Đó là những quy tắc mà dân làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh TT. Huế rỉ tai nhau mỗi lần đi qua miếu Cây Thị để tránh tai ương.
Gọi là miếu Cây Thị vì cạnh miếu có cây thị hơn 700 năm tuổi, thân cây 6 – 7 người ôm không xuể. Xung quanh miếu được bao bọc bởi hệ thống nhà vườn chằng chịt.
Phong lan 'thần' trên cây thị cổ
Đã tồn tại gần 1000 năm, trải qua bao thăng trầm lịch sử, mưa bom bão đạn nhưng miếu Cây Thị vẫn sừng sững, uy nghiêm giữa làng. Mặc dù bị rỗng ruột, song cây thị bên miếu vẫn sum suê, xanh tốt.
Vốn mang trong mình nhiều giai thoại và những bí ẩn về sự linh thiêng, ngày nay sự đồ sộ và hình hài sần sì của cây thị càng khiến cho người dân nơi đây thêm tôn kính.
|
Nhìn từ ngoài miếu Cây Thị hoang lạnh, âm u và mang trong mình nhiều câu chuyện huyền bí. |
Ông Nguyễn Duy Tùng (80 tuổi) có nhà ở cạnh miếu kể: “
Miếu ở đây thiêng lắm, không ai dám đụng chạm tới. Thời trước, khi hai đứa con trai tôi còn nhỏ, thấy phong lan trên cây thị ra hoa đẹp, nó trèo hái đem về nhà trồng.
Vừa về đến nhà thì trong người mệt mỏi, đau râm rỉ, cứ nhắm mắt là gặp mộng, mơ mơ màng màng như bị thần linh quở trách. Biết chuyện, vợ chồng tôi đem cây phong lan ra trả lại chỗ cũ, đồng thời khấn vái, nhận lỗi, nó mới lành lại bình thường”.
Ông Tùng cũng cho biết thêm, nhiều người trong xóm trước kia không có củi đốt, ra khuôn viên miếu nhặt những cành khô để đun cũng bị thần phạt cho đau ốm.
Đến khi đem tro ra đổ lại và nhận lỗi với thần linh mới khỏe mạnh lại bình thường. Từ đó, người dân nơi đây không ai dám động chạm hay xúc phạm tới nữa.
Anh Nguyễn Duy Cường (con trai ông Tùng) vẫn còn nhớ kỉ niệm cả gan bứt hoa lan trên cây thị rồi 'bị thần linh trách phạt'.
Thời con nhỏ anh Tùng và chúng bạn trong xóm vẫn thường chọn miếu Cây Thị là nơi tránh nắng vì có bóng râm của cây thị già.
|
Ông Lương Thanh Khiếu, Ban Quản lý Làng cổ Phước Tích khẳng định những chuyện lạ quanh miếu Cây Thị chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. |
Một hôm anh Cường phát hiện trên cây thị già có cây lan có hoa sặc sỡ. Thấy đẹp mắt anh liền bứt về nhà làm cảnh. Nhưng lạ thay, khi vừa cầm cây lan về đến nhà thì toàn thân anh đau nhức và mơ màng như có ai đó đòi lại cây lan.
“Khi ấy như có người nói vọng vào tai tôi quở trách gì đó. Cơ thể cũng rất mệt mỏi, tâm trạng bứt rứt không yên. Biết chuyện ba tôi liền mang cây lan trả lại vị trí cũ rồi mua đồ làm lễ tạ lỗi với thần linh. Một lúc sau khi lễ xong thì tôi trở lại bình thường." - anh Cường nói.
Anh Lê Trọng Phúc, làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh TT. Huế cũng bị tình trạng tương tự anh Cường khi cả gan bứt lan ở miếu Cây Thị về nhà.
“Toàn thân khi ấy mệt mỏi rã rời, trong tai mơ màng có tiếng người quở trách vì dám xúc phạm vào chốn thần linh. Phải mang cây lan trả về chỗ cũ, làm lễ tạ lỗi thì người mới trở lại bình thường”, anh Lê Trọng Phúc kể.
Trả lời PV VTC News, ông Lương Đình Khiếu, Ban Quản lý Làng cổ Phước Tích chia sẻ: “Nói về vấn đề thần linh biết quở phạt thì chúng tôi không khẳng định được, bởi nó thuộc về yếu tố tâm linh. Cũng có thể các trường hợp bị đau ốm kia chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Còn ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch xã Phong Hòa thì nói rằng, ông không biết những tin đồn xoay quanh miếu Cây Thị ở làng cổ Phước Tích.
