Ngày Trái Đất 22/4 (Earth Day - ED) là ngày vận động mọi người nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên. Vào Ngày Trái Đất, nhiều sự kiện được tổ chức ở các nước trên thế giới nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp. 192 quốc gia tổ chức sự kiện Ngày Trái Đất hàng năm.
Ngày Trái Đất được đề xuất lần đầu tiên vào ngày 21/3/1970 ở Mỹ. Tuy nhiên, sau đó sự kiện toàn cầu này được tổ chức vào ngày 22/4 hàng năm. Hơn 20 triệu người và hàng ngàn trường học đã tham gia Ngày Trái Đất đầu tiên tổ chức ở Mỹ hôm 22/4/1970. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn khi thúc đẩy chính phủ Mỹ có những đạo luật mạnh mẽ hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường.
|
Ngày Trái Đất đã trở thành sự kiện mang tính toàn cầu, với nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường. |
Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ được đánh giá là người tiên phong trong việc cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái Đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn.
Kéo theo đó là sự ra đời mạng lưới Ngày Trái Đất (Earth Day Network - EDN) thu hút sự tham gia của gần 22.000 đối tác tại 192 quốc gia. Mỗi năm có hơn 1 tỷ người tham gia, hưởng ứng Ngày Trái Đất khiến cho nó trở thành một trong những phong trào lớn nhất thế giới.
Đến năm 2009, sự kiện Ngày Trái Đất được Liên Hợp Quốc công nhận và phát động trên toàn cầu và thu hút hàng trăm triệu người tham gia hàng năm.
Thông điệp Ngày Trái đất 2016 là: "Cây xanh cho Trái đất" ("Trees for the Earth"). Theo đó, các quốc gia trên thế giới tổ chức những sự kiện, hoạt động nhằm tuyên truyền kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ Trái đất.
Video chiến dịch giờ trái đất năm 2016 (nguồn: VTC):
Tâm Anh (theo Conserve Energy Future)