Chiếc chuyên cơ Trident 256 chở Lâm Bưu chạy trốn gồm cả thảy chín người. Trong đó, gia đình Lâm Bưu gồm Lâm Bưu cùng vợ và con trai. Cùng đi với họ có hai thủ hạ đắc lực. Tổ lái gồm bốn nhân viên: cơ trưởng Phan Cảnh Diễn và ba thợ máy Lý Bình, Đài Khởi Lương và Trương Diên Khuê.
Tang tóc đổ xuống
Chín người trên chuyến bay này đều chết không sót một mống. Sự kiện ngày 13/9 khiến dư luận thắc mắc liệu các nhân viên tổ lái có phải là “đồng đảng” phản loạn đào tẩu cùng Lâm Bưu, hay chỉ là nạn nhân bị ép buộc phạm tội?
|
Một trong chín nạn nhân cháy biến dạng trên chiếc chuyên cơ Trident 256. |
Lâm Bưu là bộ trưởng Quốc phòng, phó chủ tịch Đảng, “phó thống soái” kế vị hợp hiến chức vụ của Mao Trạch Đông. Tháng 10/1971, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra Văn kiện số 57 tuyên bố Lâm Bưu là kẻ phản đảng, phản quốc.
Tiếp đó, cả nước dấy lên làn sóng phê phán Lâm Bưu. Người ta đua nhau đấu tố, vạch trần, làm rõ tội trạng, hành vi phản dân hại nước của “Tập đoàn phản đảng Lâm Bưu”. Vậy mà mới ngày nào, họ còn gân cổ chúc Phó thống soái Lâm Bưu “vĩnh viễn kiện khang”, tức mãi mãi mạnh khỏe.
Cơ trưởng Phan Cảnh Diễn có cô con gái đầu tuổi mới lên 10, bị chứng bại liệt từ nhỏ. Đôi chân cô bé teo tóp, liệt hẳn nên không thể tự chăm sóc trong sinh hoạt. Năm 1970, Phan Cảnh Diễn được giới thiệu đưa con tới thành phố Trường Xuân tìm bác sĩ giỏi để điều trị.
Thượng tuần tháng 9/1971, tiện có chuyến bay thẳng công vụ, anh đã đưa con gái từ Trường Xuân về Bắc Kinh. Sự trùng hợp sít sao về thời gian này khiến người ta suy diễn, cho rằng anh đã cố ý sắp đặt trước khi tham gia vào âm mưu phản loạn đào tẩu.
Sau sự kiện 13/9, theo lệnh phê chuẩn của lãnh đạo thành phố Bắc Kinh, nhân viên an ninh đã xộc tới đơn vị làm việc của vợ Phan Cảnh Diễn và đọc lệnh bắt chị đi “cách ly thẩm tra”. Chị ngơ ngác không hiểu vì sao mình bị bắt. Bởi cho tới lúc đó, chị vẫn chưa hề biết đã xảy ra sự kiện 13/9, trong đó chồng chị là nạn nhân.
Tấm biển “Gia đình quân nhân vẻ vang” treo trước cửa nhà thợ máy Lý Bình bị Hồng vệ binh hùng hổ giật xuống đập nát. Ít lâu sau, phía binh chủng không quân cho người đem mọi di vật của Lý Bình tới trao trả cho gia đình. Vợ Lý Bình vật vã khóc lóc, ngất lên ngất xuống. Hai đứa con nhỏ dại ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trả lời cật vấn của vợ Lý Bình, người ta cứ ậm ừ, vòng vo cho qua chuyện. Họ cố né tránh, không chịu nói rõ tính chất của vụ tai nạn máy bay khiến chồng chị chết.
Hoàn cảnh gia đình thợ máy Đài Khởi Lương còn đáng ngại hơn. Chị vợ ốm yếu quanh năm. Hung tin tới như sét đánh ngang tai. Bị "sốc" ghê gớm, chị suy sụp hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thợ máy tân binh Trương Diên Khuê còn quá trẻ, mới hơn 20 tuổi và vừa cưới vợ được hơn nửa năm thì gặp nạn. Cô vợ đang mang bầu. Lại một đứa trẻ chào đời và lớn lên mà không biết mặt cha.
