối, quyết "mục sở thị" những hình khắc lạ. Tuy vậy, việc tìm hiểu này mới chỉ mang tính cơ học, tức là đi để nhìn cho đã mắt chứ chưa đi đến một đánh giá hay kết luận cụ thể nào.
|
Theo người dân địa phương thì từ lúc cha sinh mẹ đẻ họ đã nhìn thấy hình vẽ lạ lùng khắc trên đá. |
Lần theo những thông tin của nhân dân cung cấp, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Trúc và được ông dẫn đến những ngọn núi cao lưng trời tìm lại dấu tích tiền nhân. Một trong những địa điểm đầu tiên mà chúng tôi tìm đến nằm cách trung tâm xã Lao Chải khoảng 5km. Mặc dù quãng đường không quá xa, nhưng nếu trời mưa thì phải đi bộ, leo núi non nửa ngày đường mới tới nơi.
Rẽ vào một con đường mòn heo hút nằm sâu trong núi, chúng tôi bắt gặp phiến đá có hình khắc lạ. Phiến đá có bán kính khoảng 2,5m cao gần 2m. Trên bề mặt có khắc những vòng tròn hình xoắn ốc, khoảng cách mỗi nét khắc khoảng 1 - 1,5cm. Cách phiến đá lớn này khoảng 15m có một phiến đá khác nhỏ hơn với nét khắc như hình ruộng bậc thang. Theo người dân địa phương, từ lúc cha sinh mẹ đẻ họ đã nhìn thấy những hình khắc kỳ lạ này trên phiến đá. Tuy nhiên, người H'Mông không ai dám phá phách, hay làm tổn hại đến những hoa văn này vì cho rằng đó là "lời nhắn nhủ" nào đó của tổ tiên người H'Mông để lại.
|
Cận cảnh một hình vẽ lạ trên phiến đá ở xã Lao Chải. |
Hình khắc lạ xuất hiện ở nhiều nơi
Theo hướng dẫn của ông Trúc và người dân địa phương, chúng tôi tiếp tục ngược lên đỉnh núi khoảng 1,5km truy tìm những phiến đá có hình khắc lạ. Phía trên núi được đồn đại là có một phiến đá còn giữ được vẻ nguyên sơ như ban đầu. Vì nằm cách xa bản làng nên hòn đá không bị gia súc và trẻ con làm tổn hại. Phiến đá này dài tới gần 3m, rộng 2m, hình chiếc lưỡi cày với duy nhất nét khắc hình ruộng bậc thang.
Theo người dân địa phương thì số lượng những phiến đá có hình khắc lạ lùng ở khu vực này là ít. Nếu đi xuyên núi về hướng Tây Bắc khoảng 10km nữa sẽ thấy cả một bãi đá rộng, trên tất cả những phiến đá ở đây đều có hình khắc lạ. Muốn đến khu vực này phải lựa ngày nắng ráo, chuẩn bị cơm nắm, nước uống... và dậy từ khoảng 5 giờ sáng phi xe máy đến chân núi rồi đi bộ ròng rã khoảng 10km mới đến nơi. Nhiều hôm, trời đang nắng bỗng nổi dông, lốc mưa lớn thì phải ngủ lại trên núi, ngày hôm sau mới về được.
|
Ở huyện Mù Cang Chải có 3 địa điểm tìm thấy hình vẽ lạ, trong đó 2 điểm thuộc xã Lao Chải và điểm còn lại nằm tại xã Chế Cu Nha. |
Ngoài một số khu vực ở xã Lao Chải, trên các ngọn núi cao ở xã Chế Cu Nha người dân cũng phát hiện được 5 - 6 phiến đá có hình khắc lạ. Tuy nhiên, mật độ phân bố các phiến đá có hoa văn kỳ quặc này không nhiều như ở Lao Chải. Diện tích mỗi phiến đá ở đây khoảng 1 - 1,5m. Khu vực này cách trung tâm xã Chế Cu Nha khoảng 10km, muốn tiếp cận được thì phải phải đi bộ, leo núi bất kể trời mưa hay nắng...
Ông Trúc bảo: "Hiện giờ thời tiết đang nắng, đường khô ráo thì mới lên được đến nơi, nếu trời đổ mưa thì chịu, đến con ngựa cũng chồn chân chứ đừng nói đến người. Cách đây ít lâu, đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã phải bỏ dở cuộc khảo sát khi đi được nửa đường thì trời đổ mưa, phải quay trở lại. Kể từ đó đến nay, chưa có thêm đoàn khảo sát nào đến để nghiên cứu xem ý nghĩa của những hình khắc đó là gì? Ai là chủ nhân của những hình khắc lạ lùng đó?".
"Mỗi lần đi chiếu bóng, tôi nghe bà con H'Mông nói trên núi có hình khắc lạ nên cũng muốn lên xem cụ thể ra sao. Rồi những hình khắc đó cứ lôi cuốn tôi một cách kỳ lạ. Sau đó, tôi đã nhờ dân bản dẫn đường đến tất cả khu vực mà họ đồn thổi để tận mắt nhìn thấy những hình khắc mới thỏa lòng. Tuy nhiên, chúng tôi không biết những hình vẽ đó xuất hiện từ khi nào, ý nghĩa thực sự của nó là gì...".
Ông Nguyễn Văn Trúc (cán bộ Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải)
Quách Dương