Nói về Tiết Thanh Minh, sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính chép: Trong khoảng tháng 3, có một tiết hậu gọi là tiết Thanh Minh. Thanh Minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Tục Tàu hôm ấy, giai nhân, tài tử, đua nhau đi tảo mộ, gọi là Hội Đạp Thanh. Ta không ăn tết ấy nhưng cũng nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên.
Trong khi đó, sách này cũng chém riêng biệt về tết mùng ba tháng ba là tết Hàn Thực và cho biết nó vốn xuất phát từ một điển tích bên Trung Quốc thời cổ đại. Điển tích đó là: “Về đời Xuân thu, vua Văn Công nhà Tấn, còn khi long đong trốn nạn, nay trú nước Tề, mai ngụ nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Có một hôm, vua đi đường thiếu lương đói quá, bọn đầy tớ không thể kiếm lương vào đâu được. Giới Tử Thôi phải cắt thịt đùi mình ra, nấu nước ngon lành, dâng lên vua xơi, vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám cảnh vô cùng.
|
Tảo mộ trong dịp Tiết Thanh Minh là một phong tục ở nhiều địa phương trên khắp nước ta. Ảnh minh họa. |
Theo trong 19 năm trời, trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Đến lúc Văn Công lại được trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng cho những người có công trong khi tòng vong, nhỡ quên mất công của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán hận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đem mẹ vào ở ẩn núi Điền Sơn.
Sau vua nhớ ra, sai người vào núi tìm không được, vua sai đốt rừng ấy cho ông phải ra. Nhưng ông cũng không chịu ra, đành hai mẹ con chịu chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi và phong cả khu rừng đó làm tự điền.
Hôm ông ấy chết là ngày mồng 5 tháng 3. Người xứ đó thương ông ấy, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì cấm đốt lửa trong 3 ngày mà bắt đầu từ hôm mồng 3, chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn mà thôi.
Dân ta nhiễm theo tục ấy, thành ra ăn tết hôm mồng 3. Mà ta thì làm bánh trôi bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng ta chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi, mà tiếng là hàn thực, nhưng nấu nước chẳng có kiêng gì”.
Như vậy tết Hàn Thực mồng 3 tháng 3 và tết Thanh Minh là hai dịp khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên ở nước ta nhiều người vẫn thường nhầm ngày mồng 3 tháng 3 là tết Thanh Minh. Ở nhiều vùng, trong dịp tết Thanh Minh, các dòng họ họp nhau lại đi tảo mộ và làm cỗ ăn uống, phát phần thưởng khuyến học, cho con cháu nhận mặt họ hàng. Nhưng cũng có những vùng không ăn tết Thanh Minh mà chỉ ăn tết mồng 3 tháng 3 còn việc tảo mộ thì làm vào cuối năm hoặc vào dịp giỗ tổ họ.
Thực tế tết Thanh Minh diễn ra vào ngày tiết Thanh Minh. Tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí trong năm theo cách tính của lịch âm dương. Theo từ điển mở Wikipdia, tiết Thanh Minh bắt đầu khi kết thúc tiết Xuân Phân và kéo dài cho đến tiết Cốc Vũ. So với vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo quanh Mặt Trời, nếu lấy điểm Xuân Phân là gốc (khi kinh độ Mặt Trời bằng 0 độ) thì điểm bắt đầu tiết Thanh Minh là khi kinh độ Mặt Trời bằng 15 độ. Thông thường tiết Thanh Minh thường bắt đầu vào ngày mồng 4 hoặc mồng 5 tháng 4 dương lịch và kéo dài đến 20 hoặc 21 tháng 4.
Trong dịp tiết Thanh Minh, khí hậu ở miền Bắc nước ta tương đối dễ chịu. Do lúc này ảnh hưởng của gió mùa đông bắc đã yếu, gió đông nam đã mạnh dần lên nên mưa phùn gần như đã dứt hẳn. Hiện tượng nồm cũng đã hết và tiết trời trở nên trong sáng, dễ chịu do nhiệt độ đã lên cao, độ ẩm đã giảm.
Năm nay, 2016, tiết Thanh Minh bắt đầu vào ngày 4/4 tức là thứ 2 tuần tới. Ngày này theo lịch can chi là ngày Bính Thìn, tháng Tân Mão.
Mời độc giả xem thêm video: Tết xưa và nay khác nhau như thế nào?:
Nam Khánh