Những cái chết lập lờ
Sự kiện 13/9 dù bất ngờ hay không thì vẫn gây cú sốc chính trị đặc biệt lớn cho đất nước Trung Hoa. Thời kỳ đó, đất nước này đang bước vào thời kỳ “vĩ thanh” của 10 năm động loạn “đại cách mạng văn hóa” do Mao Trạch Đông thân chinh phát động.
So sánh địa vị xã hội, Lâm Bưu thuộc đẳng cấp cao, còn nhóm Phan Cảnh Diễn chỉ thuộc hàng chót bẹt. Dù cùng ngồi trên một chiếc máy bay và cùng chết khi máy bay rơi trên đất khách quê người, nhưng tên tuổi của họ được ghi nhận khác nhau trong văn kiện Đảng và nhà nước.
Không một dòng chữ nào nhắc tới tên tuổi của bất cứ ai trong nhân viên tổ bay. Thế là họ hoàn toàn bị quên lãng. Người ta mặc sức quy chụp họ, bảo họ bị Lâm Bưu lừa gạt, hãm hại cũng đúng, mà lên án họ “phản đảng, chống ông Mao” thì cũng không sai.
Ngoài bốn người trong tổ lái đã chết theo máy bay rơi, tổ bay của chiếc chuyên cơ Trident 256 còn có năm người khác. Những người này chưa kịp lên cùng máy bay nên may mắn sống sót. Khốn nỗi, họ liền bị quy là liên đới trực tiếp với sự kiện 13/9 và đều bị “cách ly điều tra” vô thời hạn vì là nghi can số một.
Năm người bị lôi đi hỏi cung liên miên. Họ phải viết các bản trần tình chứng minh rằng bốn chiến hữu xấu số của họ không hề biểu hiện dấu vết nào chứng tỏ có sự dính dáng tới âm mưu phản loạn và ý đồ chạy trốn của Lâm Bưu, trong lời nói lẫn việc làm lúc sinh thời. Thói đời người có thân phận thấp hèn, tiếng nói nhẹ bỗng ai thèm lắng nghe. Lời làm chứng của họ trước công lý chẳng qua chỉ như gió thoảng!
Máy bay chở Lâm Bưu rơi tan xác, không một ai sống sót. Đến nay, kết quả giải mã hộp đen âm thanh tìm thấy trong đống xác máy bay cũng chẳng được nói tới. Người ta có thu được tài liệu nào khả dĩ chứng minh giữa Lâm Bưu và các nhân viên tổ bay có bàn bạc trao đổi ngầm, hoặc có đấu tranh, giằng co vật lộn giữa chạy trốn và chống chạy trốn trên không trung hay không?
Giải oan cho người đã khuất
Các nhân viên tổ lái là “đồng đảng” phản loạn đào tẩu cùng Lâm Bưu hay chỉ là nạn nhân bị ép buộc phạm tội? Câu hỏi này phải được làm rõ vì danh dự của người đã khuất, cũng là vì cuộc sống người thân của họ còn đang ở trên cõi đời này.
Ngày 11/9/1980, tức chín năm sau sự kiện 13/9, ông Đặng Tiểu Bình đã trả lời thẳng thắn về nguyên nhân dẫn tới tai họa đối với chiếc máy bay Trident 256. Tiếp El Fer, Tổng biên tập tờ Tạp chí Châm ngôn khoa học Cơ đốc giáo của Mỹ, Đặng Tiểu Bình nói: "Theo phán đoán của riêng tôi thì phi công (điều khiển chiếc chuyên cơ Trident 256) là một người tử tế, một đảng viên cộng sản tốt”.
|
Ông Lâm Bưu (ngồi giữa) cùng Ngô Pháp Hiến, Hoàng Vĩnh Thắng, Lý Tác Bằng và Khưu Hội Tác.
|
Ông Đặng Tiểu Bình kể: Trước kia đã từng xảy ra một vụ việc tương tự. Một máy bay cùng loại chở theo lượng lớn tài liệu cơ mật của Đảng và nhà nước Trung Quốc trên đường bay nội địa bị buộc bay sang một quốc gia thù địch. Khi phát hiện ý đồ đen tối của kẻ sai khiến, viên phi công đã chống lại quyết liệt. Máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Nhưng ngay sau đó, viên phi công đã bị bọn phản loạn bắn chết.
