Tiết lộ thời khắc cuối cùng của các tử tù

Google News

(Kiến Thức) - Tung đồng xu để xác định thứ tự hành hình là "đặc ân" kỳ lạ mà hai kẻ sát nhân Latham và York nhận được sau bữa ăn cuối cùng. 

1. Cuộc gọi đến quá muộn
Caryl Chessman dùng thước chỉ vào danh sách những lần phạm tội của mình.
Caryl Chessman là tên tội phạm khét tiếng với biệt danh "kẻ cướp đèn đỏ". Hắn đã giả vờ là một sĩ quan cảnh sát để có thể cướp và tấn công tình dục phụ nữ. Năm 1948, Caryl đã bị kết án vì phạm 17 trọng tội. Dù Chessman không giết bất cứ ai nhưng do phạm phải hai tội danh bắt cóc cũng đủ khiến hắn lĩnh án tử hình. Cơ quan chức năng có rất nhiều bằng chứng chống lại Chessman, trong đó có 3 nạn nhân đã vạch mặt tội trạng của hắn.
Khi đó, hắn bị giam giữ tại nhà tù San Quentin, bang California, Mỹ. Caryl Chessman đã trở nên nổi tiếng với biệt danh tử tù sống lâu nhất thế giới. Caryl Chessman đã 8 lần đẩy lùi được ngày thi hành án để được xét xử lại, trong đó có tới hai lần thoát khỏi hành hình khi thời gian thi hành chỉ còn vài giờ đồng hồ trước khi bị đưa vào phòng ngạt.
Vào ngày 2/5/1960, ngày Chessman bị hành hình tại nhà tù San Quentin, luật sư của hắn đã gửi lời thỉnh cầu tới Tòa án tối cao California tha chết cho tử tù Caryl Chessman chỉ vài phút trước khi thi hành án tử hình. Sau đó, thư ký của tòa án đã gọi điện đến nhà tù San Quentin để hoãn thi hành án nhưng đã quá muộn. Tên tội phạm Chessman đã bị đưa vào phòng hơi độc và không ai có thể vào trong đó nếu không muốn chết cùng tù nhân. Trường hợp của tử tù Chessman làm cho dư luận thế giới rất bức xúc. Người ta không thể nào hiểu được tâm trạng của tử tội với nỗi lo lắng dai dẳng trong suốt 12 năm chờ đợi cái chết đến với mình.
2. Bốn lần dùng bữa ăn cuối cùng mới bị treo cổ
Hơn 15.000 người tới theo dõi buổi hành hình tử tù công khai ở Owensboro, Kentucky, Mỹ năm 1936.
Jake Bird ở Washington, Mỹ đã thừa nhận bản thân là một kẻ giết người. Trên thực tế, theo những tài liệu khác nhau, y tuyên bố đã thực hiện hoặc có liên quan đến ít nhất 29 vụ án và sát hại 44 người. Bird bị kết án vào năm 1947 khi dùng rìu giết người tại Tacoma. Mặc dù hắn luôn lên tiếng rằng mình vô tội nhưng cơ quan chức năng đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng hắn chính là hung thủ. Cơ quan điều tra đã bắt quả tang hắn đang cầm một chiếc rìu đẫm máu ở gần nhà.
Mặc dù ít học nhưng Bird đã rất khôn lỏi khi nghĩ cách đẩy lùi thời gian thi hành án tử. Hắn tuyên bố còn thực hiện các vụ giết người khác nữa khiến Thống đốc Mon Wallgren phải ra lệnh hoãn thi hành án tử để cơ quan chức năng điều tra và làm sáng tỏ thêm các vụ án chưa được giải quyết. Với lời nói dối của mình, Bird đã khiến chính quyền liên hệ hắn với ít nhất 11 vụ giết người ở 7 tiểu bang. Ngoài ra, hắn còn có một số hành động để kéo dài thời gian thi hành án ở các phiên tòa tại tiểu bang và liên bang.
Nhưng đến ngày 15/7/1949, chiêu trò đẩy lùi thời gian thi hành án của Bird  đã vô tác dụng. Sau khi ăn bữa ăn cuối cùng lần thứ 4, Bird bị treo cổ tại nhà tù Walla Walla. Thi thể hắn được chôn cất trong sân nhà tù.
