Trong tứ đại mỹ nhân cổ đại Trung Quốc, Tây Thi được coi là người đẹp “trầm ngư” tức cá lặn. Giai thoại nói rằng khi Tây Thi đi giặt vải tại sông Trữ La thì bóng nàng soi dưới đáy nước. Cá trong suối thấy Tây Thi đẹp quá nên lặn xuống tìm nên nàng được gọi là “trầm ngư”
Năm 495 trước Công nguyên, quân Ngô đánh bại quân Việt bao vây vua tôi nước Việt ở núi Cối Kê. Việt vương là Câu Tiễn phải đầu hàng, thân dẫn vợ và sang Ngô làm tù binh cùng Phạm Lãi. Ba năm sau, Câu Tiễn được thả về nước làm vua trong sự giám sát chặt chẽ của nước Ngô. Trong khoảng thời gian sau đó, nước Việt phải rất nỗ lực để giành thiện cảm của Ngô vương Phù Sai nhằm tránh họa diệt quốc. Bên cạnh việc triều cống vàng bạc châu báu, nước Việt đã cống nạp cho Ngô vương các mỹ nữ.
Việc cống châu báu để Phù Sai lao vào ăn chơi hưởng lạc, bóc lột sức dân làm nước Ngô giảm sút chiến đấu. Còn việc cống mỹ nữ để cho Phù Sai đắm chìm trong tửu sắc. Một khi Phù Sai không còn là minh quân thì cơ hội phục thù của người Việt sẽ tăng thêm. Đó chính là mỹ nhân kế đã đi vào huyền thoại của lịch sử Trung Quốc.
Để thực hiện điều này, người Việt tuyển gái đẹp khắp nước vào cung rồi lại được mời các danh sư luyện cho thực giỏi cầm kỳ thi họa, múa hát. Sau đó, họ lại chọn ra được người thông minh để cống nước Ngô. Nổi bật trong đám mỹ nữ đó là Tây Thi, Trịnh Đán và cả hai được tuyển vào danh sách hơn 10 mỹ nhân được chọn sang Ngô.
Khi sang Ngô, Tây Thi cùng được dâng như các mỹ nữ khác của nước Việt trong đoàn vũ công. Quả nhiên, với sắc đẹp của Tây Thi và Trịnh Đán thì Phù Sai đã có ấn tượng và ân sủng hai người đẹp nước Việt. Nhưng Tây Thi tỏ ra là cô gái thông minh và biết cách mê hoặc đàn ông hơn nên Phù Sai năng đến ân sủng hơn. Cũng vì chuyện này mà Trịnh Đán đâm ra ghen tức sinh bệnh rồi qua đời. Từ đó, Tây Thi ‘độc chiếm’ Phù Sai.
Việc được Phù Sai ân sủng đã giúp Tây Thi tác động các chính sách có lợi cho nước Việt chẳng hạn như cho vay thóc, bớt triều cống đều được Phù Sai chấp thuận.
Gần 20 năm bên cạnh Phù Sai, Tây Thi đã khiến Phù Sai từ một minh quân trở thành kẻ đắm chìm trong tửu sắc, sát hại trung thần Ngũ Tử Tư và mắc sai lầm nghiêm trọng là lơ là phòng bị trước người Việt.
Đến năm 473 trước CN, nước Việt tiêu diệt nước Ngô, Phù Sai bịt mắt tự sát nhưng số phận của Tây Thi vẫn là một bí ẩn với nhiều giả thuyết.
Có giả thuyết cho rằng hoàng hậu nước Việt sợ Câu Tiễn say đắm sắc đẹp của Tây Thi và rơi vào vết xe đổ của Phù Sai nên đã sai người sát hại. Có giả thuyết cho rằng ngay sau khi tiêu diệt xong nước Ngô, Phạm Lãi đã tìm được Tây Thi và cùng nàng đi quy ẩn ở Ngũ Hồ. Nhưng dù là giả thuyết nào thì Tây Thi cũng đi vào lịch sử với câu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
Theo Tú Anh/MTG