Lời khai cung của năm thợ máy còn sống đều nhấn mạnh: Trước khi xảy ra sự kiện 13/9, mối quan hệ giữa phi hành đoàn và tập đoàn Lâm Bưu chỉ thuần túy là hành vi thực thi nhiệm vụ chuyên môn theo quy định của quân chủng. Họ chỉ có nghĩa vụ duy tu, bảo dưỡng và vận hành tốt chuyên cơ.
Mà sự thật là vậy. Nhưng thật trớ trêu, suốt chín năm trời sau sự kiện 13/9, không có bất kỳ một cá nhân hay một lãnh đạo nào dám công khai bày tỏ quan điểm thừa nhận và chỉ ra bản chất về sự hy sinh của bốn nhân viên tổ lái. Báo chí hay tài liệu lưu hành nội bộ cũng không hề có lấy một dòng một chữ nào liên quan đến sự kiện. Họ né tránh “vấn đề nhạy cảm” trong cái thời đại bị chụp mũ phản cách mạng đồng nghĩa với lãnh án tử hình. Cũng có thể do họ vô cảm.
Cho tới khi ông Đặng Tiểu Bình dũng cảm nói lên sự thật, họ mới thở phào và bắt đầu “ăn theo nói leo”, đại loại: “Biết ngay mà, nhân báo như thần bảo”.
Cái “chết bệnh” nhẹ tênh
Dường như không ai còn công khai coi viên phi công cơ trưởng và ba thợ máy gặp nạn kia là những kẻ phản bội nữa. Nhưng sinh mạng chính trị của họ vẫn mập mờ, chẳng rõ ràng. Bởi cái chết của họ vẫn không được coi là chết trong khi thực thi công vụ.
Vợ của cơ trưởng Phan Cảnh Diễn trải qua hơn một năm trời bôn ba trên đường gập ghềnh tìm công lý, minh oan cho chồng. Đầu năm 1982, chị cùng gia đình nhận được “Giấy chứng nhận chết bệnh của quân nhân cách mạng” do Tổng cục Chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ký. Giấy này ghi rằng: “Đồng chí Phan Cảnh Diễn đã không may chết cùng máy bay rơi tại Ondorchaan Mông Cổ ngày 13/9/1971. Xin gửi lời chia buồn chân thành và thống thiết nhất của chúng tôi tới gia quyến. Mong mọi người hãy biến đau thương thành sức mạnh, gắng sức xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Nhờ lời khẳng định của Đặng Tiểu Bình, nỗi oan của bốn nhân viên tổ lái đã được giải sau hơn 10 năm tử nạn oan khuất, mất xác cùng máy bay rơi. Cả bốn người đều bị gán cho cái chết nhẹ tênh là “chết bệnh”.
Tiếp đó, năm người thợ máy sau hơn 10 năm bị tạm giam và đang làm việc khổ sai tại một trại cải tạo vùng biên viễn phía Bắc cũng được trả tự do. Họ không hề biết lý do được phóng thích. Cứ như 10 năm trước, họ cũng từng ngơ ngác tự hỏi: “Tại sao mình lại bị bắt nhỉ?”.
Mấy chục năm đã trôi qua. Tất cả đã lui về dĩ vãng. Sự việc về cơ bản đã được làm sáng tỏ. Nhưng mỗi lần nhắc tới sự kiện 13/9 thì mọi người - nhất là những người đã ở dốc bên kia cuộc đời không ai là không nhớ.
Theo Nguyệt san Pháp luật TP.HCM