3. Tung đồng xu để quyết định tử tù nào sẽ bị hành hình đầu tiên
Scott Wilson và Robert Blake (phải) xuất hiện trong một cảnh của phim "In Cold Blood" năm 1967. Sát nhân Latham và York đã được đề cập trong cuốn sách và bộ phim cùng tên này.
Vào tháng 6/1963, James Douglas Latham và George Ronald York đã được lên lịch thi hành án tử vào lúc nửa đêm tại một nhà tù ở Lansing, Kansas năm 1961 vì tội giết Otto Ziegler. Đây chỉ là một trong 7 nạn nhân được báo cáo theo thông tin của AP mô tả về "tội phạm xuyên quốc gia". Hai tên tội phạm này cũng xuất hiện trong cuốn sách "In Cold Blood" của nhà văn Truman Capote.
Hai tên sát nhân đã được quản giáo cho ăn bữa cuối cùng và sau đó nhận được một “đặc ân” kỳ lạ, đó là: Họ sẽ để các cai ngục tung một đồng xu xác định thứ tự hành hình phạm nhân bởi nhà tù khi đó chỉ có giá treo cổ đơn. Trong lần tung đồng xu, Latham đã thua và trở thành tù nhân bị hành hình đầu tiên. Nhưng trước khi bản án của hắn được thực hiện, tòa án phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết tạm dừng thi hành án trong 30 ngày sau khi luật sư của hai sát nhân trên đã trình lên tòa án rằng thân chủ của họ không có luật sư bào chữa trong phiên điều trần sơ bộ.
Nhưng đến ngày 22/6/1965, hai kẻ sát nhân Latham và York cuối cùng cũng không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Trước khi bị treo cổ, hai kẻ giết người đã nói những điều tồi tệ. “Tôi biết Chúa đã tha thứ cho tôi và tôi hy vọng mọi người cũng cảm thấy như vậy", York nói những lời cuối cùng.
4. Làm chứng để được hoãn thi hành án tử
Hiện trường một vụ bắn súng ở Chicago năm 1931.
Tối ngày 16/10/1931, Frank "The Squealer" Bell chắc chắn rằng bản thân sắp lên đoạn đầu đài. Hắn đã thú nhận thực hiện một vụ cướp hung bạo và giết quản lý nhà hàng ở Chicago có tên Christ Patras. Trong thời gian ngồi tù chờ thi hành án tử, hắn đã báo cáo với cai ngục rằng các tù nhân khác đã âm mưu giết hắn và có ý định trốn thoát. Mặc dù vậy, giới chức trách vẫn quyết định thi hành án tử với Bell và 4 tù nhân khác ngay trong đêm đó. Tuy nhiên, trong tối hôm ấy, một thẩm phán cấp cao đã gọi điện xuống nhà tù để tạm hoãn thi hành án và điều trần lại trường hợp của y.
Khi đó, các cai ngục đã vội vã đến nhà tù để thay đổi thứ tự tử hình tù nhân. Đến 23h35 phút, chỉ vài phút trước khi 5 tử tù bị hành hình, Bell đã được tạm hoãn thi hành án và ở lại xà lim. Hai tháng sau đó, chỉ vài phút trước khi bị điện giật, sát nhân Bell lại được sống thêm 30 ngày, tạm hoãn thi hành án do Thống đốc bang Illinois Louis Emmerson ký quyết định. Quyết định đó được đưa ra sau khi một quan chức liên bang cho hay tên Bell đã cung cấp thông tin về vụ buôn lậu ở Chicago.
Đến ngày 8/1/1932, cuối cùng tên Bell cũng phải ngồi vào ghế điện. Khi được nói những lời cuối cùng, hắn cho hay sẵn sàng đứng ra làm chứng một lần nữa và quả quyết rằng, lời khai của mình có thể giải tội cho một người đàn ông có tên Leo Brothers. Tuy nhiên, điều đó đã không cứu hắn khỏi cửa tử thêm lần nữa.
Tâm Anh (theo Howstuffworks)