Để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, cha ông ta từng tạo ra những "đội quân kỳ lạ", có một không hai trong lịch sử.
Đội quân lặn nước đục thuyền
Yết Kiêu (1242-1301, có nguồn ghi 1303) tên thật Phạm Hữu Thế. Cha làm nghề đánh cá, mất khi ông 8 tuổi. Nhà nghèo nên từ nhỏ Phạm Hữu Thế phải lăn lộn sông nước kiếm sống.
Khi giặc Nguyên kéo vào xâm lược nước ta, Yết Kiêu được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng “đặc công nước” dùng tài lặn đánh đắm thuyền giặc. Mỗi khi đêm xuống, Yết Kiêu dẫn quân lặn ở khu vực thuyền giặc neo đậu, nhẹ nhàng khoan đáy thuyền, lấy giẻ nút lỗ rồi dùng dây nối các nút với nhau. Chờ quân giặc ngủ say, Yết Kiêu ra lệnh giật nút lỗ, thuyền chìm dần. Mỗi đêm, ông đục thủng khoảng 30 chiến thuyền của địch.
Có lần không may Yết Kiêu bị giặc bắt được, chúng hỏi ông: “Nước Nam bao nhiêu người có tài bơi lặn như người?”. Ông đáp: “Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay, họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi vì kém cỏi chẳng may bị bắt. Nếu các ông tha tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt”.
Bọn giặc lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý, ông nhảy xuống biển, lặn về doanh trại, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc cứu nước, gây cho chúng những nỗi kinh sợ trên đường thủy.
|
Giả ăn mày để thu thập tin tức của giặc. Nguồn tranh vẽ: Báo Bình Phước.
|
Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông từ quan về ở ẩn rồi xuất gia. Khi nghe tin cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, ông đã tìm vào Thanh Hóa xin đầu quân. Để thăm dò sự điều động binh lực cũng như nắm tình hình của giặc, Phạm Ngũ Thư đề nghị và được Lê Lợi chấp thuận cho thiết lập "hệ thống tình báo" với nhiều người cài vào hàng ngũ quân Minh.
Phạm Ngũ Thư cải trang thành người ăn xin để đi lại khắp nơi. Ông nhận thấy lợi thế của những người hành khất vì càng bẩn thỉu, ghẻ lở thì lại càng được việc. Họ có thể “một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”, xông bừa vào chỗ đóng quân, kho lương của địch để quan sát và la cà khắp nơi để chuyển tin nhanh chóng mà an toàn. Từ đó, Phạm Ngũ Thư tạo dựng thêm nhiều tai mắt trong giới cái bang.
"Đội quân cái bang” này hoạt động đắc lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập. Sau khi lên ngôi năm 1428, Lê Lợi định công phong chức tước, ban thưởng cho các công thần, chia làm 4 hạng, gồm 339 người có nhiều quân công nhất, trong đó có Phạm Ngũ Thư.
Ông được phong làm Trung lượng tả phụng thần vệ quân, tước Đại trí tự. Sau đó, ông viện cớ tàn tật để khước từ quan chức xin về quê sinh sống. Phạm Ngũ Thư chỉ nhận tước và phần thưởng là hai trăm mẫu ruộng rồi đem chia hết cho dân nghèo để trồng cấy.
Đàn chó săn của Nguyễn Xí
Nguyễn Xí (1396-1465) sinh ra ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, gốc người làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép rằng: “Vua sai Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn, ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp".
Trong khởi nghĩa Lam Sơn, đàn chó của Nguyễn Xí trở thành "đội quân đặc biệt". Do được huấn luyện chu đáo, điều khiển bằng tiếng nhạc nên từ ăn, ngủ, tấn công, chúng đều theo hiệu lệnh.
Những lúc bị vây hãm, hết lương thực, đàn chó được lệnh đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn cho nghĩa quân. Khi xung trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất hoảng sợ. Tướng giặc là Mã Kỳ mỗi khi nghe đến "đội quân khuyển" là kinh hãi.
Trong 10 năm kháng chiến gian khổ, Nguyễn Xí cùng đàn chó của mình tham gia nhiều trận đánh quan trọng như cuộc vây hãm thành Đông Quan, hạ thành Xương Giang, tiêu diệt và bắt sống gần 10 vạn quân Minh sang tăng viện năm Đinh Mùi (1427)…
Khi sự nghiệp kháng chiến thành công, Nguyễn Xí được phong làm Long Hổ tướng quân, Suy trung Bảo chính công thần, tước huyện hầu, là bậc khai quốc công thần của triều Hậu Lê và được ban quốc tính (họ vua).
Đàn chim bồ câu của Nguyễn Chích
Nguyễn Chích người thôn Vạn Lộc, xã Đông Ninh, phủ Đông Sơn (nay là huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Bố ông thích nuôi chim thả để dự thi và truyền nghề này cho con. Vì thế từ nhỏ, Nguyễn Chích đã có biệt tài nuôi chim bồ câu rất giỏi.
Bồ câu được dạy một cách khéo léo. Để xem khả năng của mỗi con, người ta đặt một chậu nước giữa sân, rồi cho chim tung cánh lên trời. Những con chim nào dạy khéo sẽ bay rất thẳng, đến nỗi cao lên tít mây xanh mà bóng chim vẫn in trong chậu nước. Nguyễn Chích đã tập cho đàn chim của ông bay khéo như vậy và còn luyện cho chúng mang thư từ, đồ nhẹ đến nơi định sẵn.
Khi gia nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Chích đã mang cả bầy bồ câu đi theo. Nhiều lần, chim câu đã giúp việc truyền tin cho nghĩa quân rất nhanh chóng.
Có lần, căn cứ Lam Sơn bị đánh úp, giặc Minh ở ngoài vây rất chặt, khó có thể phá được vòng vây hay cử người đi báo tin giải cứu. Nguyễn Chích liền thả chim câu đi đưa thư gọi được các cánh quân về cứu viện, trong đánh ra, ngoài đánh vào làm cho vòng vây của giặc tan vỡ. Lê Lợi rất khen ngợi, ban thưởng cho Nguyễn Chích và lấy thóc tẩm mật cho chim ăn để bồi dưỡng.
Đến nay, người dân ở vùng đất xứ Thanh Nghệ vẫn lưu truyền bài thơ ca ngợi “đội quân” chim bồ câu của tướng Nguyễn Chích: “Bồ câu bồ các / Nó hát cúc cù / Cu đi Quan Du / Cu về Bù Rộc / Thư này hỏa tốc / Phải đợi cu về / Ăn gạo vua Lê / Đậu vai ông Chích / Cu là cu thích / Lại hát cúc cù!”.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/VTV