Tướng là chim ưng, dân lính là vịt
Khi ấy thủy quân nhà Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc ở biên thùy cho Vân Đồn phó tướng là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh nhau với giặc bị thua. Thượng Hoàng nghe tin, sai trung sứ giải Khánh Dư đem về Kinh đô. Khánh Dư bảo với trung sứ rằng: "Lấy quân luật mà xử tôi xin chịu, nhưng xin hoãn cho tôi vài ngày, để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn".
Trung sứ nghe theo lời xin. Trần Khánh Dư đoán biết là quân giặc đi rồi, chuyển lương thực tất theo sau, bèn thu nhặt tàn quân còn lại để đợi. Không lâu, thuyền chở lương thực của giặc quả nhiên đến. Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống rất nhiều quân giặc. Lập tức chạy thư về tâu.
Thượng hoàng tha tội trước không hỏi đến và nói: "Quân Nguyên chỉ nhờ về lương cơ khí giới, nay ta đã bắt được, sợ nó chưa biết tin, hoặc giả còn hung hăng chăng?". Bèn tha cho những người bị bắt đến doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quả nhiên quân Nguyên rút lui. Cho nên năm nay nhân dân không bị thảm họa như năm trước là Khánh Dư cũng có phần công lao trong đó.
Khánh Dư là một vị tướng giỏi, một người nhạy cảm và tiên liệu được các khả năng của địch, nhưng một trong nghệ thuật chỉ huy nhất là đối với binh sĩ và cấp dưới thì Khánh Dư không phải là con người nhân hậu, mềm dẻo mà có vẻ thô bạo, cứng nhắc, trái ngược với tính cách của Phạm Ngũ Lão. Khánh Dư đã từng phát biểu quan niệm này với vua Trần Anh Tông: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ". Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách. Quan niệm kiểu này khó chấp nhận và ngay cả vua Anh Tông cũng không đồng ý.
|
Tranh minh họa. |
Gà chó Vân Đồn cũng đều sợ
Đại Việt sử ký chép về tư cách đạo đức của Khánh Dư "tham lam, thô bỉ, những nơi ông trấn nhậm, mọi người đều rất ghét". Khánh Dư cũng là người có đầu óc đầu cơ tích trữ. Khi Khánh Dư mới đến trấn giữ Vân Đồn, tục ở đấy làm nghề buôn bán sinh nhai, ăn uống, y phục đều trông vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo đồ dùng theo tục người Bắc.
Khánh Dư điểm duyệt quân các trang, hạ lệnh rằng: "Quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giữ giặc Hồ; nên không đội nón của phương Bắc, trong khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lô, làng này khéo nghề làm nón, nên lấy tên làng làm tên nón) ai trái lệnh tất phải phạt". Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu ở trong cảng rồi.
Lệnh đã hạ, sai người ngầm bảo người ở trong rằng: "Hôm nọ thấy ở trước vụng biển có người chở nón Ma Lôi đậu". Do đấy người trong trang nối gót nhau tranh mua nón, bắt đầu mua mỗi cái nón không quá một tiền, đến sau giá cao bán một cái nón giá một tấm vải, thu được một lượng vải đến hàng ngàn tấm. Thơ của người khách mừng Khánh Dư có câu: "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh" (Gà chó Vân Đồn cũng đều sợ) là nói thác kính phục uy danh, nhưng thực ra có ý mỉa mai ngầm. Khánh Dư tính người tham bỉ, phàm người trong quản hạt ai cũng ghét cả. Nhân Tông vì tiếc là người có tài làm tướng nên không nỡ bỏ mà thôi.
Cho dù các sử gia có chê bai Khánh Dư là tham lam, thô bỉ, đầu cơ tích trữ thu vén cá nhân, quan hệ không trong sáng... nhưng Trần Khánh Dư là một vị tướng giỏi, nhờ ông mà nhà Trần giữ được nước, Hưng Đạo Vương mới đánh bại được quân Mông Cổ trên sông Bạch Đằng. Khánh Dư là tướng tài nên nhà vua bỏ qua mọi chuyện "Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng nên không nỡ bỏ mà thôi".
Tất Đạt