National Public Radio mới đây đã công bố thông tin gây chấn động dư luận: Mỹ thử nghiệm khí mù tạt lên binh sĩ hồi Chiến tranh thế giới 2. Đây là dự án bí mật Mỹ đã che giấu suốt nhiều năm.
Binh sĩ bị ảnh hưởng thế nào khi tiếp xúc với các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ hay những thiết bị trong chiến tranh không chỉ là vấn đề Mỹ quan tâm mà còn có rất nhiều quốc gia khác chú trọng nghiên cứu. Mỹ đã tiến hành dự án nghiên cứu bí mật trên với sự tham gia của các "tình nguyện viên" là binh sĩ Mỹ dựa trên chủng tộc như một phần nghiên cứu ảnh hưởng của khí mù tạt.
Trong Chiến tranh thế giới 1, khí mù tạt được sử dụng làm vũ khí chết người là điều đáng chú ý nhất. Sau đó, tại Việt Nam, Mỹ đã rải chất độc màu da cam - chất làm rụng lá gây ra rất nhiều loại bệnh và ảnh hưởng tới thế hệ con cháu trong thời gian dài.
Chiến tranh thế giới 2 là cuộc chiến tranh sử dụng những hóa chất nguy hiểm ít khi được dùng trên chiến trường. Tuy nhiên, trên thực tế, 60.000 binh sĩ Mỹ đã tiếp xúc với khí mù tạt. 60.000 binh sĩ Mỹ này là một phần chương trình nghiên cứu bí mật của chính phủ Mỹ hồi đó. Mãi đến năm 1993, chương trình nghiên cứu bí mật ảnh hưởng của khí mù tạt và những hóa chất khác trong Quân đội Mỹ hồi Chiến tranh thế giới 2 mới được giải mật.
|
Mỹ đã thử nghiệm khí mù tạt lên cơ thể binh sĩ dựa theo chủng tộc màu da để nghiên cứu ảnh hưởng của khí mù tạt. |
Theo đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ thừa nhận đã tiến hành thí nghiệm trên binh sĩ người Mỹ gốc Phi, binh lính người Puerto Rico và người Mỹ gốc Nhật để kiểm tra xem liệu những người có da màu có ảnh hưởng khác so với người da trắng như thế nào khi
tiếp xúc với khí mù tạt. Theo đó, hơn 60.000 binh sĩ bị ảnh hưởng do tiếp xúc chất độc hóa học này. Một số trong số đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả binh sĩ này đều buộc phải giữ bí mật về dự án nghiên cứu kinh hoàng trên.
Mãi đến cuối những năm 1980, những binh sĩ bị ảnh hưởng nặng đến sức khỏe đã yêu cầu Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) bồi thường những tổn hại mà họ gặp phải do phơi nhiễm khí mù tạt hay Lewisite.
Tuy nhiên, để được bồi thường, các cựu chiến binh từng là "nạn nhân" của thí nghiệm rùng rợn của Mỹ đã vô cùng gian nan trên con đường tìm lại công lý khi phải cung cấp các bằng chứng chứng minh từng tham gia dự án bí mật trên hay chứng minh bệnh tình của mình do các thử nghiệm hóa học.
Mãi đến năm 1991, Bộ Cựu chiến binh Mỹ đưa ra hướng dẫn giải quyết các trường hợp này trong đó có việc nới lỏng yêu cầu đòi bồi thường như cung cấp tài liệu chứng minh đã tham gia thí nghiệm và xác định 7 bệnh do khí mù tạt hay Lewisite gây ra.
Tâm Anh (theo BI)