Theo công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học Mỹ số ra ngày 21/11, nhóm nhà khoa học từ các trường đại học của Anh, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành phân tích các mẫu trầm tích thực vật và xương, răng của lợn, cừu thu thập được từ 53 địa điểm ở cao nguyên Tây Tạng. Kết quả phân tích cho thấy có rất nhiều loài cây và vật nuôi đã sinh sống tại đây, chứng tỏ loài người đã định cư lâu dài ở vùng đất có vị trí cách mặt nước biển tới 3.400 m này.
Nhóm tác giả giải thích rằng những người sinh sống ở cao nguyên Tây Tạng đã duy trì cuộc sống bằng cách nhập lúa mỳ và lúa mạch từ vùng đất có tên "Trăng lưỡi liềm màu mỡ" ở Trung Đông. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện mẫu trầm tích của các giống cây ghép từ Trung Quốc như cây cao lương hay kê đuôi chồn.
|
Ảnh minh họa.
|
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, ông Martin Jones, cho biết phát hiện mới này đặt ra nhiều câu hỏi lý thú về sự thích nghi của con người, cây trồng và vật nuôi khi phải sống trong điều kiện lạnh giá ở nơi được mệnh danh là "nóc nhà thế giới". Theo các nhà khoa học, ban đầu con người chỉ đến săn bắn tại cao nguyên Tây Tạng nhưng sau do phát hiện được những cây trồng sinh sống được ở vùng đất này nên họ đã quyết định đến định cư. Nghiên cứu cho thấy cách đây 20.000 năm đã có những người đầu tiên đến sống tại cao nguyên Tây Tạng, nhưng cuộc sống du cư chỉ bắt đầu từ cách đây 5.200 năm và định cư từ cách đây 3.600 năm.
Cho đến nay, giới nghiên cứu biết rất ít về sự sống xưa kia của con người trên các cao nguyên do chưa có đủ dữ liệu khảo cổ.
Trưởng nhóm nghiên cứu hy vọng những phát hiện mới này sẽ là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo liên quan đến gen quy định chứng sợ độ cao ở người, cũng như sự thích ứng của các tộc người thiểu số và một số loài cây sinh trưởng ở vùng cao. Ngoài ra, nghiên cứu còn có ý nghĩa trong việc tìm hướng đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai khi hầu hết các giống lương thực hiện nay đều được trồng tại các vùng đồng bằng.
Theo Vietnamplus