Một quả mìn hẹn giờ cực mạnh do Mỹ sản xuất, nguỵ trang dưới vỏ bọc một hộp thuốc đánh răng được nhân viên đặc vụ Đài Loan trót lọt đưa qua cửa kiểm soát an ninh, cài vào khoang hành lý của chiếc máy bay hiệu Kashmir Princess, do Trung Quốc thuê của Hãng hàng không Ấn Độ chở đoàn đại biểu nước này đi Inđônêxia dự hội nghị Á-Phi lần thứ nhất. Gần 5 tiếng sau khi cất cánh từ sân bay Khởi Đức (Hồng Kông), một tiếng nổ lớn vang lên, chiếc Kashmir Princess như một ngọn đuốc lao xuống Thái Bình Dương. Đài phát thanh Đài Loan thân Tưởng Giới Thạch lập tức đưa tin: chiếc máy bay chở Chu Ân Lai đã tan thành xác pháo.
Kỳ 1: Kế hoạch mưu sát hoàn hảo
Giữa những năm 1950, quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan vô cùng căng thẳng. Ở hải ngoại, cuộc chiến tranh tình báo giữa hai phía cũng vì thế mà leo thang. Hồng Kông (lúc đó vẫn thuộc Anh) trở thành nơi so tài giữa các cơ quan đặc vụ Trung Quốc và Đài Loan. Cuộc thử lửa đầu tiên đã diễn ra vào tháng 4/1955.
Câu chuyện bắt đầu khi cơ quan tình báo Đài Loan nhận được tin báo: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu nước này đi dự hội nghị Á-Phi lần thứ nhất tổ chức tại Inđônêxia. Đoàn đại biểu Trung Quốc sẽ bay đến Giacácta trên chiếc chuyên cơ hiệu Kashmir Princess, thuê của Hãng hàng không Ấn Độ. Dự kiến, sáng 11/4/1955, chiếc Kashmir Princess này sẽ rời Mumbai (Ấn Độ) bay sang Hồng Kông, dừng ở sân bay Khởi Đức khoảng 1 tiếng 10 phút để tiếp nhiên liệu và đón đoàn đại biểu Trung Quốc, sau đó sẽ lên đường đi Giacácta.
Ngay lập tức, hai nhân viên tình báo của Đài Loan, cài cắm ở Hồng Kông thực hiện nhiệm vụ phá hoại, lật đổ là Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử được lệnh lên kế hoạch ám sát Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Sau khi xem xét mọi mặt và tuyển được tay trong nhờ dụ dỗ bằng tiền và uy hiếp, Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử quay trở về Đài Loan báo cáo trực tiếp với Mao Nhân Phượng, Cục trưởng Cục Bảo mật Đài Loan. Mao Nhân Phượng nhất trí với kế hoạch của Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử. Tuy nhiên, do khoản thù lao trả cho tay trong khá cao (500.000 đô la Hồng Công), nên Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử quyết định đi vận động trưởng phòng trinh sát Cốc Chính Văn (một nhân vật được Tưởng Giới Thạch trọng dụng, có quyền uy rất lớn ở Cục Bảo mật Đài Loan.
May mắn cho Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử, Cốc Chính Văn không những hoàn toàn đồng ý với kế hoạch ám sát Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, mà còn tỏ ra rất thoáng trong việc chi tiền thù lao cho tay trong. Cốc Chính Văn cho rằng kế hoạch này rất hoàn hảo, phù hợp với một trong những nhiệm vụ của lực lượng đặc vụ Đài Loan là ám sát các nhân vật lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt khi hoàn thành có thể gây áp lực lên chính quyền Hồng Kông, buộc các nhà chức trách Hồng Công phải nhẹ tay đối với các nhân viên Đài Loan (trước đó, mỗi khi nhân viên Đài Loan phạm pháp, họ thường bị chính quyền Hồng Kông trừng phạt rất nặng). Theo kế hoạch, Hồng Kông được chọn làm địa điểm để các nhân viên đặc vụ Đài Loan ra tay.
Ngày 10/4/1955, Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử mang theo khoản thù lao dành cho tay trong bí mật trở lại Hồng Kông trên một chuyến tầu hàng. Trước đó, một đặc vụ khác của Đài Loan đội lốt đầu bếp của tầu hàng hiệu Tứ Xuyên được lệnh mang thuốc nổ TNT và thiết bị hẹn giờ từ Cơ Long tới Hồng Kông, sau đó chuyển cho cửa hàng vật liệu ngành điện của Quan Tựu Ký (thực chất là trạm liên lạc số 5 của tình báo Đài Loan tại Hồng Kông). Ngay trong đêm 10/4/1955, thuốc nổ đã đến tay Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử. Nhớ lời dặn của Cốc Chính Văn, đêm 10/4/1955, Triệu Phú Thành và Trần Hồng Cử cử ngay tay trong - một nhân viên vệ sinh máy bay tên là Chu Câu tới khách sạn huấn luyện kỹ càng cách cài đặt mìn hẹn giờ cũng như hướng xử lý một số tình huống có thể xảy ra.
Ngày 11/4/1955, Chu Câu đi làm bình thường, mang mìn hẹn giờ (đã được đặc chế thành một hộp kem đánh răng) đi qua cửa kiểm soát an ninh một cách trót lọt, lên máy bay tiến hành dọn dẹp vệ sinh như vẫn làm hàng ngày. Vừa quét dọn, Chu Câu vừa quan sát. Không ai biết Chu Câu lẻn vào khoang hành lý đặt mìn hẹn giờ khi nào và lúc nào thì rời khỏi máy bay.
12 giờ 45, mọi người lên máy bay.
1 giờ 15 chiều, chiếc Kashmir Princess rời đường băng Khởi Đức, vút lên trời, dự kiến sau khoảng 6 tiếng rưỡi sẽ tới Giacácta. Tuy nhiên, khi bay được gần 5 tiếng, bỗng trên máy bay có tiếng nổ lớn, lửa bùng lên. Sau khi hội ý khẩn cấp, cơ trưởng Jiatak và phụ lái A Dixit quyết định phát tín hiệu cấp cứu. Các tiếp viên trên máy bay nhanh chóng toả đi phát phao cứu sinh cho mọi người. Không khí trên máy bay thật căng thẳng, nhưng không ai tỏ ra hoảng loạn. Tổ lái cố gắng lấy thăng bằng cho máy bay để có thể hạ cánh, nhưng không được. Chiếc Kashmir Princess chúi sang bên phải, lao xuống biển. Sáu người kịp nhảy ra ngoài trước khi máy bay mất tích dưới làn nước xanh, nhưng cũng chỉ có 3 người may mắn thoát chết.
6 giờ 40 phút chiều, tờ Văn Hối và tờ Đại Công báo của Hồng Kông dẫn nguồn tin Reuters cho biết, chiếc Kashmir Princess cất cánh từ phi trường Khởi Đức đã đâm xuống biển. Ngoài 3 thành viên phi hành đoàn, những người còn lại trên máy bay đều đã tử nạn. Đài phát thanh Đài Loan thân Tưởng Giới Thạch lập tức đưa tin: chiếc máy bay chở Chu Ân Lai đã tan thành xác pháo.
(Còn nữa...)
Theo Báo Tin Tức