Tò mò tục thủy táng của người Chăm

Google News

(Kiến Thức) - Theo người Chăm, khi một người chết đi và được thả về với dòng nước mát thì thân thể sẽ hòa vào dòng nước thánh anh linh và được siêu thoát...

Tục thủy táng hoặc hải táng là thả thi thể người đã mất xuống lòng sông, lòng biển. Tục này có từ xa xưa với quan niệm nước là cội nguồn sinh mệnh của con người, nước gắn liền với thần linh, sự bất tử và hạnh phúc. Do đó, khi một người chết đi và được thả về với dòng nước mát thì thân thể sẽ hòa vào dòng nước thánh anh linh và được siêu thoát....

Hồ nước của trời 

Từ trung tâm thị xã Châu Đốc, dọc theo tỉnh lộ 956, qua cầu Cồn Tiên có xóm người Chăm Đa Phước, đi khoảng 30km hướng về cửa khẩu Khánh Bình là Búng Bình Thiên. Khi tìm hiểu về tục thủy táng của người Chăm, cư dân địa phương cho biết, Búng Bình Thiên - khu vực có nhiều người Chăm sinh sống trước đây cũng là nơi thủy táng người quá cố. 

Truyền thuyết kể rằng, ở thế kỷ XVIII, một tướng thời Tây Sơn đưa binh lính đến vùng đất này trú quân phòng thủ trong cuộc chiến với Nguyễn Ánh và quân Xiêm La (Thái Lan), trải qua nhiều tháng ròng rã hạn hán đất nứt nẻ, thiếu nước sinh hoạt nên vô cùng khó khăn. Vị tướng này đã dâng lễ vật và khi ông rút gươm cắm xuống lòng đất trũng, kỳ lạ thay, dòng nước trong vắt ngọt ngào từ đó cứ tuôn trào và ngập cả một vùng rộng lớn. Cũng từ đó, cư dân trong vùng gọi đó là Búng Bình Thiên, theo họ búng là đầm lầy, hồ, bình là bình yên phẳng lặng và thiên là trời - đó là hồ nước của Trời.

Quan niệm của người Chăm theo đạo Hồi sau khi chết được thủy táng sẽ là
cái chết thanh thản, mát mẻ. 

Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích rộng khoảng 200ha, độ sâu trung bình là 6m vào mùa khô nhưng vào mùa nước nổi (từ tháng 8 - 12 hằng năm) lên đến diện tích 800ha và có độ sâu tới 10m. Mùa nước nổi còn gọi là mùa lũ mang theo nhiều tôm cá từ đầu nguồn đổ về nên nơi này rất sung túc trù phú. Búng Bình Thiên nằm giữa hai con sông Bình Di và sông Hậu tại các xã Khánh Bình, Nhơn Hội và thị trấn Long Bình (đều thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang). Với diện tích rộng lớn như vậy, Búng Bình Thiên được coi là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nam Bộ.

Trở lại với chuyện tại sao có người Chăm tại vùng An Giang Châu Đốc và tục thủy táng, với nhiều biến cố xã hội, người Chăm từ miền Trung di cư sang Campuchia rồi ngược về Châu Đốc và tạo nên cộng đồng Chăm sinh sống ở đây cho đến tận bây giờ.

Cụ Mohamed. 

Về với dòng nước anh linh

Cụ Mohamed - một cao niên của làng kể, theo quan niệm của người Chăm theo đạo Hồi sau khi chết đều ước nguyện được thủy táng để thân thể được gửi vào dòng nước mát và tiêu tan, nếu được như vậy sẽ là cái chết thanh thản, mát mẻ. Cách đây mấy chục năm, Búng Bình Thiên này là nơi thủy táng bởi quanh năm ở đây con nước lúc nào cũng lớn, mùa nước lớn kéo dài vài tháng, khắp nơi đều là nước trắng xóa mênh mông mà không thấy đồng hoặc cồn cỏ ở đâu. Lúc đó có người chết thì làm các nghi thức theo lễ rồi thủy táng. 

Thời còn nhỏ, ông Mohamed đã tận mắt chứng kiến những nghi thức thủy táng cho một người bị chết đuối, sau khi vớt được xác về, ông Cả trong làng và những người thân sẽ tắm thi thể ba lần trước khi bỏ vào quan tài. Lần đầu là tắm xà bông, rồi tắm lại bằng nước sạch và sau cùng là tắm tinh dầu, nước thơm. Sau khi tắm xong thi thể người chết được quấn trong ba lớp vải màu trắng tinh tươm trước khi bỏ vào quan tài với ngụ ý, khi trở về với dòng nước thánh anh linh thì thân thể phải sạch sẽ, thơm tho. Sau đó sẽ đặt người chết vào quan tài và đọc kinh Koran, trong quan tài sẽ bỏ theo nhiều vật nặng để khi thả xuống lòng hồ thì quan tài sẽ chìm. Cứ như vậy nhiều người Chăm nhiều đời sống quanh khu vực lòng Búng này đã được thủy táng khi mất. 

Giờ đây tục thủy táng người chết của người Chăm An Giang đã không còn, hình ảnh tập tục ấy đã được tái hiện qua hai bộ phim nổi tiếng là Mùa Len Trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Lời Nguyền Của Dòng Sông - đạo diễn Khải Hưng. 

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU



TIN BÀI LIÊN QUAN

Nguyên Quỳnh