Người vẽ bản đồ phòng ngự Nam vĩ tuyến 17
Nữ tình báo đó không ai khác là đại tá, anh hùng LLVT Đinh Thị Vân. Bà nguyên là huyện ủy viên huyện Xuân Trường, Nam Định, hoạt động từ trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, bà bắt đầu được điều sang công tác tình báo rồi theo đoàn người di cư vào Nam đặt cơ sở hoạt động tình báo từ năm 1955.
Lưới tình báo do bà xây dựng đã cung cấp cho quân ta nhiều tin tức có giá trị góp phần vào chiến công chung của ngành tình báo, mặc dù bà chưa một ngày học qua nghiệp vụ điệp viên. Một trong những thành tích đáng kể là điều tra tỉ mỉ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1959 - 1960.
Thời điểm này, ta bắt đầu mở đường Trường Sơn vào Nam, rất cần những thông tin về sự bố phòng của quân đội Sài Gòn ở nam vĩ tuyến 17. Ngoài ra, còn cần tìm hiểu xem đối phương đã biết những gì về việc quân ta xuất hiện ở Hạ Lào. Nhiệm vụ đó được cấp trên giao cho Đinh Thị Vân.
|
Thiếu tá Đinh Thị Vân trong dịp phong anh hùng LLVT năm 1970. Ảnh: Wikipedia.
|
Bà Vân tức tốc rời Sài Gòn khi Tết Kỷ Hợi (1959) đến gần. Bà tìm đến một thành viên trong lưới của mình là Đinh Thế Phiệt. Người này từng là sĩ quan chỉ huy cấp đại đội ở trong sư đoàn 1 Sài Gòn. Mặc dù hiện tại Phiệt đã bị loại ngũ do để cho lính đánh nhau với đàn em của Ngô Đình Cẩn nhưng vẫn có quan hệ rất thân thiết với nhiều sĩ quan trong sư đoàn 1 – là đơn vị chính phòng thủ ở Nam sông Bến Hải.
Trong vai mẹ nuôi của Phiệt, bà Vân cùng với Phiệt ra Huế giả làm người đi du lịch, nhưng thực chất là để làm nhiệm vụ. Ở Huế, Phiệt đến thăm các sĩ quan bạn bè cũ. Phiệt mang theo cả máy ảnh nói là để chụp ảnh kỷ niệm nhưng cũng là để lợi dụng chụp những sự bố trí trong các doanh trại, hệ thống phòng ngự. Nhờ thế, chẳng bao lâu, một hệ thống phòng ngự của sư đoàn 1 đã bị bà Vân và Phiệt ghi nhớ hết.
Bà Vân lại hướng dẫn Phiệt tìm cách rủ viên tiểu đoàn trưởng tên Thọ ra giới tuyến thăm chiến hữu để tìm hiểu hệ thống phòng ngự ở Nam sông Bến Hải. Trong hồi ký Tôi đi làm tình báo, bà kể: “Tôi đã nhắc cậu Phiệt rủ Thọ ra thăm mấy đứa bạn ngoài giới tuyến. Hôm qua, hắn hứa rồi nhưng chưa quyết định ngày nào thì sáng nay, Thọ đánh xe tới. Hắn chạy xăm xăm vào nhà ghé sát tai cậu Phiệt hỏi: Có đi giới tuyến thăm mấy thằng ngoài đó không? - Cám ơn anh, thế thì còn gì bằng. Tôi nghe hai người trò chuyện với nhau mà lòng thì khấp khởi mừng. Như vậy thì mọi việc chắc chắn sẽ thuận buồm xuôi gió.
Thế là toàn bộ tuyến phòng ngự từ Huế ra đến Gio Linh, vị trí các trung đoàn, hệ thống công sự, bãi mìn cậu Phiệt đã nắm được khá chắc. Thọ còn để lộ cho Phiệt biết một số dự án tác chiến, hướng triển khai của các trung đoàn bộ binh. Phiệt đã quen địa hình nên nhận thức được rất nhanh”.
