Tiết lộ thú vị về cuốn phim truyện đầu tiên ở VN

Google News

(Kiến Thức) - Bộ phim đầu tiên được quay tại Việt Nam là phim Kim Vân Kiều.

Sự ra đời liên tiếp hai rạp chiếu bóng trong hai năm liền nhau (1920 và 1921) chứng tỏ, trong thực tế nghệ thuật điện ảnh đã trở thành một nhu cầu văn hóa của công chúng rộng rãi ở đô thị Việt Nam. Và bộ phim đầu tiên được quay tại Việt Nam là phim Kim Vân Kiều.
2 năm ra đời 2 rạp chiếu phim

Ngày 10/8/1920, giữa Trung tâm Hà Nội, bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đã khai trương rạp chiếu bóng đầu tiên ở Việt Nam Pathé Freres (Anh em Pathé). Năm 1921, lại mở cửa phòng chiếu thứ hai Le Tonkinois (Người Bắc Kỳ). Cả hai rạp chiếu bóng đều là của một chủ người Pháp. Rạp đầu tiên chủ yếu là nhằm đáp ứng yêu cầu giải trí của các quan chức và kiều dân Pháp. Rạp thứ hai là để thỏa mãn những khao khát thưởng thức của người Việt đối với nghệ thuật thứ bảy mới mẻ này. 
Sự ra đời liên tiếp hai rạp chiếu bóng trong hai năm liền nhau (1920 và 1921) chứng tỏ, trong thực tế nghệ thuật điện ảnh đã trở thành một nhu cầu văn hóa của công chúng rộng rãi ở đô thị Việt Nam. Thời kỳ đó những cuốn phim đầu tiên ở Việt Nam được quay bởi Albert Kahn, nhà nhiếp ảnh và quay phim nổi tiếng của Pháp, hiện nay những sản phẩm còn lại vẫn được lưu giữ trong kho bảo tàng phim mang tên ông. 
Trong thời kỳ này, ngoài những phim thời sự tài liệu đầu tiên quay theo yêu cầu của các nhà đương chức Pháp, đã sớm ra đời bộ phim nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam: cuốn phim đưa Truyện Kiều lên màn ảnh. Đây là sáng kiến của một người mang quốc tịch Pháp E.A Famechon và có sự cộng tác của một người Việt Nam được ghi tên là Mr Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh). Cơ quan thực hiện là Công ty thương mại Indochina Films et Cinemas (ICF), còn gọi tắt là IFEC.
Tờ quảng cáo phim năm 1924 cho cuốn phim truyện đầu tiên ở Đông Dương được thực hiện bởi những nghệ sĩ với y phục trang trí hoàn toàn là người bản xứ, đã có sức hấp dẫn mọi tầng lớp cư dân. Cốt truyện là thi phẩm kiệt tác của nhà thơ cổ điển Nguyễn Du, lần đầu tiên được E.A Famechon chuyển thể thành kịch bản điện ảnh với không một sự thay đổi biến dạng đáng kể nào trong tình tiết, chi tiết.
Cinéma Palace - rạp chiếu bóng sang trọng nhất Hà Nội xưa. 
Làm sống lại một câu chuyện cổ
Các diễn viên của rạp hát Quảng Lạc sắm vai các nhân vật trong phim: Cô Liên trong vai Thúy Kiều, cô Cương trong vai Thúy Vân, cô Định trong vai Hoạn Thư, bà Tám Long trong vai Đạm Tiên, bà Nhang trong vai Giác Duyên, bà Giáo trong vai Tú Bà, bà Chín Sâm trong vai Vương bà, anh Hoàn trong vai Kim Trọng, ông Tám Ngân trong vai Thúc Sinh, ông Năm Xế trong vai Vương ông, ông Hai Giò trong vai Thúc ông, ông Lô trong vai ông Phủ, ông Sáu Phú trong vai Từ Hải, ông Cương trong vai Mã Giám Sinh, ông Tín trong vai Vương Quan... đã góp phần nghệ thuật biểu diễn để làm sống lại câu chuyện cổ trên màn ảnh hiện đại. 
Dĩ nhiên đây là công trình thử nghiệm buổi đầu và cũng là lần đầu tiên một tác phẩm thơ cổ điển được dàn dựng nên không thể tránh khỏi những nhược điểm, nét thô cứng. Nhưng dù sao dư luận báo chí lúc ấy đã nhiệt liệt hoan nghênh và hết sức ca ngợi. Khi cuốn phim được chiếu ở Hà Nội, báo lAvenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) đã có bài bình luận:
Tối qua, hãng Indochina Films et Cinemas đã đưa ra trình chiếu trên màn ảnh cuốn truyện thơ cổ điển Kim Vân Kiều. Tác phẩm vô cùng hấp dẫn, mang lại vinh dự vừa cho các nhà đạo diễn, các nghệ sĩ diễn viên và cho cả những nhà kỹ thuật quay phim.
Phim vui cười rồi sẽ qua nhanh, phim lịch sử, địa lý, dân tộc học hoặc xã hội mới sống lâu dài. Các sưu tập sẽ hình thành, như những sưu tập lưu trữ. Các ấn bản sẽ được phát hành, cho phép giáo dục bằng phim biết bao điều không còn tồn tại trong trí nhớ hoặc bị sự tưởng tượng làm méo mó biến dạng khi người ta chỉ nghiên cứu trên sách vở. 
(còn nữa)
Tất Đạt