Bao bọc dân làng những năm kháng chiến
Miếu Cây Thị được xây hướng về phía Đông, ngay vị trí giao nhau hình chữ Y của 3 ba con ngõ trong khu xóm. Ngôi miếu xây dựng bằng gạch, có tường thành bao bọc xung quanh, bề mặt đã phủ màu rêu phong cũ kĩ.
Phía trước có bình phong, trang trí hình con phụng gắn bằng mẻ sành (ghép các mảnh vỡ lại thành hình - PV). Dân địa phương cho biết, các mẻ sành chính là mảnh vỡ của những vật dụng hằng ngày gần gũi của người dân, là những ấm chén, bình lọ…được lựa chọn, cắt ghép một cách tỉ mỉ, hài hòa.
Hai cửa vòm được xây bằng gạch vò hình cung ở lối đi vào. Bên trong Chánh điện thờ Mẫu Ponagar, một nữ thần linh thiêng của người Chăm. Hoa văn được thiết kế tinh xảo, có các câu đối đã phai nét theo năm tháng. Đây là sự giao lưu của hai nền văn hóa Việt-Chăm.
Miếu được sửa chữa dưới thời Tự Đức, vào những năm 1950 thời kì tiền khởi nghĩa. Lúc đó Phước Tích cây cối còn rậm rạp, âm u. Người dân xóm Thượng Hòa và xóm Hạ Hòa (thuộc làng Phước Tích) thường bị quân Pháp lùng sục, vây bắt làm lính, làm phu. Chúng bắt người, vơ vét, tàn phá cảnh quan, cây cối tan nát.
Theo lời kể của ông Lương Thanh Khiếu, Ban Quản lý Làng cổ Phước Tích thì vào thời kì đó, giặc Pháp ráo riết lùng bắt dân chúng. Lúc ấy, cây cối trong làng còn rậm rạp, dân làng trong quá trình trốn chạy thì phát hiện và chui vào ẩn nấp trong lòng cây thị. Bóng thị rợp bóng một khoảng không gian lớn.
Điều đặc biệt, thân cây thị rỗng từ gốc lên ngọn, nên người dân vừa có thể trú ẩn vừa có thể lần theo ống rỗng, leo lên cao quan sát động tĩnh của địch. Sau này, đây cũng là vị trí chiến lược quan trọng cho tổ chức cơ sở Việt Minh hoạt động.
Ông Trần Văn Nguyên – Chủ tịch xã Phong Hòa cho hay: “Tôi không biết những chuyện lạ mà dân đồn thổi là thực hay hư nhưng rõ ràng miếu Cây Thị là nơi tâm linh gắn bó với dân làng hàng trăm năm qua.
Miếu cùng cây thị hàng trăm năm góp phần tôn lên vẻ đẹp cổ kính pha chút huyền thoại của làng cổ Phước Tích – nơi được Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thừa Thiên Huế đánh giá là ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Cũng có nhiều trường hợp người trong làng cố tình tạo dựng những câu chuyện ly kì để mọi người sợ và tôn trọng những di tích, những chốn tâm linh trong làng.”
Những bậc cao niên trong làng kể lại, từ xưa đến nay, các thế hệ cha ông đi trước luôn truyền bá, dạy bảo con cháu phải biết giữ gìn, bảo vệ và một lòng thành kính với Miếu Cây Thị. Không được nói tục, chửi bậy trước mặt thần linh hay có những hành động “bất kính” động chạm đến cành cây, ngọn cỏ, viên gạch trong khuôn viên miếu.
Bởi trong tâm linh của người dân đất Phước, Miếu Cây Thị không chỉ là nơi chở che cho dân làng tránh được những tai ương mà còn là một niềm tin, một tín ngưỡng thờ cúng trong lòng họ.
Ngày 16 tháng giêng hằng năm, con cháu trong làng , đặc biệt là những người sống gần cây thị thường tập trung để làm lễ cúng cấp lễ vật. Còn ngày thường, họ tự nguyện phân công nhau hương khói, quét dọn bên trong miếu sạch sẽ. Họ coi đó như là cách mà người dân Phước Tích thể hiện sự tôn sùng đối với ngôi miếu này.
Dân địa phương còn bảo rằng, mỗi năm cứ gió phơn mùa hạ thổi về là cây thị đơm hoa chiu chít nhưng chỉ duy nhất một hoa đậu thành quả. Không ai trong làng dám trèo hái, mà chỉ đợi thị rụng xuống đất rồi mới nhặt về, nhưng phải vào miếu thắp hương xin thần miếu. Quả thị tỏa hương thơm khắp nhà, được người dân trong làng đặt ở nơi cao ráo, tôn kính, chỉ để ngửi chứ không ăn.
Theo VTC News