Những trò lừa bịp hay ho nhất thế kỷ

Google News

Có những cú lừa khiến dư luận đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, tuy nhiên, không phải lúc nào những cú lừa này cũng qua mắt được dư luận…

Bức ảnh em bé Hitler
Năm 1933, một bức ảnh em bé với khuôn mặt cau có được đăng tải rộng rãi trên khắp mặt báo Mỹ và Anh Quốc với tên gọi “Bức ảnh em bé Hitler”. Khuôn mặt cau có của em bé nhìn có vẻ rất… ngốc nghếch và Hitler đã rất tức giận và cho rằng mình đang bị báo chí xúc phạm.
 
Các sĩ quan Đức bèn gửi một tấm ảnh thật thời thơ ấu của Hitler như một lời đáp trả giận dữ. Trong tấm ảnh này, “em bé” Hitler có vẻ ngoài khá lanh lợi và đáng yêu như các em bé khác. Sau đó, chính phủ Đức đã yêu cầu truy tìm người tung ra bức ảnh. Các báo cho biết, bức ảnh tới từ Australia nhưng họ không thể nào tìm được người đăng ảnh. Cậu bé trong bức ảnh giả thực ra là người Mỹ nên khả năng nguồn gốc bức ảnh thực sự là ở Mỹ. Bức ảnh cũng đã được chỉnh sửa để gương mặt em bé có vẻ giận dữ “đúng chất” Hitler.
Câu chuyện lừa bịp của nữ tu Maria
Vào tháng 1/1836, một nữ tu tên là Maria Monk xuất bản một cuốn sách có tên là "Những tiết lộ khủng khiếp của Maria Monk" về thời gian cô bị giam hãm trong tu viện Dieu tại Montreal, Canada.
Cuốn sách miêu tả một loạt sự việc kỳ quái, ghê rợn bao gồm các lễ tế người chết, lạm dụng sức lao động, sát hại trẻ em và đặc biệt là một chiếc mũ da có tên gọi "the cap" có khả năng gây đau đớn cho người đội một cách bí ẩn.
 
Khi Maria phát hiện mình có thai, cô đã trốn khỏi tu viện vì lo sợ mình sẽ chết do lao động quá sức. Cô đã viết cuốn sách để kể lại những sự việc trong đời mình. Thế nhưng, toàn bộ sự việc là một trò lừa bịp, gây ra bởi Monk và một số người đàn ông nữa nhằm bôi nhọ đạo Thiên Chúa giáo thời đó. Sự thật đã được đại tá William Leete Stone, một biên tập viên của tờ New York city phát hiện. Ông đã tới tu viện Dieu và phát hiện ra rằng câu chuyện của Maria Monk hoàn toàn là bịa đặt. Mất hết danh dự, Maria đã dành phần còn lại của cuộc đời mình trong cảnh nghèo đói, mất trí và chết trong tù vào năm 1849.
Máy chế tạo vàng từ nước biển
Năm 1897, Prescott Ford Jernegan, cùng với cộng sự của mình là Charles Fisher đã đến Lubec, Maine và thông báo với công chúng rằng ông đã có một phát minh đáng kinh ngạc. Ông tuyên bố rằng, mình sở hữu một loại máy có thể tách vàng từ nước mặn ở bất cứ nơi nào gần biển như Lubec.
 
Một số nhà đầu tư đã đầu tư hàng ngàn đô-la Mỹ cho 2 "nhà khoa học" này để thành lập công ty Điện phân muối biển. Các hộp thí nghiệm được đặt trong nước và Fisher sẽ lặn xuống nước và bỏ vào hộp một lượng vàng nhỏ để đánh lừa các nhà đầu tư rằng họ đang "làm việc". Jernegan và Fisher chạy trốn vào ngày 29/7/1897, và từ đó không ai còn nghe tới Fisher nữa. Jernegan cuối cùng đã tiết lộ danh tính và trả lại một phần số tiền ông đã lấy năm xưa, và ông cũng may mắn khi không bị truy tố.
Máy tạo chuyển động vĩnh cửu Redheffer
Năm 1812, một người tên là Charles Redheffer đến Philadelphia và tuyên bố đã phát minh ra một máy chuyển động vĩnh cửu. Ngày nay, chúng ta đã biết không thể tạo ra một máy chuyển động vĩnh cửu vì nó sẽ vi phạm các quy luật về nhiệt động học. Tuy nhiên, vào năm 1812, khoa học chưa nhận ra điều này. Mọi người đổ xô tới xem chiếc máy "thần kỳ" của Redheffer. Thậm chí, Redheffer còn cá rằng không ai có thể giải mã được chiếc máy bí ẩn của ông. Các nhân viên chính phủ cũng không phát hiện ra sự thật, cho đến khi một người đàn ông đã làm một bản sao chiếc máy của Redheffer và lừa ông ta rằng máy của ông ta là giả.
 
Ông bị buộc phải chuyển nơi ở đến New York và lại một lần nữa lừa bịp thành công người dân ở đây cho đến khi Robert Fulton, một kỹ sư và nhà phát minh người Mỹ nổi tiếng phanh phui sự thật rằng, "chuyển động vĩnh cửu" của Redheffer thực ra là một hệ thống ròng rọc được điều khiển bởi một ông già trong căn phòng khóa kín trên gác.
Cú lừa Psalmanazar
Năm 1702, một người đàn ông tên là George Psalmanazar, chuyên sống bằng cách bịa chuyện để lừa đảo người khác, đã gặp một linh mục người Scotland và kể cho anh ta một câu chuyện kỳ dị về vùng đất của Formosa (bây giờ là Đài Loan).
 
Psalmanazer tự nhận mình là một công dân tại Formosa và thêu dệt nên rất nhiều câu chuyện kỳ quái làm say lòng linh mục. Hai người quyết định cùng nhau tới London để kể lại những sự việc kinh hoàng tại Formosa, như chế độ đa thê, ăn thịt người và thậm chí là giết trẻ em. Psalmanazar còn tự nhận mình sống trong tầng lớp quý tộc dưới lòng đất nên có nước da sáng.
Năm 1704, anh ta xuất bản một cuốn sách về các sự kiện trên và cuốn sách này đã bán rất chạy. Tuy nhiên sau đó người ta phát hiện ra Psalmanazar nói dối và không mua sách của anh ta nữa. Psalmanazar sau đó chẳng những không bị phạt mà còn trở thành một nhà thần học... uy tín.
Theo An ninh thủ đô