Với yêu cầu thứ 2 của cấp trên đặt ra, Phiệt không mấy khó khăn để dò la. Trong một buổi tối sau khi cơm nước xong, Thọ và Phiệt vẫn ngồi thì thầm với nhau chuyện quân sự. Chính lúc này, Thọ đã tiết lộ cho Phiệt biết về tin tức có sự xuất hiện của đối phương ở Hạ Lào. Thọ nói: “Có độ 5 tiểu đoàn thôi. Các ông trên chỉ thông báo đến cấp trung đoàn, nhưng có thằng tiểu đoàn trưởng nào mà không biết, 5 tiểu đoàn nhưng có thể không phải tất cả quân chiến đấu”.
|
Bà Đinh Thị Vân (đứng giữa) trong dịp phong anh hùng LLVT. Ảnh: Batinh.com.
|
Thực tế, Phiệt đã dò hỏi được thông tin này từ một sĩ quan khác nhưng vẫn muốn duyệt lại qua Thọ để xem sự nhận định trong đám sĩ quan sư đoàn 1 có thống nhất không để nắm rõ xem đối phương đã biết về hoạt động của ta ở Hạ Lào đến mức độ nào.
Rõ ràng ở vào thời điểm đó, việc nắm rõ hệ thống phòng ngự cho đến kế hoạch triển khai của các đơn vị quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17 có giá trị rất to lớn. Có những thông tin ấy, ta sẽ chủ động hơn trong việc xác định các hướng xâm nhập vào Nam sao cho an toàn.
Lập nhiều chiến công lẫy lừng
Ngoài vụ trên, Đinh Thị Vân cùng với mạng lưới của mình còn lập nhiều chiến công khác. Chẳng hạn thông tin kịp thời về việc Mỹ sẽ đổ quân vào Nam Việt Nam sau khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại hay biết trước được kế hoạch của cuộc hành quân Junction City (Gian-Xơn-Xi-Ty) giúp quân ta chủ động đối phó làm thất bại âm mưu của chúng.
Để có được những thành công đó, Đinh Thị Vân đã dày công xây dựng một mạng lưới tình báo rất kỳ công. Đó là một việc làm rất lâu dài và cẩn trọng. Chẳng hạn để tạo tai mắt ở trong lực lượng không quân Sài Gòn, bà đã cho Đinh Văn Đoan nộp hồ sơ thi vào ngành này khi nó bắt đầu tuyển người và đã hướng dẫn cho Đoan những cách để làm sao lấy được lòng tin của các sĩ quan. Có lúc người ta thấy Đoan có tài năng định cho đi học lái máy bay, bà lại phải bày cách cho Đoan từ chối vì làm công việc văn thư mới dễ lấy tin tức.
Hay như trung úy Hà Đăng, vốn dĩ là con của một cơ sở cùng di cư năm 1955 với bà và khi còn nhỏ được bà đón về nhận làm con nuôi. Bà đã kiên trì thổi vào tâm hồn Hà Đăng từ khi còn thơ lòng tin và sứ mệnh phục vụ tổ quốc. Bởi thế lớn lên Hà Đăng đã đi học trường võ bị Thủ Đức rồi ra làm đại đội trưởng 1 đơn vị ở sư đoàn 5. Trong vị trí đó, anh đã nhiều lần báo cho quân ta biết trước những cuộc càn, hành quân của địch.
Vào năm 1959 đến 1964, bà bị bắt giam do sơ hở trên đường đi công tác. Tuy nhiên suốt 5 năm giam giữ với đủ các ngón nghề từ tra tấn thể xác đến ru ngủ tinh thần, bọn an ninh của quân đội và Đoàn công tác miền Trung của Dương Văn Hiếu vẫn không moi được chút tin tức nào từ bà. Trái lại, ở trong trại Lê Văn Duyệt, bà còn nhiều lần lên tiếng đấu tranh với các thủ đoạn tâm lý chiến của địch để thức tỉnh các anh em bị ru ngủ. Mãi đến năm 1964, do chính trường Sài Gòn lục đục đảo chính nhau liên miên, bà mới được thả ra.
|
Bà Vân (X) chia tay các đồng chí ở chiến khu Dương Minh Châu để ra Bắc năm 1969. Ảnh: Batinh.com.
|
Được tự do, bà liền xốc lại mạng lưới của mình và hoạt động tích cực. Đặc biệt, trong kế hoạch Mậu Thân, lưới tình báo của bà đã đóng góp nhiều thông tin cho Bộ chỉ huy chiến dịch về sự bố phòng của Sài Gòn và sự hiểu biết của địch về kế hoạch của ta. Do sức khỏe giảm sút vì bị tra tấn dã man, tháng 3/1969, bà được tổ chức đưa ra Bắc để điều trị và làm công tác huấn luyện tình báo. Một năm sau, ngày 25/8/1970, Nhà nước phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân để ghi nhớ công lao của bà.
Vũ Tiến Đức